Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:
Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10. (Nguồn: Reuters) |
COP26 và những cam kết mới
Ngày 1/11 vừa qua, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các nhà lãnh đạo đến từ hơn 100 quốc gia đã cùng ra Tuyên bố chung Glasgow về việc cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất trước năm 2030, thông qua nguồn hỗ trợ trị giá 19 tỷ USD đến từ các gói đầu tư tài chính công và tư.
Tuyên bố Glasgow của Các nhà lãnh đạo về Rừng và Sử dụng Đất đánh dấu sự mở rộng về cam kết của các nước so với Tuyên bố New York về Rừng được đưa ra trước đó vào năm 2014 và nhận được sự bảo trợ từ 4 quốc gia hiện đang bao phủ tới 85% diện tích rừng trên toàn thế giới gồm Brazil, Nga, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo. Đặc biệt, tuyên bố Glasgow cũng đi xa hơn khi vạch ra được lộ trình và nguồn lực cụ thể để đạt được các mục tiêu đã nêu.
35 nhà lãnh đạo khác cũng tiến hành ký kết bản tuyên bố mang tên Bước Đột phá Glasgow (Glasgow Breakthroughs) về việc thúc đẩy quá trình phát triển và ứng dụng công nghệ xanh, tập trung cho năm lĩnh vực chính bao gồm: năng lượng điện, giao thông vận tải, nông nghiệp, thép và nhiên liệu khí hydro.
Bên cạnh các tuyên bố đa phương, nhiều nước cũng đưa ra các cam kết riêng về vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ ban hành các điều luật mới với mục tiêu cắt giảm 30% lượng metan phát thải từ các dự án khí đốt đã và đang đi vào vận hành trên khắp nước này, trong thời hạn trước năm 2030.
Anh cam kết sẽ góp phần điều chỉnh hệ thống tài chính toàn cầu để hướng tới mục tiêu phát thải ròng (Net Zero) bằng 0, khẳng định sẽ sử dụng khoản chi 136,19 triệu USD để giúp các nước đang phát triển tiếp cận với các nguồn tài chính này.
Chính quyền của Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết sẽ chấm dứt tất cả các khoản tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào năm 2022.
Lãnh đạo đến từ 4 quốc gia thuộc khu vực Mỹ Latinh bao gồm Colombia, Costa Rica, Ecuador và Panama cũng đã cam kết cùng phối hợp hành động để xây dựng, mở rộng và bảo vệ các khu bảo tồn thuộc Hành lang biển, nằm ở phía Đông Thái Bình Dương nhiệt đới.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Belarus Lukashenko trong một cuộc gặp hồi tháng 7. (Nguồn: AP) |
Nga và Belarus ký kết một loạt văn kiện hội nhập Nhà nước liên minh
Tại cuộc họp của Hội đồng Nhà nước tối cao ngày 4/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã ký kết một loạt văn kiện về nâng cao hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong một loạt các lĩnh vực từ năng lượng đến quốc phòng.
Hai nhà lãnh đạo đã thông qua 28 chương trình hội nhập cùng phương hướng chính để thực hiện các điều khoản của Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh trong giai đoạn 2021-2023. Người đứng đầu Moscow và Minsk cũng cùng thông qua học thuyết quân sự và khái niệm về chính sách di trú.
Học thuyết quân sự mới sẽ tăng mức độ gắn kết chính sách quốc phòng và điều chỉnh kịp thời các nhiệm vụ của bộ quốc phòng hai nước, có tính đến những thay đổi tình hình quân sự và chính trị trong khu vực.
Trong khi đó, khái niệm về chính sách di trú của Nhà nước Liên minh sẽ xác định hướng hoạt động của các bộ nội vụ, cơ quan an ninh, biên phòng, cơ quan ngoại vụ trong lĩnh vực di trú, có tính đến những thực tế mới của dòng di cư đang gia tăng.
Bên cạnh đó, hai nước có ý định chuyển sang chính sách công nghiệp thống nhất, tiếp cận chung đối với mua sắm nhà nước và các đơn đặt hàng của chính phủ, cũng như tạo ra một thị trường khí đốt thống nhất.
Phần mềm gián điệp Pegasus có thể xâm nhập điện thoại một cách bí mật. (Nguồn: France 24) |
Mỹ trừng phạt công ty của Israel liên quan tới phần mềm gián điệp
Vào ngày 3/11, Mỹ đã thêm Tập đoàn NSO của Israel vào “danh sách thực thể”, qua đó cấm công ty này mua bán công nghệ từ Mỹ nếu không có giấy phép. Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm thúc đẩy nhân quyền.
Trước đó, tập đoàn NSO gây chấn động thế giới do cung cấp phần mềm gián điệp Pegasus cho chính phủ nước ngoài để theo dõi chính khách, nhà báo và nhà hoạt động xã hội.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, NSO Group đã lên tiếng phản đối các cáo buộc từ Mỹ và cho biết sẽ tìm cách đảo ngược quyết định của Washington
Hành động này của Mỹ có khả năng sẽ gây ra căng thẳng giữa quốc gia này với Israel, nơi NSO Group vốn được đánh giá cao về công nghệ. Trước đó, ngày 1/11, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã cam kết sẽ minh bạch với Pháp về những dữ liệu xoay quanh vụ bê bối phần mềm Pegasus.
Chính quyền của Tổng thống Biden chốt đơn bán lô vũ khí 'sát thủ' sang vùng Vịnh. |
Mỹ bán tên lửa không đối cho Saudi Arabia
Vào ngày 4/11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo chấp thuận thương vụ mua bán 280 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-7/ C-8 (AMRAAM) và 596 bệ phóng tên lửa LAU-128 với tổng trị giá 650 triệu USD cho Saudi Arabia. Cùng ngày, Bộ này cũng đã thông báo với Quốc hội để xem xét thêm trong thời hạn 30 ngày.
Quyết định chấp thuận của Bộ Ngoại giao Mỹ không bao hàm việc một bản hợp đồng đã được ký kết, hay có nghĩa là quá trình đàm phán giữa hai bên đã đi tới kết thúc. Tuy nhiên, nhiều khả năng đây sẽ là thương vụ mua bán vũ khí thứ hai đạt được giữa Riyadh và Washington dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trước đó, trong tháng 10, hai bên đã đạt được một thỏa thuận bảo dưỡng máy bay trị giá 500 triệu USD.
Nhiều nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ đã lên tiếng chỉ trích những hành động can thiệp quân sự của Saudi Arabia, vốn dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ đang diễn ra tại Yemen, và viện dẫn chúng làm cơ sở để phản đối các thỏa thuận mua bán vũ khí với phía Riyadh.
Vào tháng 2, chính quyền của ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ không còn ủng hộ chiến dịch quân sự của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Tuy nhiên, Washington vẫn cho rằng, thỏa thuận này “hoàn toàn phù hợp với cam kết của chính quyền trong việc dẫn dắt các bên tại Yemen kết thúc xung đột qua con đường ngoại giao”, đồng thời tái khẳng định “quyền tự vệ của Riyadh trước các đợt không kích của phiến quân Houthi do Iran tài trợ”.
Người dân chờ nhận lương thực cứu trợ ở Kabul, Afghanistan. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, tỷ lệ đói nghèo ở Afghanistan đã tăng nhanh kể từ khi Taliban tiếp quản chính quyền vào tháng 8. (Nguồn: EPA) |
Taliban ra lệnh cấm dùng ngoại tệ trên lãnh thổ Afghanistan
Ngày 1/11, Taliban bất ngờ đưa ra tuyên bố cấm hoàn toàn việc sử dụng ngoại tệ ở Afghanistan, trong bối cảnh đồng tiền Afghanistan mất giá và nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ.
Hiện nay tại Afghanistan, đồng USD được sử dụng phổ biến tại các chợ, trong khi các khu vực biên giới thường sử dụng ngoại tệ của các nước láng giềng như Pakistan để giao dịch.
Động thái mới nhất của Taliban diễn ra vào thời điểm nước này đang phải đối mặt với nguồn viện trợ nước ngoài đang dần cạn kiệt và tình trạng khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng. Bên cạnh Covid-19, quốc gia Nam Á hiện cũng đang phải đối phó với một đợt hạn hán nghiêm trọng phá hủy hầu hết vụ lúa mì và khiến giá cả tăng vọt, trong khi hệ thống y tế luôn hoạt động quá công suất.
Tháng trước, IMF cảnh báo nền kinh tế Afghanistan có thể sụt giảm khoảng 30% trong năm nay, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói và có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Tàu Cornelis Gert Jan thuộc sở hữu của công ty MacDuff Shellfish của Scotland, bị Pháp bắt giữ khi đang đánh cá. (Nguồn: BBC) |
Anh và Pháp tiến hành đối thoại giải quyết tranh chấp về đánh bắt cá
Một tuần trở lại đây, tranh chấp giữa Anh và Pháp về giấy phép đánh bắt cá đã leo thang nhanh chóng bên lề thượng đỉnh G20 tổ chức tại Rome.
Tranh chấp leo thang khi trước đó, vào ngày 27/10, phía Pháp đã tiến hành bắt giữ một tàu và đưa ra cảnh cáo đối với hai tàu đánh cá khác của Anh gần cảng Le Havre. Chính phủ Pháp cho biết, họ có thể phong tỏa cảng phía Bắc của Calais và đường hầm Eo biển Manche, hai điểm trung chuyển chính cho giao thương giữa Anh và lục địa châu Âu, trừ khi Anh cấp giấy phép cho một loạt tàu thuyền của Pháp hoạt động trong vùng biển của Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của Vương quốc Anh trong vấn đề tranh chấp về quyền đánh bắt cá, tuy nhiên ông vẫn nhắc lại sức mạnh lịch sử của mối quan hệ song phương với Pháp.
Mặc dù hoạt động đánh bắt cá chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thể nền kinh tế Anh và Pháp, nhưng nó đã và đang đóng một vai trò quan trọng về mặt chính trị trong suốt giai đoạn đàm phán Brexit, cũng như sau tiến trình này.
Các chuyên gia nhận định rằng căng thẳng lần này cho thấy sự thiếu tin tưởng lẫn nhau ngày càng tăng giữa hai đồng minh quan trọng, và rất có thể sẽ trở thành "vật cản" trong tiến trình thiết lập và củng cố mối quan hệ mới hậu Brexit.
Somalia yêu cầu trục xuất đặc phái viên của Liên minh châu Phi
Ngày 4/11, Somalia đã yêu cầu ông Simon Mulongo, phó đại diện đặc biệt của Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) ở Mogadishu rời đi trong vòng một tuần, sau khi tuyên bố ông là người không được hoan nghênh (persona non grata). Thông báo trục xuất đã được gửi đến Ủy ban Liên minh châu Phi tại Addis Ababa cùng ngày.
Bộ Ngoại giao Somalia cáo buộc ông Mulongo không tuân thủ luật pháp và tham gia vào các hoạt động không phù hợp với nhiệm vụ của Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM) và chiến lược an ninh của Somalia.
Lực lượng AMISOM lần đầu tiên đến Somalia vào tháng 3/2007 với nhiệm vụ giúp đỡ Lực lượng An ninh Quốc gia Somalia đánh đuổi nhóm khủng bố al-Shabaab ra khỏi các thành phố và thị trấn ở miền nam Somalia. Hoạt động này giúp người dân có môi trường an toàn để xây dựng lại nền kinh tế và hệ thống chính trị.
Ông Mulongo được bổ nhiệm làm phó đại diện của AUC tại Mogadishu vào ngày 19/8/2017 sau khi người tiền nhiệm kết thúc nhiệm kỳ. Trước đó, ông từng là Giám đốc Lực lượng Dự phòng Đông Phi tại Nairobi.
Ukraine liên tục cáo buộc Nga gây căng thẳng tại biên giới. (Nguồn: Reuters) |
Căng thẳng biên giới ở các nước Đông và Trung Âu
Ngày 3/11, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết Nga vẫn duy trì nhiều đơn vị quân đội gần biên giới sau loạt cuộc tập trận lớn. Theo ước tính, khoảng 90.000 binh sĩ Nga đang hiện diện tại đây.
Kiev cáo buộc Moscow thường xuyên điều chuyển và củng cố lực lượng nhằm duy trì tình trạng căng thẳng trong khu vực và gây áp lực chính trị lên các nước láng giềng.
“Quân đội Nga gần đây tổ chức hàng loạt cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của nhiều lực lượng, bao gồm lính đổ bộ đường không. Sau khi huấn luyện, các đơn vị thuộc Tập đoàn quân số 41 không về căn cứ mà triển khai ở khu vực cách biên giới Ukraine khoảng 260 km”, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố.
Trong ngày 4/11 vừ, Ba Lan cũng đã cáo buộc binh sĩ quốc gia láng giềng Belarus đe dọa nổ súng vào quân đội nước này tại khu vực biên giới, cho rằng động thái này làm leo thang cuộc khủng hoảng về người di cư tại khu vực biên giới chung.
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ Quốc phòng Ba Lan tuyên bố: "Ngày hôm qua (3/11), quân đội Ba Lan phát hiện khoảng 250 người di cư gần hàng rào. Binh sĩ Belarus đang bảo vệ họ và đe dọa nổ súng vào quân đội chúng tôi".
Warsaw hiện đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực biên giới chung giữa hai bên. Phản ứng trước động thái trên, một số nguồn tin cho biết Minsk đã triệu tập đại biện lâm thời của Ba Lan để phản đối.