Sử dụng “vũ khí thương mại”, ông Trump đang tuyên chiến với cả thế giới?. (Nguồn: NYT) |
Tổng thống Donald Trump hôm 30/5 tuyên bố ông sẽ áp dụng mức thuế 5% lên tất cả các hàng nhập khẩu từ Mexico, để gây áp lực lên nước này phải nỗ lực nhiều hơn trong việc ngăn chặn làn sóng người di cư Trung Mỹ xâm nhập biên giới Mỹ trái phép. Quyết định này tiếp tục làm căng thẳng giữa Mỹ và đối tác thương mại lớn nhất của mình leo thang trong vấn đề nhập cư. Và với quyết định này, một lần nữa, người đứng đầu Nhà Trắng cho thấy, ông sẵn sàng sử dụng thương mại như một vũ khí đa năng cho các mục tiêu chính sách của mình.
Gây xung đột thương mại với cả đối thủ thương mại và các đồng minh, những yêu cầu của ông Trump, thường được tiết lộ trước tiên trên mạng xã hội Twitter, hoàn toàn khiến các đối tác thương mại mất cảnh giác.
Nếu như chỉ 8 tháng trước đây, Mỹ ký Thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) nhằm thay thế cho Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) thì động thái mới của ông Trump lần này thậm chí được đưa ra trước khi Quốc hội phê chuẩn, báo hiệu cho các đối tác thương mại rằng tranh chấp và xung đột tiếp tục sẽ là “điều bình thường” trong thương mại toàn cầu - ít nhất là khi ông Trump còn tại nhiệm.
Nghiễm nhiên, Mexico không phải là mục tiêu duy nhất mà Tổng thống Mỹ nhắm tới. Mục tiêu mà ông muốn nhắm tới có phạm vi rộng lớn hơn, không giới hạn trong một quốc gia hay một nhóm nước. Và đó chính là tự do thương mại.
Cùng điểm qua một số “mặt trận thương mại" hiện nay của ông Trump.
Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh có lẽ là cuộc xung đột thương mại lớn nhất, khiến giới đầu tư, kinh tế thế giới phải khiếp sợ. Cuộc chiến có thể ảnh hưởng đến hơn 730 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ giao thương hàng năm giữa hai siêu cường.
Hồi đầu tháng 5, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên từng được kỳ vọng sẽ có tiến triển đã bất ngờ bị đổ bể do Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã “thất hứa”. Tổng thống Trump sau đó đã tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD mỗi năm đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào hàng hóa Trung Quốc. Sau động thái của Mỹ, Trung Quốc cũng ngay lập tức tăng thuế với hàng hóa Mỹ nhập vào nước này. Và hai “vũ khí thương mại” tiềm năng là “trái phiếu Mỹ” và “đất hiếm” cũng đang được Bắc Kinh cân nhắc sử dụng.
Trung Quốc cần xuất khẩu mạnh sang Mỹ để duy trì nền kinh tế cũng như cần công nghệ tiên tiến của Mỹ như công nghệ chip hay phần mềm để thúc đẩy kinh tế phát triển. (Nguồn: NYT) |
Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, những tác động đối với nền kinh tế toàn cầu có thể rất lớn nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài hoặc tiếp tục leo thang. Doanh thu từ thị trường Trung Quốc đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các công ty Mỹ và Trung Quốc vẫn đang nắm giữ vai trò “công xưởng của thế giới”. Trong khi đó, Trung Quốc cần xuất khẩu mạnh sang Mỹ để duy trì nền kinh tế cũng như cần công nghệ tiên tiến của Mỹ như công nghệ chip hay phần mềm để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, phần lớn quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump đều cho rằng, Mỹ đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc và coi mục tiêu tách rời hai nền kinh tế là mục tiêu dài hạn. Hiện tại, nhiều công ty Mỹ cũng đang xem xét giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Còn đối với Bắc Kinh lúc này, bất kỳ động thái trả đũa Washington lúc này đều có nguy cơ đẩy nhanh tiến trình đó.
Nhật Bản
Trong chuyến công du Nhật Bản kéo dài 4 ngày vừa qua, Tổng thống Trump đã gọi mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản là một “liên minh quý giá” và ông rất vui khi có mối quan hệ gắn bó thân thiết với Thủ tướng Shinzo Abe. Thủ tướng Abe đã thành công trong việc trở thành người bạn quốc tế thân thiết nhất của Trump từ khi ông lên nắm quyền. Trong lúc các đồng minh châu Âu và Canada ngày càng đánh mất vị thế và liên tục bị ông chủ Nhà Trắng phê phán, Thủ tướng Abe đã gặp và điện đàm với Tổng thống Mỹ hơn 40 lần, cùng hai lần được mời tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump.
Tuy vậy, những nỗ lực của Nhật Bản không có nghĩa là Tokyo có thể tránh được hoàn toàn những mối đe dọa. Dù tạm hoãn quyết định nhưng Tổng thống Trump cho biết, ông vẫn sẽ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu của Nhật Bản, trừ khi hai bên đạt được thỏa thuận thương mại. Mỹ muốn tiếp cận sâu hơn thị trường Nhật Bản để giúp cho nông dân và các chủ trang trại Mỹ. Ông Trump cũng mong muốn các hãng ô tô Nhật sẽ mở thêm nhiều nhà máy tại Mỹ, sử dụng nhân công Mỹ.
Một thỏa thuận thương mại với Mỹ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thủ tướng Shinzo Abe, trong bối cảnh chính quyền của ông đang nỗ lực kéo dài sự tăng trưởng của Nhật Bản trước những thách thức từ sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc. Điều này cũng gây áp lực về chính trị không nhỏ đối với ông Abe khi Tổng thống Trump nhấn mạnh nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ được hai nước ký kết sau cuộc bầu cử tháng 7 của Nhật Bản.
Mexico
Những căng thẳng với Mexico tưởng như đã dịu bớt thì lại tiếp tục bị thổi bùng lên sau tuyên bố của ông Trump hôm 30/5 khi đe dọa sẽ áp thuế 5% đối với tất cả hàng hóa của Mexico bắt đầu từ ngày 10/6 cho đến khi nước này ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã khiến trao đổi thương mại giữa Mỹ - Mexico gia tăng. Mexico đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ với hơn 150 tỷ USD tổng giá trị thương mại song phương trong 3 tháng đầu năm 2019, theo số liệu thống kê của Công ty nghiên cứu IHS Markit, Global Trade Atlas.
Mexico đã thay thế Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. (Nguồn: Getty Images) |
Thương mại giữa hai bên được dự báo sẽ chững lại sau quyết định của Tổng thống Trump. Và giống như Nhật Bản, Tổng thống Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất tại Mexico. Hiện Mexico đang là cứ điểm sản xuất của nhiều hãng ô tô Mỹ và Nhật Bản với chuỗi cung ứng thâm nhập sâu vào thị trường Mỹ.
Số phận của Thỏa thuận USMCA giữa 3 nước Mỹ, Mexico và Canada cũng đang “chênh vênh” trước những động thái mới nhất của ông Trump nhằm vào Mexico. Giới quan sát cho rằng, quyết định này có thể làm hỏng nỗ lực của ông Trump để quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận này.
Châu Âu
Những nguy cơ trừng phạt về thuế quan từ Mỹ từng xuất hiện sau khi Mỹ áp thuế nhôm, thép đối với các nước châu Âu vào năm ngoái, khiến nhiều đồng minh của Mỹ tại “lục địa già” như “ngồi trên đống lửa”. Giải thích cho quyết định này, ông Trump cho rằng, việc nhập khẩu ô tô và phụ tùng xe hơi từ nước ngoài đang gây hại cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ và đe dọa an ninh quốc gia.
Ông cũng đe dọa áp mức thuế 25% đối với hàng triệu xe và linh kiện xe nhập khẩu. Động thái này được dự báo có thể gây thiệt hại rất lớn ở các bang như Alabama và Nam Carolina - nơi đang có các nhà máy lắp ráp lớn của Mercedes-Benz và BMW.
Đổi lại, Mỹ cũng đang gặp nhiều khó khăn trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) khi liên minh này từ chối xem xét các yêu cầu cho phép các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ vào châu Âu.
Các quốc gia như Pháp và Bỉ cũng cân nhắc tham gia các cuộc đàm phán do chính quyền Trump đã từ chối ký hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu năm 2017. Các nhà lãnh đạo của liên minh Xanh trong Nghị viện châu Âu cho biết, họ sẽ không ký các thỏa thuận thương mại với các quốc gia chưa phê chuẩn hiệp định khí hậu.
Canada
Canada rơi vào “thế kẹt” khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Sau khi chính quyền Canada bắt giữ Mạnh Vãn Châu – Giám đốc tài chính của Huawei, để trả đũa, vừa qua Trung Quốc đã bắt giữ 2 công dân Canada với cáo buộc “tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc”.
Trong bài phát biểu hôm 30/5, Phó Giám đốc Ngân hàng Trung ương Canada Carolyn A. Wilkins khẳng định: “Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục làm gia tăng căng thẳng, và Canada đang bị mắc kẹt trong cuộc xung đột này”.
Và thỏa thuận thương mại mới USMCA giữa 3 nước Mỹ, Mexico và Canada cũng bao gồm một điều khoản liên quan tới Trung Quốc – điều mà giới quan sát nhận định, là “nỗ lực công khai” của Mỹ nhằm ngăn chặn bất kỳ một thỏa thuận thương mại nào giữa Trung Quốc và Canada trong tương lai.