Ông Ranil Wickremesinghe (trái) tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Sri Lanka trước sự chứng kiến của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ngày 12/5. (Nguồn: AFP) |
Ngày 12/5, tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Colombo, ông Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, chính thức thay thế ông Mahinda Rajapaksa, người đã từ chức vào ngày 9/5.
Trước đó, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã bổ nhiệm nghị sĩ đối lập Ranil Wickremesinghe giữ chức Thủ tướng trong nỗ lực mang lại sự ổn định cho quốc gia Nam Á đang chìm trong khủng hoảng.
Tân Thủ tướng vốn là gương mặt quen thuộc trên chính trường Sri Lanka. Trong sự nghiệp chính trị kéo dài hơn 4 thập niên, ông từng 5 lần giữ chức thủ tướng, lần gần nhất là từ năm 2015 đến năm 2019.
Bài toán khó của ông hiện nay là dẫn dắt đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi độc lập và khơi dậy niềm tin của người dân đối với chính phủ.
Việc bổ nhiệm chính trị gia kỳ cựu đảm nhiệm vị trí thủ tướng là một nỗ lực của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra và khôi phục uy tín quốc tế trong bối cảnh chính phủ Sri Lanka đang đàm phán về gói cứu trợ và các kế hoạch tái cơ cấu nợ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Hôm qua (11/5), trong bài phát biểu được phát sóng trên toàn quốc đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình kêu gọi Tổng thống từ chức bùng phát cách đây một tháng, ông Rajapaksa thông báo sẽ thành lập một chính phủ đoàn kết trong những ngày tới.
Tổng thống nêu rõ sẽ chỉ định một thủ tướng nhận được đa số ủng hộ trong quốc hội và được người dân tín nhiệm.
Sri Lanka đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, nguồn cơn dẫn đến bạo lực bùng phát từ ngày 9/4 khi liên tiếp xảy ra các vụ đụng độ bên ngoài văn phòng tổng thống.
Ít nhất 9 người đã thiệt mạng và hơn 200 người bị thương kể từ khi đụng độ bùng phát.