TIN LIÊN QUAN | |
Hình ảnh lễ đón chính thức Chủ tịch nước tại Singapore | |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Singapore |
Khi nền kinh tế đã đạt tới một trình độ phát triển nhất định, Singapore không còn được đánh giá là nơi lý tưởng cho các cuộc “cách mạng kinh doanh” mang tính đột phá. Là một trong các quốc gia vươn tới đỉnh cao từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phong trào khởi nghiệp ở Singapore từng không được đánh giá cao. Và việc Chính phủ bỗng nhiên dành sự quan tâm tới các công ty khởi nghiệp cũng được xem là một bất ngờ lớn.
Khơi dậy tinh thần kinh doanh
Khoảng 5, 10 năm trước, việc tham gia vào một công việc thiếu chắc chắn như thành lập một công ty tại Singapore được coi là “điên rồ”, bởi cơ hội luôn có sẵn đối với những người có năng lực tại một ngân hàng lớn, một tập đoàn nước ngoài hay cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Quỹ nghiên cứu Quốc gia (NRF) Low Teck Seng, đã đến lúc Singapore không thể tiếp tục dựa dẫm vào các công ty đa quốc gia, mà phải nỗ lực để khuyến khích tinh thần kinh doanh trong dân chúng. Start-up được coi như một luồng gió mới thổi vào nền kinh tế vốn rất năng động, nhưng tạm thời “im ắng” của Singapore.
Năm 2015 là năm thứ 10 liên tiếp, Singapore đứng đầu trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh. |
Nhưng cải cách chưa bao giờ là một công việc dễ dàng và việc thay đổi môi trường kinh doanh của một quốc gia chưa thể ngày một, ngày hai. Tất nhiên, giống Israel, đất nước Singapore rất nhỏ, với những nguồn lực thiên nhiên hạn chế, có nghĩa là để có thể tăng trưởng, họ buộc phải tìm được những phương pháp tiếp cận vĩ mô và sáng tạo. Bởi vậy, những nỗ lực tổng thể và nhất quán của Chính phủ Singapore có vai trò rất lớn trong việc tạo đà cất cánh cho các công ty khởi nghiệp ở quốc đảo này.
Trong bối cảnh các quốc gia trên khắp thế giới cũng đang tìm cách khuấy động tinh thần doanh nhân để tạo công ăn việc làm, thúc đẩy và tạo những đột phá cho nền kinh tế, thực tế đã chứng minh sự lựa chọn hợp lý của Chính phủ Singapore. Những năm gần đây, lãnh đạo Singapore không ngừng nói về tầm quan trọng của khởi nghiệp. Các trường đại học quốc gia không ngừng thúc đẩy sáng tạo. Tập đoàn truyền thông quốc gia MediaCorp chạy các chương trình biểu dương tinh thần doanh nhân, tôn vinh văn hoá khởi nghiệp...
Trỗi dậy lần thứ hai
Theo Scott Anthony - Giám đốc điều hành Innosight - một doanh nghiệp tư vấn sáng tạo và đổi mới nổi tiếng toàn cầu, Singapore thời điểm này khác xa với 5 năm trước. Một quốc đảo chuyển mình hoàn toàn, với hàng trăm các doanh nghiệp khởi nghiệp thú vị tập trung ở tòa nhà Block 71 - nơi tờ The Economist gọi là “hệ sinh thái khởi nghiệp dầy đặc nhất thế giới” - cùng với Đại học quốc gia Singapore (NUS) và các khu vực nghiên cứu và phát triển sáng tạo do Chính phủ bảo trợ như Fusionoplis and Biopolis.
Việc thâu tóm, mua bán các doanh nghiệp, dự án lớn nhỏ đã trở thành chuyện thường ngày ở Singapore. Có những thương vụ được gọi là nhỏ theo chuẩn toàn cầu, như vụ nhà cung cấp dịch vụ trò chuyện trực tuyến Zopim được mua lại với giá 30 triệu USD. Nhưng cũng có những vụ thâu tóm khác như Ratuken Nhật Bản mua lại Viki của Singapore với giá 200 triệu USD…
Hiện Singapore được coi như vùng đất tốt để “ươm mầm kinh doanh”. Vào năm 2010, rất khó tìm ra những doanh nghiệp tốt để đầu tư ở Singapore. Nhưng nay, các nhà đầu tư toàn cầu nhìn thấy ở đây những cơ hội làm ăn hấp dẫn. Hơn 400 nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở Singapore. Các quỹ đầu tư lớn của thế giới đã có mặt tại đây. Singapore còn được coi như bàn đạp để tiếp cận các thị trường mới nổi ở châu Á khác như Indonesia, Philippines và Việt Nam…
Singapore thường xuyên được xếp vào hàng các quốc gia dễ kinh doanh nhất thế giới. Luật lệ rõ ràng và dễ thực thi; Thành lập công ty mới chỉ trong vài giờ, thậm chí vài phút; Luật pháp minh bạch và quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng; Chính sách thu hút nhân công có trình độ đào tạo cao và chính sách định cư riêng cho các doanh nhân tương lai. Tuy nhiên, Scott Anthony cho rằng, câu chuyện khởi nghiệp ở Singapore còn được viết bởi hai yếu tố khác, đó là: sự tham gia nghiêm túc của Chính phủ vào cuộc chơi khởi nghiệp và việc sử dụng quyền lực mềm để dỡ bỏ những rào cản vô hình đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Có một quan niệm rằng, những doanh nhân khởi nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì họ không có gì để mất. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Singapore trong 50 năm qua cho thấy rằng, rất nhiều công dân Singapore đủ giàu để khởi nghiệp, thay vì chấp nhận rủi ro vì không có tài sản gì để mất.
Vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp Singapore ngày càng được thừa nhận, khi nước này chuyển từ một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các công ty đa quốc gia tới một mô hình kinh tế khỏe khoắn hơn, với sự hiện diện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng tăng trưởng nhanh. Các điều kiện thuận lợi trên đang tạo thành một vòng tròn khép kín, tự sinh, tự dưỡng để tăng trưởng, bởi khi các doanh nhân thành công, họ sẽ lại có nhu cầu tiếp tục kinh doanh.
Singapore - nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam Dòng vốn FDI của Singapore đã chảy vào 18/21 lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ... |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Singapore Chiều nay 28/8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm ... |
Singapore song hành cùng nền kinh tế Việt Nam phát triển Nhắc đến Singapore, người ta ngay lập tức nghĩ đến một mô hình đầu tư rất thành công tại thị trường Việt Nam, đó là ... |