📞

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần 19-25/7: Tương lai rối ren ở Afghanistan; Lo ngại về biến thể Delta; Mưa lũ nghiêm trọng ở Trung Quốc

Nam Lộc Anh 09:27 | 25/07/2021
Tình hình Afghanistan, Mỹ-Đức thoả thuận về Dòng chảy phương Bắc 2, Mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc... là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm qua một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:

Afghanistan tiếp tục chìm trong khủng hoảng. (Nguồn: Reuters)

Tình hình Afghanistan tiếp tục diễn biến căng thẳng

Trong bối cảnh quân đội Mỹ và các nước đồng minh trong khối NATO gấp rút hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan, tình hình xung đột tại quốc gia Nam Á này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Vào ngày 22/7, phát biểu trước các cơ quan truyền thông Nga, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid khẳng định phong trào này đã kiểm soát khoảng 90% khu vực biên giới của Afghanistan. Trước đó, vào ngày 20/7, khi các thành viên chính phủ Afghanistan đang tiến hành buổi cầu nguyện trong dịp lễ linh thiêng Eid al-Adha, Taliban đã tiến hành phóng hai quả rocket vào khu vực ngay sát dinh thự Tổng thống Afghanistan tại thủ đô Kabul.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia có liên quan, đều đã có các động thái sẵn sàng trước nguy cơ tái diễn một cuộc nội chiến cũng như chuẩn bị cho những những ảnh hưởng tiêu cực với an ninh khu vực.

Ngày 22/7, Bộ Quốc phòng Nga đã điều một số xe chiến đấu bộ binh tới căn cứ quân sự đóng tại khu vực biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan, cũng như lên kế hoạch cho một cuộc tập trận quân sự quy mô lớn sẽ diễn ra từ ngày 5-10/8 cùng với sự tham gia của quân đội hai nước Tajikistan và Uzbekistan.

Bên cạnh đó, mặc dù tiếp tục hoàn thành sớm tiến trình rút quân, Mỹ và một vài đồng minh trong khối NATO vẫn tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh tại Afghanistan. Trong đêm ngày 22/7, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích bất ngờ vào các mục tiêu tại tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan.

Phát biểu ngày 20/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã đề xuất triển khai quân đội nước này tới tiếp quản sân bay Kabul sau khi các lực lượng nước ngoài hoàn tất rút quân.

Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ đến thăm các cảng Nhật Bản vào tháng 9 để tập trận chung. (Nguồn: AP)

Anh triển khai hai tàu chiến thường trực tại Châu Á

Vào ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Ben Wallace tuyên bố sẽ triển khai cố định hai tàu chiến tới Châu Á theo sau chuyến thăm Nhật Bản của tàu sân bay Queen Elizabeth vào tháng 9 tới.

Theo đó, người phát ngôn Đại sứ quán Anh tại Nhật Bản cho biết hai tàu chiến này sẽ thực hiện các hoạt động tuần tra liên tục trên biển mà không hoạt động cố định ở bất kỳ một căn cứ nào.

Theo Reuters, quyết định trên được triển khai trong bối cảnh Anh đang cố gắng thắt chặt quan hệ với Nhật Bản, sau khi nước này nhiều lần bày tỏ quan ngại trước các động thái gần đây của Trung Quốc trong vùng biển khu vực, đặc biệt tại eo biển Đài Loan.

Nhà nghiên cứu quân sự tại Bắc Kinh Zhou Chenming nhận định, sự hiện diện của các tàu chiến Anh là chưa đủ để thay đổi cán cân lực lượng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng sẽ giảm gánh nặng cho phía Mỹ và đồng minh trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Theo phó giáo sư tại Nhật Bản Cheung Mong, hành động của Anh cũng thể hiện mong muốn của nước này trong việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Nhật Bản dẫn dắt.

Theo trang Newsweek đưa tin ngày 21/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định nước này ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển trong khu vực của mọi quốc gia theo quy định của luật quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng lên tiếng “phản đối mạnh mẽ các hành động phô trương sức mạnh nhằm vào Trung Quốc”, ám chỉ hành động triển khai tàu chiến của phía Anh.

Bình luận về động thái trên từ phía Anh, trong cuộc họp báo ngày 22/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là hoạt động của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tuân thủ các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự, thượng tôn pháp luật, hợp tác, vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Biển báo chỉ dẫn lối đến đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức. (Nguồn: Reuters)

Mỹ - Đức đạt được thỏa thuận liên quan đến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2

Sau nhiều năm tranh cãi, ngày 21/7, Mỹ và Đức đã công bố thỏa thuận đột phá liên quan tới bất đồng về đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Trong một thông cáo chung, chính phủ hai nước khẳng định: “Mỹ và Đức nhất trí quyết tâm buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho những hoạt động gây hấn và có dụng ý xấu thông qua các biện pháp trừng phạt và những công cụ khác”.

Ngoài ra, theo thỏa thuận, Đức và Mỹ ủng hộ gia hạn thêm 10 năm thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga - Ukraine, đồng thời nhất trí thành lập Quỹ xanh Ukraine với tổng trị giá 1 tỷ USD nhằm giúp Ukraine chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn và cải thiện an ninh năng lượng.

Phản ứng về thỏa thuận trên, Điện Kremlin tuyên bố, Nga sẽ không bao giờ lợi dụng các nguồn cung năng lượng của nước này như một công cụ để gây sức ép chính trị.

Về phía Ukraine, Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng, quyết định về dự án không thể được đưa ra "sau lưng của các bên thực sự bị dự án đe dọa".

Các Ngoại trưởng Ukraine và Ba Lan cũng ra tuyên bố chung cho rằng tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã dẫn tới “những mối đe dọa chính trị, quân sự và năng lượng” mới đối với Kiev và khu vực Trung Âu.

Phần mềm gián điệp Pegasus đã tấn công điện thoại cá nhân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: Live Law)

An ninh mạng tiếp tục trở thành vấn đề nhức nhối

Ngày 18/7, cộng đồng truyền thông quốc tế đã phối hợp điều tra về một vụ rò rỉ dữ liệu và cho biết, Pegasus- một phần mềm di động độc hại do công ty tư nhân NSO của Israel phát triển – đã bí mật thu thập thông tin của 50.000 số điện thoại di động của các nhà hoạt động, nhà báo cũng như chính trị gia từ năm 2016.

Ngay lập tức, thông tin trên đã nhận được phản ứng trái ngược từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi Morocco và Hungary phủ nhận thông tin sử dụng phần mềm để theo dõi các nhân vật ở trong và ngoài nước thì một số quốc gia khác, bao gồm Algeria và Hungary, đã bắt đầu mở các chiến dịch điều tra làm rõ các cáo buộc liên quan.

Ngày 22/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập cuộc họp an ninh bất thường về vụ việc, đồng thời kêu gọi điều tra. Truyền thông cho hay, ông Macron cũng là mục tiêu của các vụ "tấn công" của Pegasus.

Trong một động thái khác, Ngày 19/7, Mỹ cùng một nhóm đồng minh và đối tác - bao gồm Nhật Bản, NATO, EU, Australia, Anh, Canada và New Zealand - đã cùng phối hợp hành động nhằm "vạch trần và chỉ trích các hoạt động độc hại trên mạng của Trung Quốc".

Theo các chính phủ liên minh trên, tin tặc dưới sự kiểm soát của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, đã chọc thủng hệ thống an ninh của máy chủ email Microsoft Exchange hồi tháng 3/2021, gây ảnh hưởng đến 400.000 máy chủ trên toàn thế giới.

Đáp trả lại hành động trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kiên quyết phản đối, cho rằng đây là những cáo buộc vô căn cứ nhằm bôi nhọ và gây sức ép với nước này.

WHO: Biến thể Delta sắp thành chủng thống trị, nguy cơ tử vong khi mắc cao hơn 137%.

Covid-19: Biến thể Delta sẽ sớm trở thành chủng thống trị trên toàn thế giới

Ngày 21/07, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 sẽ sớm trở thành chủng thống trị trên toàn cầu trong những tháng tới. Được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, từ ngày 13-20/07, biến thể Delta đã lây lan ra 124 quốc gia và các vùng lãnh thổ. Nguy cơ tử vong khi mắc biến thể Delta cao hơn 137% so với các biến thể không thuộc loại VOC, theo một nghiên cứu của Canada.

Hiện nay, biến thể Delta đang là mối lo ngại của nhiều nước bởi sự lây lan khó lường khiến cho dịch bệnh trở nên phức tạp hơn. Cùng ngày 21/07, Nga ghi nhận thêm 23.704 số ca nhiễm biến thể Delta và Đức bắt đầu có thêm 11,4 ca/100.000 dân sau 2 tháng có số ca nhiễm mới liên tục giảm.

Pháp cũng đang phải vật lộn với số ca tăng đột biến do biến thể Delta và phải công bố chính thức bước vào làn sóng Covid-19 thứ tư vì có ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận trên 10.000 trường hợp nhiễm mới.

Mưa lũ nghiêm trọng tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc

Ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), chỉ trong 24h từ sáng 20/07 đến sáng 21/07, lượng mưa tại thành phố Trịnh Châu lên tới 622,7mm, gần bằng với trung bình lượng mưa hàng năm nơi đây là 640,8 mm. Trong ngày 22/07, mưa lớn vẫn tiếp tục diễn ra ở thành phố An Dương và chính quyền triển khai sơ tán ít nhất 73.733 người dân tới nơi an toàn.

Trận mưa lũ kinh hoàng “1000 năm có một” đã khiến 33 người thiệt mạng, 9 người mất tích và hơn 3 triệu người tại 103 quận, huyện trên toàn tỉnh chịu ảnh hưởng. Nước lũ dâng cao đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân nơi đây, khiến cho nhiều đập nước bị hư hại, giao thông đình trệ, dịch vụ đường sắt ngừng hoạt động, các chuyến bay bị huỷ và nhiều trường học, bệnh viện bị cô lập. Ngoài ra, 215.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng và gây ra thiệt hại về kinh tế lên tới khoảng 14.342 tỷ đồng (1,22 tỷ nhân dân tệ).

Vào ngày 21/07, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tình trạng lũ lụt ở tỉnh Hà Nam là “đặc biệt nghiêm trọng” và đã yêu cầu các cấp chính quyền phải dành sự ưu tiên hàng đầu cho sự an toàn và tài sản của người dân, đặc biệt phải đảm bảo kiểm soát vệ sinh dịch tễ.