📞

Sự cố nhỏ trong toan tính lớn

16:34 | 23/12/2016
Mặc dù vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov ngày 19/12 là sự kiện khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng, thậm chí tờ The Express (Anh) còn so sánh với vụ sát hại Hoàng thân Áo Franz Ferdinand năm 1914*, nhưng quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ không vì thế trở nên xấu đi.

Ông Andrei Karlov, 62 tuổi, là một nhà ngoại giao Nga kỳ cựu làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ vào giai đoạn quan hệ song phương có nhiều sóng gió. Hợp tác tốt đẹp giữa Moscow và Ankara trở nên căng thẳng bởi cuộc chiến ở Syria, khi vào tháng 11/2015, Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga ở không phận Syria. Dù vậy, quan hệ Nga - Thổ đã nhanh chóng bình thường hóa sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất hồi tháng 8 năm nay.

Vụ ám sát Đại sứ Karlov được cho là sẽ khó gây ra khủng hoảng trong quan hệ hai nước. Trong các tuyên bố chính thức, lãnh đạo hai bên không đổ lỗi hay chỉ trích nhau về vụ việc. Tổng thống Putin khẳng định đây là “hành động khiêu khích” nhằm làm tổn hại việc bình thường hóa quan hệ Nga - Thổ cũng như tiến trình hòa bình Syria. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh hai nước “sẽ không bị đánh lạc hướng” vì sự việc này. Tờ New York Times nhận định quan hệ Moscow – Ankara thậm chí còn thân thiết hơn khi hai nước cùng hướng về một kẻ thù chung.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. (Nguồn: Newsweek)

Hiện nay, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay nhau là vấn đề Syria. Ông Aaron Stein, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng: “Thổ Nhĩ Kỳ cần Nga để thúc đẩy các lợi ích chiến tranh. Ngược lại, Nga cần Thổ Nhĩ Kỳ để chiến thắng tại Syria. Bên nào cũng có động lực để hành xử một cách kiềm chế”.

Chính quyền Ankara lo ngại việc lực lượng người Kurd kiểm soát vùng biên giới phía Bắc Syria có thể góp phần thúc đẩy phong trào ly khai của  người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sự can thiệp của Nga tại Syria đã làm thay đổi những tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ, khiến mục tiêu chống lại chính quyền Damascus của Ankara trở nên tốn kém và khó thành công hơn. Điện Kremlin cũng cho rằng, thay vì tấn công lực lượng nổi dậy Syria - vốn nhận được sự trợ giúp từ Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow nên hợp tác với Ankara hơn là duy trì tình trạng thù địch.

Thực tế trên đã khiến cho Moscow và Ankara dù có nhiều lợi ích và chiến lược đan xen hoặc đối lập nhau song mới đây, cả hai đều đứng ra làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn ở “chảo lửa” Aleppo, cho phép lực lượng nổi dậy và dân thường di tản khỏi thành phố này. Chuyên gia Stein cho biết, hiện tại, lực lượng quân đội chính phủ Damascus với sự hỗ trợ của Nga đang kiểm soát Aleppo, trong khi các phiến quân có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang chiếm giữ thị trấn chiến lược Al Bab. Do hai khu vực này nằm cách nhau không xa, nên giao tranh hoàn toàn có khả năng bùng phát trở lại.

Hơn ai hết, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng nếu không kiểm soát tốt tình hình, vụ ám sát ngày 19/12 có thể bùng phát thành một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, thổi bay những thành quả vốn rất khó khăn mới đạt được của hai bên tại Syria.

(*) Sự kiện châm ngòi cho Chiến tranh Thế giới thứ Nhất.