Vụ rò rỉ khí đốt từ Dòng chảy phương Bắc 2 ở Biển Baltic được chụp từ trên cao, ngày 28/9. (Nguồn: Reuters) |
Hai đường ống ngoài khơi dài 1.200 km (745 dặm) kết nối trực tiếp nguồn khí đốt từ Nga tới Liên minh châu Âu (EU), vận chuyển tổng cộng 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, theo đơn vị vận hành Dòng chảy phương Bắc 2.
Cuối tháng 8/2022, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 với lý do có vấn đề kỹ thuật do lệnh trừng phạt của châu Âu gây ra. Trong khi đó, đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 lại chưa đi vào hoạt động do hậu quả từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Một số chính phủ châu Âu cho biết, các vụ rò rỉ có thể là kết quả của hành vi cố ý phá hoại nhưng không nêu tên bên nào phải chịu trách nhiệm.
Cơ hội để EU xóa bỏ năng lượng Nga
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nói với Hội đồng Bảo an rằng Mỹ có nhiều lợi ích trên thị trường khí đốt từ sự cố lần này của Dòng chảy phương Bắc. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bác bỏ nhận định này.
Richard Mills, Phó đại diện của Mỹ tại Liên hợp quốc, cho biết Mỹ đã đẩy mạnh xuất khẩu LNG trong những năm gần đây vì Nga từ lâu đã là nhà cung cấp năng lượng “không đáng tin cậy” cho châu Âu. Theo ông này, trong quá khứ, Moscow đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Đông Âu vào mùa Đông do tranh chấp về giá khí đốt.
Hôm 30/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói với phóng viên rằng Mỹ xem vụ phá hoại các đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc như một "cơ hội vô cùng lớn" để EU xóa bỏ năng lượng của Nga.
"Đây là cơ hội cực lớn để loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga và lấy đi của Tổng thống Putin khả năng vũ khí hóa năng lượng dùng làm công cụ thúc đẩy các mục tiêu chính trị", ông Blinken nhấn mạnh.
Trung Quốc yêu cầu điều tra
Trung Quốc đã kêu gọi một cuộc điều tra về vụ rò rỉ khí đốt Dòng chảy phương Bắc giữa bối cảnh Nga nghi ngờ đây là một vụ phá hoại. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi đây là “một hành động khủng bố quốc tế”.
Hôm 30/9, Geng Shuang, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên hợp quốc cho biết, từ thông tin tình báo cho thấy thiệt hại đối với hai đường ống dẫn khí đốt lớn của Nga đến châu Âu rất có thể là do cố ý.
Tin liên quan |
Sự cố hai Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 là vụ 'tấn công có chủ đích'? |
Ông Geng nói trong bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: “Nếu đúng thì vụ việc sẽ cấu thành một cuộc tấn công vào các cơ sở dân sự đa quốc gia và các đường ống dưới biển, điều này là vi phạm luật pháp quốc tế. Vụ rò rỉ đã cho thấy rõ sự mong manh của cơ sở hạ tầng xuyên biên giới. Chúng tôi sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để duy trì an ninh của hệ thống này”.
Ông cho biết, người tiêu dùng trên thế giới, bao gồm cả ở các nước đang phát triển, có khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự xáo trộn trên thị trường năng lượng.
Giới quan sát cho biết, Trung Quốc ít có khả năng bị ảnh hưởng hơn so với châu Âu vì các hợp đồng khí đốt tự nhiên của Trung Quốc thường dài hạn, kéo dài một hoặc hai thập kỷ. Điều này đồng nghĩa với việc nếu xảy ra biến động giá tại một thời điểm cụ thể sẽ không gây tác động lớn đến các hợp đồng đang thực hiện.
Châu Âu 'lạnh run' khi mùa Đông cận kề
Cuộc xung đột ở Ukraine đã có tác động lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu - đặc biệt là ở châu Âu, vốn đang chạy đua ráo riết để tìm nguồn năng lượng thay thế cho nguồn cung ứng từ Nga.
Dù chưa rõ bên nào phải trách nhiệm cho vụ việc lần này nhưng cả châu Âu giờ đây đã bắt đầu cảm nhận được hơi lạnh của mùa Đông năm 2022 và thậm chí thêm nhiều mùa Đông nữa mà không có bất cứ đường ống dẫn khí đốt nào từ Nga.
Hai mùa Đông tiếp theo được nhận định sẽ là một thách thức lớn đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp và ngành công nghiệp của châu Âu và khu vực này vẫn đang nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga càng sớm càng tốt.
Tin tốt cho châu Âu là các nguồn cung cấp khí đốt khác từ Na Uy, Bắc Phi và Azerbaijan - đều đang hoạt động bình thường. Kho lưu trữ mùa Đông đã đầy hơn 80%, trước thời hạn mà EU đề ra là đạt mốc này vào cuối tháng 10.
Ngoài ra, khả năng châu Âu vượt qua mùa Đông còn phụ thuộc phần lớn vào thời tiết. Nhiệt độ, nắng và sức gió đều đóng vai trò quan trọng đối với quá trình sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo.
Theo giới quan sát, châu Âu cũng cần thu hút các lô hàng LNG linh hoạt (tức là các nguồn cung cấp không bị ràng buộc vào các hợp đồng dài hạn vốn chiếm ưu thế ở châu Á). Các nước thành viên EU và các thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu dự kiến sẽ nhập khẩu nhiều hơn 41 tỷ mét khối LNG so với năm 2021, chiếm 67% mức giảm nhập khẩu dự kiến của Nga.
Tiến trình này cũng được đẩy nhanh khi nhu cầu LNG của Trung Quốc giảm gần 25% trong năm nay so với năm ngoái do chính sách Zero Covid. Sinopec, công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc cũng đã bán lại 3,15 triệu tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu trong năm nay, theo Nikkei Asia.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cảnh báo về sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các khu vực khác của châu Á đối với nguồn cung LNG vào mùa Đông.
| Nord Stream nghi bị phá hoại, Italy điều tàu ngầm bảo vệ đường ống dẫn khí đốt Trong bối cảnh Nga cắt giảm nguồn cung, Italy tuyên bố đã đạt mục tiêu dự trữ 90% khí đốt sớm hơn kế hoạch. |
| Sự cố Dòng chảy phương Bắc: Nord Stream AG tiến hành đánh giá thiệt hại, Phần Lan 'rốt ráo' chuẩn bị Ngày 29/9, Công ty Nord Stream AG, đơn vị vận hành đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 ở ngoài khơi cho ... |
| Thụy Điển phát hiện thêm 1 vụ rò rỉ trên đường ống Dòng chảy phương Bắc Ngày 28/9, báo Svenska Dagbladet đưa tin Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển đã phát hiện vụ rò rỉ thứ 4 trên tuyến ... |
| Anh đã tìm ra nguyên nhân đường ống Dòng chảy phương Bắc rò rỉ? Trang Sky News dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh, theo đó nhà chức trách nước này cho hay, sự cố tại các ... |
| Đan Mạch và Ukraine có những nhận định đầu tiên về sự cố rò rỉ các đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 ... |