Start-up là một khái niệm mô tả hoặc xác định một dự án vừa mới ra đời, hoặc một công ty vừa khởi nghiệp nhưng mới trong giai đoạn ấp ủ ý tưởng kinh doanh. Những năm 1996-2001, trong cơn sốt Internet, start-up trở thành hiện tượng “nóng” khi xuất hiện hàng loạt kiểu công ty này ở Bắc Mỹ, trước hết là các công ty có đuôi “.com” tại Thung lũng Silicon. Nhưng sau đó, nó đã bị quên đi rất nhanh để rồi gần đây được hồi sinh và được gán cho mọi dự án, công ty bắt đầu khởi nghiệp.
Start-up, Start-up!
Dự án khởi nghiệp có thể xuất hiện trong bất cứ ngành nào, thế nhưng đa số thuộc về các công ty công nghệ hoặc Internet. Các dự án hoặc công ty khởi nghiệp thường có ba đặc trưng: Chi phí ban đầu thấp; Độ rủi ro kinh doanh cao; Tiềm năng hoàn vốn và lãi vượt trội so với các công ty khác khi hoạt động ổn định. Hai người khổng lồ Facebook và Google là hai điển hình start-up thành công. Một trong những phương pháp tài trợ cho các công ty khởi nghiệp là huy động vốn từ các quĩ mạo hiểm hoặc các nhà hảo tâm.
Start-up: cuộc cách mạng mới trong kinh doanh. (Nguồn: Huffington post) |
Tuy nhiên, start-up cũng có những tai tiếng để đời. Ở phương Tây người ta có câu cửa miệng: “Đừng than lương thấp, vì chúng tôi là start-up”. Đó là chưa kể không ít start-up vẫn trắng tay sau nhiều năm khởi nghiệp.
Giống như một dự án kinh doanh bình thường, start-up cũng trải qua các giai đoạn ý tưởng (sáng kiến), rồi biến ý tưởng thành dự án kinh doanh. Tuy nhiên, giai đoạn thứ 3 mới thực sự là khởi nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp lúc này nắm rõ số lượng khách hàng của mình và thu nhập sẽ tăng trưởng bao nhiêu sau mỗi tháng và dĩ nhiên không phải bằng mọi giá, nhất là chi phí vô biên cho quảng cáo.
Khi quốc gia Start-up
Ở quốc gia nào cũng có các dự án và công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên khi nói về một quốc gia khởi nghiệp thì ai cũng hiểu đó là kỳ tích Israel. Một đất nước mới tồn tại trên 60 năm, sống trong vòng vây thù địch, trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và hầu như lúc nào cũng trong tình trạng thời chiến. Khi lập quốc, Israel chỉ có vỏn vẹn 800.000 dân, với tài nguyên thiên nhiên là một con số không tròn trĩnh. Một nước nhỏ nằm lọt trong sa mạc bao la đến nước ngọt cũng là mặt hàng xa xỉ. Thế nhưng ở nước này mỗi năm xuất hiện 500 công ty công nghệ, trong khi cùng thời gian đó cả châu Âu mới đạt con số 700. Các tập đoàn quan trọng về IT như: Intel, Microsoft, Cisco… đều có các trung tâm nghiên cứu tại nước này.
Chỉ sau 30 năm, từ một nước chưa có một siêu thị nào, Israel đã trở thành một nước giàu có bậc nhất thế giới tính theo GDP trên đầu người. Thanh niên Israel trưởng thành (18 tuổi) phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 2 năm, sau đó mới bước vào học đường đại học hoặc đi theo các con đường khác. Họ đi học ở tuổi đã trải nghiệm cuộc sống và nhiều người đã có gia đình riêng, nên khi khởi nghiệp họ đã tích lũy được nhiều phẩm chất đối với một doanh nhân.
Theo một nhà phân tích của Hoa Kỳ, khi đã có sáng kiến mới trong đầu, doanh nhân Israel lập tức triển khai ngay trong tuần đó. Và sâu xa hơn, kỳ tích của Israel được lý giải bởi một chiến lược đồng bộ từ chính sách di cư, chiến lược nghiên cứu và phát triển, cũng như chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Và đặc biệt, người ta còn nói rằng, trong đầu của người Israel luôn có câu hỏi “Tại sao ông là sếp của tôi chứ không phải tôi là sếp của ông?”.
“Cuộc cách mạng mới”
Ngày nay, hai từ Khởi nghiệp luôn mang đến cảm giác kiêu hãnh và tự hào. Người ta tôn vinh những người dám bỏ trường đại học để ẩn mình theo đuổi ý tưởng riêng. Và một số người trong số họ đã trở thành những đại gia và thậm chí trở thành những vĩ nhân thực sự. Tất nhiên, không phải ai muốn cũng đều thành đạt như họ.
Trong thực tiễn, không ít người nhầm lẫn hoặc cố tình không hiểu sự khác biệt giữa khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhỏ. Sự thật, sự khác biệt giữa hai con đường này rất lớn. Khởi nghiệp luôn cần tính đột phá để tạo ra một sản phẩm chưa hề có trên thị trường hoặc tạo ra một phân khúc mới cho sản phẩm, một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, hoặc một công nghệ độc đáo chưa từng có… Một công ty khởi nghiệp không đặt ra giới hạn tăng trưởng như các doanh nghiệp nhỏ mà có tham vọng tạo ra ảnh hưởng lớn, mang tính khai phá thị trường.
Năm 2016 được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp ở Việt Nam và thực sự là thanh niên Việt Nam được đánh giá cao về tinh thần khởi nghiệp. Đến Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ ra ấn tượng về tinh thần khởi nghiệp hiện nay trong cộng đồng người Việt trẻ. Ông cũng kêu gọi các bạn trẻ cần phải có “một tư duy và tầm nhìn rộng lớn mang tính quốc tế, chứ đừng nhìn hạn hẹp trong biên giới quốc gia mình”.
Tuy nhiên, từ lòng quyết tâm cho đến khi ra sản phẩm là một chặng đường không đơn giản. Một số tập đoàn lớn và các quĩ mạo hiểm quốc tế đã bắt đầu hỗ trợ quá trình khởi nghiệp ở Việt Nam. Cụ thể, Tập đoàn công nghệ FPT đã thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, mỗi năm bỏ vào đó khoảng 2 triệu USD, tham gia cùng các Quỹ khác thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sao cho có được sản phẩm mới và tiến tới thương mại hóa được sản phẩm đó. Hay Tập đoàn Vingroup đã bỏ khá nhiều tiền để mua lại các công ty khởi nghiệp.
Ưu thế của Việt Nam là thanh niên đông, tiếp thu công nghệ rất nhanh, có nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, đó chỉ là những yếu tố cần nhưng chưa đủ. Cái thiếu lớn nhất cho đội ngũ nhân lực này là tri thức về công nghệ, ngoại ngữ và kỹ năng quản trị công ty. Nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ xu thế khởi nghiệp bằng nhiều con đường mà cụ thể là tham gia lập các Quỹ, đặt ra các giải thưởng về khởi nghiệp. Tất nhiên, vai trò chủ yếu của Chính phủ là tạo ra cơ chế pháp lý thông thoáng, môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp.
Với tinh thần này, ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Hi vọng, đề án khởi nghiệp này sẽ đi vào cuộc sống, góp thêm “một sức bật mới” cho đất nước.