📞

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 11-17/10: Thế giới đợm buồn vì bạo lực; Tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng

10:50 | 17/10/2021
Thế giới trải qua một tuần bạo lực, Căng thẳng ngoại giao Nga-Nhật Bản, Khủng hoảng năng lượng... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:

Tàu khu trục Nam Xương của Hải quân Trung Quốc tham gia tập trận hải quân chung giữa nước này và Nga. (Nguồn: Global Times)

Nga và Trung Quốc tập trận chung trên biển Nhật Bản

Cuộc tập trận hải quân chung giữa Nga cty và Trung Quốc, mang tên "Hợp tác trên biển - 2021" diễn ra trên biển Nhật Bản, kéo dài từ 14-17/10.

Theo truyền thông Trung Quốc, cuộc tập trận khai mạc chiều 14/10, theo giờ địa phương, trên Vịnh Peter Đại đế của Nga.

Tham gia cuộc tập trận, Hải quân Nga đưa các tàu và chiến hạm, trong đó có tàu chống ngầm cỡ lớn "Đô đốc Panteleyev", các tàu hộ vệ thuộc Đề án 20380 "Anh hùng Nga Aldar Tsydenzhapov" và "Gromkiy", hai tàu quét mìn, một tàu ngầm thuộc Đề án 877 mang tên “Ust-Bolsheretsk”, tàu tên lửa và tàu kéo cứu hộ.

Trong khi đó, phía Hải quân Trung Quốc có các tàu khu trục Côn Minh và Nam Xương, tàu hộ vệ Tân Châu và Liễu Châu, cũng như một tàu ngầm diesel, một tàu hậu cần và một tàu cứu hộ.

Tại sự kiện này, thuỷ đoàn của các tàu Nga và Trung Quốc sẽ thực hiện các hoạt động phối hợp chiến thuật cơ động, hỗ trợ chống mìn cho các phân đội, bắn pháo vào mục tiêu trên biển và tiến hành tìm kiếm, ngăn chặn tàu ngầm giả định của đối phương trong khu vực quy định.

Ảnh chụp vệ tinh đảo Iturup, thuộc quần đảo Kuril. (Nguồn: Wikipedia)

Nhật Bản gửi công hàm phản đối Nga thăm đảo tranh chấp

Ngày 13/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yoshida Tomoyuki thông báo Tokyo đã gửi cho Moscow công hàm phản đối chuyến đi của các Phó Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Grigorenko và Marat Khusnullin tới đảo Iturup thuộc quần đảo Kuril.

Tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu cho biết “Chúng tôi đã trao công hàm phản đối. Điều này là không thể chấp nhận được và trái ngược với quan điểm nhất quán của chúng tôi về các vùng lãnh thổ phía Bắc (tên gọi ở Nhật Bản của quần đảo Nam Kuril)”.

Ông cũng cho biết thêm Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm và tái khẳng định cam kết tiếp tục các cuộc thảo luận về hiệp ước hòa bình.

Trước đó, vào ngày 12/10, hai phó thủ tướng Nga đã bay tới khu vực Viễn Đông nhằm kiểm tra việc thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Mikhail Mishustin.

Tại đảo Iturup, hai ông Khusnullin và Grigorenko đã kiểm tra khu liên hợp chế biến hải sản Yasny, gặp gỡ các doanh nhân và thảo luận về việc triển khai các dự án đầu tư.

Nhật Bản và Nga chưa ký hiệp ước hòa bình sau khi Thế chiến II kết thúc. Quan hệ hai bên vẫn căng thẳng chủ yếu là do tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Một phiên họp tại Hội đồng nhân quyền LHQ. (Nguồn: UN)

Mỹ thắng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Ngày 14/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã bỏ phiếu kín bầu 18 thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2022-2024.

Mỹ sau khi rời bỏ Hội đồng Nhân quyền từ năm 2018 và mới quyết định tái gia nhập dưới vai trò quan sát viên từ đầu tháng 2 năm nay, cũng đã quyết định ứng cử.

Theo kết quả bỏ phiếu, Argentina, Cameroon, Eritrea, Ấn Độ, Somalia đã tái đắc cử; cùng với những thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2022-2024 bao gồm Benin, Phần Lan, Gambia, Honduras, Kazakhstan, Lithuania, Luxembourg, Malaysia, Montenegro, Paraguay, Qatar, UAE và Mỹ.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố nước này có những quan ngại về Hội đồng Nhân quyền và sẽ phản đối việc tổ chức này tập trung sự chú ý “bất cân xứng” vào Israel.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas - Greenfield cũng khẳng định những nỗ lực đầu tiên của Washington sau khi quay trở lại Hội đồng Nhân quyền sẽ tập trung vào những vấn đề nhân quyền tại Afghanistan, Myanmar, Ethiopia, Syria và Yemen.

Nghị sĩ Anh David Amess đã được cấp cứu ngay sau khi bị một đối tượng đâm nhiều nhát dẫn tới trọng thương nhưng ông đã qua đời tại hiện trường. (Nguồn: BBC)

Nghị sĩ thuộc Đảng Bảo thủ Anh bị sát hại

Ngày 15/10, nghị sĩ Anh David Amess, thuộc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson, đã bị một đối tượng tấn công dẫn đến trọng thương và tử vong ngay tại hiện trường.

Lực lượng chức năng đã bắt giữ một nghi phạm nam 25 tuổi và tìm thấy một con dao nghi là hung khí. Tuyên bố từ cảnh sát Metropolitan ngày 16/10 cũng cho biết điều tra ban đầu kết luận vụ tấn công bằng dao có động cơ liên quan chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Ông Amess (69 tuổi), trúng cử Quốc hội Anh từ năm 1983 và đại diện cho khu vực Southend West ở vùng Essex từ năm 1997.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra các vụ tấn công nhằm vào giới nghị sĩ tại Anh. Trước đó, một vụ việc tương tự cũng đã xảy ra với ông Stephen Timms, khi Nghị sĩ Công đảng này bị tấn công bằng dao ngay tại văn phòng bầu cử của mình năm 2010. Nghiêm trọng nhất có thể kể tới vụ tấn công bằng súng nhằm vào Nghị sĩ Công đảng Jo Cox năm 2016, xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Đấu súng đẫm máu tại Lebanon. (Nguồn: Reuters)

Đấu súng kinh hoàng tại thủ đô Beirut, Lebanon

Hội Chữ Thập đỏ Lebanon cho biết, cuộc đấu súng kinh hoàng xảy ra vào ngày 14/10 tại thủ đô Beirut đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 30 người bị thương.

Địa điểm xảy ra đấu súng là tại khu dân cư Tayouneh, một vùng giáp ranh giữa khu vực sinh sống của các cộng đồng người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo dòng Shi’ite tại Beirut.

Cuộc đấu súng xảy ra trong bối cảnh hàng trăm người ủng hộ của hai phong trào Hezbollah và Amal tập hợp trước cổng Cung điện Công lý Beirut để phản đối Thẩm phán Tarek Bitar, người chịu trách nhiệm chính trong cuộc điều tra về vụ nổ tại cảng Beirut năm 2020. Cả hai tổ chức này đều cáo buộc vị Thẩm phán nói trên đã có hành vi “thiên vị chính trị” trong quá trình điều tra.

Trong một thông cáo chung, đại diện của Hezbollah và Amal đều đã lên tiếng cáo buộc nhóm vũ trang Thiên chúa giáo Lebanon đứng đằng sau và kích động vụ tấn công. Người đứng đầu lực lượng này, ông Samir Geagea, đã lên tiếng phản đối vụ đấu súng, nhưng không có ý kiến về các cáo buộc của hai phong trào trên.

Quân đội Lebanon được triển khai gấp rút tại hiện trường chỉ vài giờ sau vụ tấn công, thông báo đã bắt giữ 9 đối tượng tình nghi, bao gồm 1 công dân Syria.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun khẳng định sẽ sớm bắt giữ những kẻ chịu trách nhiệm cho tình hình bạo lực. Trong khi đó, Thủ tướng Najib Mikati cũng đưa ra lời xin lỗi tới người dân nước này và thông báo ngày 15/10 là ngày tưởng niệm cho các nạn nhân xấu số.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đại diện Uỷ ban châu Âu (EC) và người phát ngôn Bộ Ngoại giao các nước Mỹ, Iran, Nga, Ai Cập, Pháp, Kuwait đều đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình bạo lực tại Lebanon và kêu gọi các bên liên quan cùng kiềm chế.

IS lại là thủ phạm gây ra vụ đánh bom mới nhất ở Afghanistan. (Nguồn: NYP)

Đánh bom đẫm máu tại Kandahar, Afghanistan

Một vụ đánh bom liên hoàn tại nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Kandahar, nơi Taliban được khai sinh, khiến ít nhất 41 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom.

Các nhân chứng cho biết tiếng nổ lớn vang lên khi hàng chục người tập trung bên trong nhà thờ Imam Barga giữa trung tâm thành phố để tham gia lễ cầu nguyện. Trong tuyên bố đăng tải trên Telegram, IS-K cho biết 2 phần tử đánh bom liều chết đã tiến hành các vụ tấn công riêng rẽ nhằm vào các khu vực của thánh đường.

Lực lượng đặc biệt của Taliban vẫn đang tiến hành điều tra về vụ tấn công. Trong khi đó, chính quyền thành phố Kandahar kêu gọi người dân hiến máu để cứu chữa các nạn nhân.

Kandahar là nơi Taliban được thành lập cách đây gần 30 năm và được xem là một trong những khu vực có an ninh khá ổn định. Tuy nhiên, gần đây tại Afghanistan thường xuyên xảy ra các vụ tấn công, như vụ đánh bom liều chết tại thánh đường Hồi giáo ở thành phố Kunduz hay vụ nổ tại thủ đô Kabul. Từ khi Taliban nắm quyền giữa tháng 8/2021, IS-K đã xác nhận tiến hành ít nhất 6 vụ đánh bom đẫm máu.

Taliban đang chịu áp lực phải kiềm chế chi nhánh của IS tại Afghanistan vì cam kết với cộng đồng quốc tế. Dù vậy, chính phủ lâm thời do Taliban thành lập ở Afghanistan vẫn chưa được quốc tế công nhận, gặp phải nhiều khó khăn do thiếu ngân sách và nguồn viện trợ nước ngoài dành cho Afghanistan bị cắt giảm.

Hung thủ người Đan Mạch Espen Andersen Brathen. (Nguồn: Reuters)

Tấn công bằng cung tên tại Na Uy

Theo giới chức trách Na Uy, tối ngày 13/10, một kẻ tấn công đã sử dụng cung tên bắn vào đám đông đang mua sắm ở thị trấn Kongsberg, phía Tây Nam thủ đô Oslo. Vụ việc khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 2 người bị thương.

Ông Oeyvind Aas, cảnh sát trưởng thị trấn Kongsberg cho biết: “Kẻ gây ra vụ tấn công đã bị cảnh sát bắt giữ và hiện không truy bắt thêm người nào nữa. Dựa trên thông tin hiện có, chúng tôi tin rằng chỉ có một người đứng sau vụ việc này.”

Cảnh sát địa phương cho biết, nghi phạm bị bắt giữ là một công dân Đan Mạch 37 tuổi đang sinh sống tại thị trấn.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg miêu tả đây là một vụ tấn công là “kinh hoàng” và cho rằng hiện còn quá sớm để suy đoán về động cơ đằng sau.

Theo AFP, giới chức Na Uy cho biết nghi phạm đã cải sang đạo Hồi trước khi thực hiện vụ tấn công nói trên. Nghi phạm Brathen cũng đã thừa nhận hành vi giết người.

Đây được xem là loạt vụ tấn công tồi tệ nhất ở Na Uy kể từ năm 2011, khi phần tử cực đoan Anders Behring Breivik giết chết 77 người, phần lớn là thanh thiếu niên, ở một trại hè trên đảo Utoeya.

Tân Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg.

Tân Thủ tướng Áo nhậm chức

Ngày 11/10, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng.

Trước đó, ông Schallenberg đã được đề cử bởi cựu Thủ tướng Áo đồng thời là Chủ tịch đảng ÖVP Sebastian Kurz. Ông Kurz đã phải từ chức tối ngày 9/10 sau khi bị điều tra do liên quan đến những cáo buộc tham nhũng.

Phát biểu tại lễ nhậm chức, nhà lãnh đạo 52 tuổi bày tỏ vinh dự khi nhận vị trí mới dù "chưa từng kỳ vọng hay mong đợi điều này", khẳng định thêm rằng chính phủ hiện nay phải gánh trách nhiệm lớn là khôi phục lòng tin của người dân.

Ông Schallenberg cho biết, sẽ tiếp tục đường lối chính trị do người tiền nhiệm đề ra, trong đó bao gồm việc duy trì chính sách hạn chế di cư hiện nay cũng như từ chối tiếp nhận những người tị nạn mới. Ưu tiên của ông và nội các chính phủ mới sẽ là việc cải cách thuế sinh thái - xã hội, trong đó có thuế carbon.

Giá dầu tăng chóng mặt do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năng lượng. (Nguồn: Bloomberg)

Khủng hoảng năng lượng bao trùm thế giới, giá dầu tăng chóng mặt

Thế giới hiện đang đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng năng lượng mới, mang tính chất đặc thù và phức tạp hơn.

Cụ thể, giá năng lượng, giá khí đốt và giá điện hiện đang tăng đồng loạt tại khắp các châu lục, từ châu Âu, châu Á tới Nam Mỹ. Hệ quả là tình trạng mất điện diện rộng hiện đang xảy ra tại Trung Quốc, trong khi châu Âu phải đối mặt với việc thiếu hụt xăng dầu, khí đốt.

Dữ liệu của tổ chức Independent Commodity Intelligence Services cho biết, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đang được giao dịch với mức giá tương đương 230 USD/thùng dầu, tăng hơn 130% kể từ đầu tháng 9 đến nay và tăng gấp hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên tại khu vực Đông Á cũng đã tăng 85% kể từ đầu tháng 9, đạt mức tương đương gần 204 USD/thùng dầu. Tại Mỹ - một nước xuất khẩu ròng khí đốt, giá khí đốt hiện thấp hơn nhưng cũng đã đạt mức cao nhất 13 năm.

Giới chuyên gia cho rằng, thời tiết bất lợi kết hợp với nhu cầu năng lượng phục hồi sau khi xuống thấp trong giai đoạn đại dịch Covid-19, trong khi các nguồn cung còn hạn chế và các hoạt động phân phối còn nhiều khó khăn, là lý do chính cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay.

Cuộc khủng hoảng xảy ra trong giai đoạn hết sức nhạy cảm khi các quốc gia tại bán cầu Bắc đang chuẩn bị bước vào mùa đông nên cần tiêu thụ nhiều năng lượng hơn để thắp sáng và sưởi ấm.