Tòa tháp cao nhất thế giới của Dubai với chi phí 1,69 tỷ USD. |
Đánh bóng tên tuổi bằng “nợ"?
Sau 5 năm xây dựng và chi phí 1,69 tỷ USD, lễ khai trương tòa nhà cao nhất thế giới đã diễn ra bằng một bữa tiệc pháo hoa và âm nhạc ngoạn mục. Với chiều cao 828 m, tòa nhà Burj Khalifa đã vượt qua kỷ lục 508 m của Taipei 101 (Đài Loan) với 164 tầng, 1044 căn hộ, 4 bể bơi và một khách sạn sang trọng.
Tuy nhiên đằng sau diện mạo hào nhoáng và những con số kỷ lục là những khoản nợ khổng lồ. Dubai đã lâm vào khủng hoảng nợ gần 100 tỷ USD hồi tháng 11 vừa qua, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Hàng ngàn người mất việc, rất nhiều dự án trị giá tỷ USD bị trì hoãn hoặc hủy bỏ, trong đó dự án tòa nhà Burj Khalifa cũng đã từng bị hoãn 2 lần, và phải nhờ đến các khoản cứu trợ của Tổng thống Khalifa bin Zayed al-Nahyan thì cuộc khủng hoảng mới lắng dịu. Tuy nhiên, mức giá đã từng được chào bán là 21.000 USD /1 m2 giờ đã giảm xuống còn một phần ba, còn số căn hộ đăng ký mua mới được hơn một nửa. Tòa nhà Burj Khalifa đang đứng trước những thách thức tài chính cũng lớn không kém chiều cao của nó.
Đổi “tự do" lấy... 10 tỷ USD?
Dubai lại vừa nhắc thế giới về tham vọng trở thành thủ đô tài chính thế giới của họ. Nhưng nhiều người đã bắt đầu hoài nghi về đà phát triển tưởng như không gì ngăn cản nổi trong những năm qua của Dubai. Thậm chí, nguy cơ Dubai bị vỡ nợ khiến người ta liên tưởng tới vụ phá sản của đại gia Lehman Brothers, khởi nguồn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một số còn tỏ ra cực đoan khi đưa ra kịch bản "cuộc khủng hoảng tài chính lần 2".
Gần như không có dầu lửa, niềm hy vọng duy nhất của Dubai để tạo vị thế bên cạnh tiểu vương quốc láng giềng giàu có Abu Dhabi là du lịch cao cấp và bất động sản. Bằng chứng là đến năm 2008, 95% GDP của Dubai là từ du lịch và bất động sản.
Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính bùng nổ đã làm tất cả đảo lộn. Các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Dubai đã đóng băng, còn tiểu vương quốc này thì mắc kẹt với những khoản nợ khổng lồ.
Với việc tung "phao cứu sinh" cho tập đoàn Dubai World vào ngày 14/12, Abu Dhabi đã đem đến cho "người láng giềng" Dubai một liều thuốc giải ngắn hạn trước sức ép của các chủ nợ. Tuy nhiên, với động thái này, Abu Dhabi cũng thể hiện rõ quyết tâm muốn thắt chặt sự quản lý mà từ lâu Dubai muốn kháng lại.
Trên thực tế, một số nhà phân tích cho rằng, việc Dubai tuyên bố xin hoãn nợ 26 tỷ USD cho Dubai World hồi tháng trước có lẽ chính là quyết định cuối cùng mang tính "tự trị" mà tiểu vương quốc này đưa ra. Từ sau tuyên bố này, đặc biệt là sau gói hỗ trợ của Abu Dhabi, nhiều khả năng Dubai sẽ khó tự quyết được những vấn đề liên quan tới số phận của mình.
Hiện còn chưa rõ lý do nào khiến Abu Dhabi đưa ra quyết định hỗ trợ Dubai. Tuy nhiên, người ta nói rằng, đây là dấu hiệu cho thấy, từ nay trở đi, Abu Dhabi sẽ giám sát chặt chẽ hơn các quyết định của Dubai trong lĩnh vực tài chính và cả những lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, khoản nợ của Dubai World không chỉ đe dọa Dubai mà còn là một mối nguy với cả UAE, khiến UAE không thể khoanh tay đứng nhìn. Các chủ nợ của tập đoàn này đã tuyên bố họ có đủ khả năng buộc Dubai World vỡ nợ rồi giành lấy những tài sản trị giá nhất của Dubai, cũng là của UAE, bao gồm các cảng biển của Dubai.
Dù nhận được 10 tỷ USD tiền cứu trợ từ Abu Dhabi, nhưng Dubai vẫn nặng gánh nợ nần. Theo một nghiên cứu của Công ty EFG Hermes ở Dubai, tiểu vương quốc này sẽ phải thanh toán 60 tỷ USD tiền nợ trong vài năm tới, trong đó có hơn 16 tỷ là nợ của Chính phủ, còn lại là nợ của các doanh nghiệp.
Anh Minh