📞

Sự gần nhau giữa Phật giáo Việt Nam và Nhật Bản

09:32 | 09/05/2016
Đạo Phật ở Nhật Bản và Việt Nam có những nét giống nhau, điều ấy không có gì lạ.

Đạo Phật ở Việt Nam và Nhật Bản đều thuộc nhánh Đại Thừa và đều mang dấu ấn Thiền (Zen). Trong chùa Việt Nam, ở nhà Tổ bao giờ cũng thờ Bồ Đề Đạt Ma, vị cao tăng Ấn Độ qua Trung Quốc vào thế kỷ thứ 5 và lập ra phái Thiền Tông. Vì tượng da ngăm đen và râu quai nón, nên dân gian gọi là Tổ Tây. Chùa Nhật cũng thờ Bồ Đề Đạt Ma ở một gian riêng có một ngọn đèn dầu thắp suốt ngày đêm.

Đạo Phật ở Nhật Bản và Việt Nam có những nét giống nhau, điều ấy không có gì lạ. Tôi chỉ xin nêu ở đây hai hiện tượng: Tứ Pháp và Linh sơn tự.

Tứ Pháp - giao hoà giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa

Khi nói đến “hiện tượng Tứ Pháp", tôi có ý nói đến hiện tượng hỗn hợp tín ngưỡng, tôn giáo, khi một tín ngưỡng hay tôn giáo đến sau trà trộn với một tín ngưỡng tôn giáo bản địa có trước để tạo ra một loại thần linh khác. Tứ Pháp ở Kinh Bắc xưa vốn là bốn vị thần Mây, Mưa, Sấm và Chớp thuộc tín ngưỡng phồn thực bản địa. Sau khi đạo Phật du nhập, các vị thần này bị Phật giáo hoá và biến thành bốn vị Phật với bốn tên Hán - Việt là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện.

Pháp Vân và Pháp Vũ trong Tứ Pháp Phật giáo Việt Nam.

Ở Nhật, cũng có hiện tượng hỗn hợp tín ngưỡng tôn giáo. Có thể lấy thí dụ các vị thần núi gọi là gongen. Thần Akibagongen, tức thần núi Akiha-San là một ngọn núi thiêng tương truyền đã bảo vệ dân các làng vùng quanh đó chống hoả hoạn. Rồi có một vị sư nghe đâu vào thế kỷ thứ 9 đã đến và tu ở núi này trong 1.000 ngày. Ngài hoá thân nhập vào thần núi và thành thần Akibagongen. Một tay thần cầm gươm, tay kia cầm sợi dây thừng là hai vật tượng trưng của đạo Phật: gươm đe cắt đứt các ham muốn trần tục, dây thừng để kéo ta về chính đạo. Nhưng thần lại có những nét bản địa của tín ngưỡng Nhật: mũi dài của thần núi tengu và thân cưỡi lên lưng con cáo trắng.

Hỗn hợp tín ngưỡng và tôn giáo không phải là một hiện tượng phổ biến, ngay từ hồi các tôn giáo cổ Hy Lạp hỗn hợp với các tín ngưỡng cổ La Mã (từ Syncretism, gốc Hy Lạp, để chỉ sự hỗn hợp ấy, xuất hiện từ thời cổ La Mã). Ở Việt Nam, Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo từ Trung Quốc vào, chấp nhận các tín ngưỡng bản địa nên ăn sâu được vào dân gian. Đạo Thiên Chúa đi ngược lại nên vẫn ở ngoài lề cộng đồng. Dần dần Vatican cũng phải chấp nhận bản địa hoá, kinh bổn tiếng Việt, vẽ Thánh mẫu Marie da vàng và cho phép thờ gia tiên.

Linh sơn tự - chùa trên núi thiêng

Còn hiện tượng linh sơn tự (chùa ở núi thiêng) thì rất phổ biến ở Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc... Bản thân núi cao chót vót đến tận trời đã là một biểu tượng của cái siêu nhiên, trung tâm của những hiện tượng hiển linh, nơi Trời và Đất gặp nhau, nơi ở của các thần linh. Vì vậy, Phật giáo nước nào cũng có những chùa làm nơi núi non hiểm trở, hang động, và các vị chân tu ở ẩn trong núi để được tĩnh tâm. Về mặt này, ở ta có núi Yên Tử là điển hình.

Hiện tượng "linh sơn tự" điển hình của Việt Nam trên núi Yên Tử.

Tương truyền đạo sĩ Yên (An) Kỳ Sinh đã tu luyện ở đây (do đó có tên Yên Tử) nơi còn có ngọn núi là tượng ông. Nhiều di tích gắn liền với thiền phái Trúc Lâm. Vào thế kỷ 13, sau khi chiến thắng Nguyên Mông, Trần Nhân Tông bỏ ngôi lên tu ở Yên Tử, Yên Tử trở thành trung tâm Phật Giáo:

“Nhớ ai quyết chí tu hành

Có về Yên Tử mới đành lòng tu”

Vốn từ xưa, người Nhật tin theo Thần (Kami) thì linh hồn người chết bay lên núi gần nhất, sống ở đó ít lâu trước khi sang hẳn thế giới kia. Do đó, người ta rất sợ núi non, chỉ bái từ xa. Đến thế kỷ thứ 7- 8, một số đạo sĩ vào tu tiên đồn là có thể cầu mưa gọi gió. Đạo vào đất Nhật vào thế kỷ thứ 6. Tục truyền các vị ẩn sĩ giúp dân làng làm lễ cầu đảo tránh hoạn, động đất, chữa bệnh, trừ tà, được mùa. Đến thời Giang Hộ (Eđô, 1603 - 1868), hội tôn giáo gọi là Kô thường tổ chức hành hương các linh sơn có khi chưa có chùa.

Nhà văn Trung Quốc Cao Hành Kiện (Gao Xingjian), trong cuốn tiểu thuyết Linh Sơn (giải thưởng Nôben năm 2000) đã sử dụng núi thiêng làm biểu tượng cho hoài bão vô lý của cuộc đời con người. Cuộc hành trình của nhân vật chính đi hết núi này đến núi kia để tìm núi thiêng, phải chăng là để tìm cái Đẹp, Tri Thức tuyệt đối, đi tìm chính bản thân mình và ý nghĩa xã hội và cuộc đời. “Thực ra, tôi chẳng hiểu gì hết. Thế đó!”. Câu giải đáp vẫn chưa có.