TIN LIÊN QUAN | |
Đức: SPD ủng hộ đàm phán thành lập liên minh với CDU/CSU | |
Tương lai chính trị ảm đạm của Đức |
Tại Đại hội đặc biệt tổ chức ở Bonn ngày 21/1, 56% (362/642) đại biểu của SPD đã chấp thuận đưa đảng này bước vào giai đoạn hai trong đàm phán với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) để thành lập Chính phủ “Đại liên minh”.
Nhiều chuyên gia đã nhận định thành bại của cuộc bỏ phiếu lần này không chỉ quyết định số phận của đảng SPD và Chủ tịch Martin Schulz, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai chính trị của Thủ tướng Angela Merkel. Do đó, nước Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung có thể nhẹ nhõm hơn khi Berlin đang hướng trở lại quỹ đạo ổn định vốn có. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bà Merkel và ông Schulz có thể buông lỏng cảnh giác trước những nguy cơ vẫn rình rập xung quanh quá trình đàm phán.
Chủ tịch SPD Martin Schulz đã có chiến thắng không dễ dàng tại Đại hội đảng. (Nguồn: EPA-EFE) |
CDU cảnh giác
Có thể nói, Chủ tịch CDU, Thủ tướng Angela Merkel là một trong những người vui mừng nhất sau quyết định của SPD. Tuy nhiên, bà không tỏ ra quá phấn khởi trong bài phát biểu cùng ngày. Nhà lãnh đạo Đức hiểu chặng đường phía trước của Berlin còn dài và bà cần phải tỉnh táo đễ dẫn dắt quốc gia qua những ngày sắp tới. Đây là cơ hội cuối của Thủ tướng Merkel để thành lập Chính phủ và tránh việc bầu cử lại, điều có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn với sự lớn mạnh của đảng Sự Lựa chọn Khác cho nước Đức (AfD)
Hơn nữa, tỷ lệ bỏ phiếu tại SPD phản ánh thực tế rằng nhiều đại biểu vẫn còn hậm hực với bà Merkel khi đổ lỗi cho những động thái gần đây khiến CDU và SPD mất nhiều phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua. Một số khác còn nhận định rằng nếu liên minh với CDU, SPD sẽ tiếp tục phải hứng chịu chỉ trích của cử tri cho nhiều chính sách đi ngược lại với quan điểm của đảng này.
Ngay cả khi hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng, bản thảo vẫn cần được thông qua một lần nữa bởi 440.000 thành viên của SPD. Một bước sảy chân nhỏ trong quá trình đàm phán có thể khiến nỗ lực của cả ông Martin Schulz và bà Angela Merkel tan vỡ.
SPD chưa thoát khó
Tuy nhiên, với kết quả này, đảng CDU và Thủ tướng Merkel vẫn ở một vị trí dễ chịu hơn nhiều so với ban lãnh đạo SPD và Chủ tịch Martin Schulz. Dù chiến thắng của cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EP) là xứng đáng, song nó cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong chính đảng lâu đời này.
Nhiều người đã dành lời khen cho bài hùng biện của ông Schulz, khi ông thuyết phục SPD tiếp tục liên minh với CDU để lãnh đạo đất nước: “Nếu chúng ta muốn định hình những mục tiêu trong và cho châu Âu, chúng ta không thể đợi một vài năm nữa. Những quyết định quan trọng cần phải được thực hiện ngay tại đây, chứ không phải 3, 4 hay 5 năm”. Dẫu vậy, không ít trong số 600 đại biểu tham dự tỏ ra lạnh nhạt với những lời hoa mỹ của ông Schulz. Một số còn chế giễu mối quan hệ gần gũi của ông với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nhất là khi nhiều người trong SPD có lập trường thân tả như đảng Lao động Anh, thay vì trung hữu như đảng Tiến bước của người đứng đầu Paris.
Thêm vào đó, thành viên đảng này còn cho rằng ban lãnh đạo SPD đã “lép vế” quá nhiều trước CDU tại đàm phán. Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử vừa qua, SPD từng nói nhiều về việc thay thế hệ thống bảo hiểm y tế công – tư đang song hành bằng một chế độ bảo hiểm y tế duy nhất cho người dân. Nhưng, chỉ sau một tuần đàm phán, đề xuất này đã “không cánh mà bay” khỏi bản dự thảo liên minh.
Dẫu vậy, nhiều đảng viên SPD vẫn nhận ra tầm quan trọng của một Chính phủ liên minh ổn định tới tương lai của nước Đức. Ông Kevin Kuhnert, một ngôi sao đang lên trong giới lãnh đạo tại SPD, nhận định rằng đảng của mình bị mắc kẹt trong “vòng xoay không hồi kết” của việc thành lập liên minh với bà Merkel: “Chúng ta không muốn, nhưng chúng ta vẫn phải làm”. Sự miễn cưỡng của đảng viên SPD thể hiện rõ khi nhiều đại biểu đã mang mũ đỏ, tượng trưng cho những chú lùn, đến Đại hội, phản ánh lời nhắn nhủ của ông Kuhnert: “Hôm nay chúng ta sẽ làm người lùn, để một ngày khác, chúng ta sẽ trở thành người khổng lồ”.
Trước mắt, với vị thế “người lùn” hiện nay, SPD cần đàm phán với CDU một cách tích cực hơn, nhằm giành thêm phần nào lợi thế ở “Đại liên minh” sắp tới. Tuy nhiên, khó có thể biết liệu Thủ tướng Angela Merkel, người được biết đến với khả năng thương thuyết tài tình, sẽ nhượng bộ ông Schulz đến mức nào trong cuộc “ngã giá” sắp tới, trong bối cảnh CDU vẫn cần “Đại liên minh” để xây dựng một Chính phủ vững mạnh, duy trì đà tăng trưởng của nước Đức nói riêng và sự ổn định của EU nói chung.
Thế khó của Đức và EU Tiến trình thành lập Chính phủ liên minh tại Berlin không chỉ là mối quan tâm của người dân Đức, mà còn nhận được sự ... |
Liên minh Công đoàn Đức kêu gọi SPD ủng hộ thỏa thuận liên minh Liên minh Công đoàn Đức (DGB), đại diện cho khoảng 6 triệu người lao động Đức, cho rằng bản kế hoạch chi tiết mà các bên ... |
Bà Merkel kêu gọi thành viên SPD lựa chọn "có trách nhiệm" vì nước Đức Ngày 17/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng kêu gọi các đảng viên của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) lựa chọn "có ... |