Báo Thế giới & Việt Nam điểm qua một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:
Tập trận Sea Breeze 2021 bắt đầu từ ngày 28/6 đến hết ngày 10/7. (Nguồn: ukrinform.net) |
Căng thẳng ở Biển Đen
Vào ngày 4/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lên tiếng cáo buộc Mỹ đứng đằng sau những hành động khiêu khích tương tự vụ việc tàu khu trục HMS Defender của Anh trong lãnh hải của Nga ở ngoài khơi Bán đảo Crimea - khu vực tranh chấp giữa Ukraine và Nga.
Tiếp đó, trong ngày 6/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhận định với tờ International Affairs rằng, Moscow đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để đối phó với các hành động vi phạm biên giới trên biển của nước này.
Đáp lại những lời chỉ trích từ phía Nga, quan chức thuộc Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ Matthew Comer khẳng định cuộc tập trận chung trên Biển Đen mang tên Sea Breeze 2021 được tiến hành dưới mục đích xây dựng sự liên kết giữa các đồng minh và đối tác trong khối NATO, không nhằm phản ứng trước bất kỳ sự kiện nào trong thực tế.
Ông cũng tuyên bố Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục cùng quân đội các nước đồng minh tiến hành các chiến dịch ở hải phận và không phận quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải và an ninh cho các hoạt động thương mại đường biển.
Trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Biển Đen đã không nhận được sự quan tâm xứng đáng từ phía NATO. Tuy nhiên, những động thái mới đây của NATO đã thể hiện một mong muốn xây dựng chiến lược riêng của khối liên minh này đối với khu vực Biển Đen.
Theo công ước Montreux 1936, các nước không thuộc Biển Đen chỉ được phép hiện diện ở vùng biển này tối đa là 21 ngày và tổng trọng tải của các tàu này không được vượt quá 30.000 tấn.
Do đó, theo đánh giá của các chuyên gia, NATO có thể sẽ tiến hành hỗ trợ các nước ven Biển Đen như Georgia, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ thành lập các nhóm tuần tra hàng hải nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định tại khu vực cũng như kiềm chế các hoạt động quân sự của Hải quân Nga.
Tổng thống Haiti Jovenel Moise. (Nguồn: NY Times) |
Vụ ám sát Tổng thống Haiti
Rạng sáng ngày 7/7 (giờ địa phương), gia đình Tổng thống Haiti Jovenel Moise đã bị các tay súng tấn công ngay tại tư dinh ở thủ đô Port-au-Prince. Tổng thống Haiti Moise đã tử vong trong cuộc đột kích, tphu nhân Tổng thống bị thương và vẫn đang được chữa trị tại bệnh viện.
Thủ tướng lâm thời Claude Joseph tạm thời điều hành đất nước. Ông kêu gọi người dân bình tĩnh, đồng thời ban bố tình trạng thiết quân luật trên khắp cả nước trong thời gian 2 tuần để truy nã thủ phạm, đồng thời công bố quyết định tổ chức cuộc họp hội đồng bộ trưởng bất thường để thảo luận về tình hình đất nước.
Ông Joseph cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra về vụ ám sát và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp về tình hình tại Haiti trong thời gian sớm nhất có thể.
Cơ quan an ninh Haiti ngày 8/7 cho biết nhóm tay súng ám sát Tổng thống Jovenel Moise gồm 28 người, bao gồm 26 người Colombia và hai người Mỹ gốc Haiti. Những người này là lính đánh thuê nước ngoài, được đào tạo bài bản. Nhóm này được trang bị vũ khí hiện đại, sử dụng ít nhất sáu chiếc xe với rất nhiều thiết bị.
Quốc đảo Haiti ngày càng trở nên bất ổn dưới thời Tổng thống Moise, người đã cầm quyền thông qua sắc lệnh trong hơn một năm và phải đối mặt với sự phản đối dữ dội khi những người chỉ trích cáo buộc ông tham quyền cố vị, còn phe đối lập yêu cầu ông từ chức.
Với một nền chính trị bất ổn như vậy, khủng hoảng đang nhấn chìm đất nước Haiti vốn đang trong quá trình phục hồi hậu cơn bão Matthew năm 2016.
Tình hình Afghanistan có dấu hiệu gia tăng bất ổn. (Nguồn: AFP) |
Afghanistan: Mỹ và NATO rút quân, Nga sẵn sàng nhập cuộc
Ngày 8/7, phát biểu tại Nhà Trắng xoay quanh vấn đề rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt hạn chót cho việc kết thúc sứ mệnh quân sự kéo dài 20 năm tại quốc gia Nam Á vào ngày 31/8 tới đây.
Ông Biden cho rằng nước Mỹ từ lâu đã đạt được các mục tiêu của mình tại Afghanistan, triệt tiêu mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ.
Từ tuần trước, toàn bộ binh sĩ của Mỹ và NATO đã âm thầm rời căn cứ không quân Bagram, căn cứ quân sự lớn nhất của lực lượng liên quân tại Afghanistan. Theo Lầu Năm Góc, quá trình rút quân của Mỹ đã hoàn thành được 90%.
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Biden cũng bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực của quân đội Afghanistan và tuyên bố sẽ tiếp tục viện trợ nhân đạo và quân sự, cũng như duy trì hiện diện ngoại giao tại nước này sau khi rút quân.
Các thành viên của NATO trước đó cũng đã thông vào về việc hoàn tất kế hoạch rút quân khỏi quốc gia Nam Á. Phát biểu trước Nghị viện Anh ngày 8/7, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định Anh đã rút gần như toàn bộ tất cả binh sĩ ra khỏi Afghanistan nhưng không tiết lộ kế hoạch chi tiết.
Tuy nhiên, việc Mỹ và đồng minh rút quân khỏi Afghanistan đã dấy lên nhiều lo ngại về tình hình bất ổn an ninh trong khu vực. Tuần vừa qua, lực lượng Taliban đã tiến hành cuộc tấn công đầu tiên vào thủ phủ tỉnh Badghis, phía Tây Afghanistan, cũng như tràn vào các khu vực tiếp giáp với năm quốc gia: Iran, Tajikistan, Turkmenistan, Trung Quốc và Pakistan.
Trước tình hình đó, ngày 8/7, Nga tuyên bố sẵn sàng sử dụng căn cứ quân sự tại Tajikistan, đồng thời kêu gọi liên minh quân sự thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Moscow dẫn đầu tích cực hợp tác để đối phó với các hệ luỵ từ việc phương Tây rút quân khỏi Afghanistan.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới. (Nguồn: TTXVN) |
Hội nghị giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng thế giới
Ngày 6/7, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Hội nghị thu hút 10.000 đại biểu đến từ hơn 500 chính đảng và tổ chức chính trị thuộc hơn 160 quốc gia trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh là một sự kiện ngoại giao đa phương quan trọng và được tổ chức ngay sau thời điểm Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm thành lập nhằm tăng trường trao đổi và học hỏi kinh nghiệm trong quản trị giữa các đảng.
Với chủ đề “Vì hạnh phúc của người dân, trách nhiệm của chính đảng”, các đảng tham gia đều nhất trí cho rằng nguyện vọng chung của nhân dân thế giới là hoà bình, tự do và nêu cao trách nhiệm giải quyết các mối quan tâm chung của người dân như dịch bệnh, đói nghèo.
Ngoài ra, các đảng cũng đề cao các giá trị hòa bình, chính nghĩa, dân chủ tự do, hợp tác, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay để góp phần thúc đẩy phát triển thịnh vượng chung trên thế giới.
Bên cạnh đó, sự kiện cũng có sự góp mặt của Việt Nam, trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Cộng sản Việt Nam đã tham dự Hội nghị dưới hình thức trực tuyến từ Trụ sở Trung ương Đảng, Hà Nội.
Nga nói Mỹ nên tập trung phối hợp với Moscow về vấn đề an ninh mạng. (Nguồn: Getty Images) |
Nga - Mỹ: Căng thẳng về vấn đề an ninh mạng
Ngày 1/7, các cộng đồng tình báo Mỹ và Anh đã đưa ra cảnh báo về những hoạt động mạng độc hại được cho là do Cơ quan tình báo quân sự Nga thực hiện. Đáng chú ý, cảnh báo trên được đưa ra chỉ một ngày trước khi công ty công nghệ Kaseya của Mỹ bị tấn công bởi REvil - một nhóm tin tặc được cho là có liên quan đến Nga.
Ngày 6/7, hãng tin Bloomberg đưa tin hệ thống mạng của Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa bị tấn công, đồng thời cho rằng, các tin tặc có liên hệ với Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga đứng sau vụ việc này.
Đáp trả lại những động thái trên, Đại sứ quán Nga tại Mỹ liên tiếp bác bỏ cáo buộc về việc Moscow tham gia vào các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ sở chính phủ và tư nhân Mỹ và các quốc gia khác. Cơ quan này cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ từ bỏ các cáo buộc vô căn cứ và tập trung phối hợp với Nga để tăng cường an ninh mạng cũng như nỗ lực chống lại tội phạm mạng.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Tổng thống Joe Biden đã được thông báo về sự xuất hiện ồ ạt các vụ tấn công bằng mã độc trong thời gian gần đây, đồng thời đưa ra thông tin về cuộc đối thoại liên quan đến an minh mạng giữa giới chức hai bên trong tuần tới. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay hiện Moscow vẫn chưa nhận được phản hồi rõ ràng từ Washington về việc khởi động đối thoại liên quan đến các vấn đề an ninh mạng trên.
Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang là 'thủ phạm' chính khiến Covid-19 lan mạnh trên thế giới. |
Pfizer nghiên cứu vaccine ngừa biến thể Delta
Vào ngày 8/7 vừa qua, Giám đốc khoa học của Pfizer Mikael Dolsten đã cho biết kết quả nghiên cứu của hãng dược phẩm này chỉ ra mức kháng thể sau khi thực hiện tiêm vaccine lần thứ ba cao hơn từ 5-10 lần so với mức sau khi tiêm liều thứ hai.
Theo đó, Pfizer hiện đã đệ trình đơn xin cấp phép từ chính phủ Mỹ cũng như đang tiến hành thảo luận với một vài nước Châu Âu về vấn đề tăng cường liều tiêm. Lý do được ông Dolsten đưa ra đó là mặc dù các kháng thể do vaccine này tạo ra cho người đã thực hiện tiêm chủng có hoạt tính cao chống lại biến thể Delta nhưng vẫn có khả năng suy yếu sau 6 tháng.
Theo nghiên cứu của nhiều quốc gia, Pfizer hiện vẫn là loại vaccine hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa biến thể Delta. Nghiên cứu của Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) cho thấy hiệu quả ngăn ngừa đối với biến thể Delta lên tới 88% sau khi thực hiện mũi tiêm thứ hai. Canada cũng đưa ra kết luận khá tương tự với nghiên cứu của phía Anh ở con số 87%.
Về phía Israel, Bộ Y tế nước này khẳng định hiệu quả của vaccine Pfizer giảm chỉ còn 64% đối với biến thể Delta, tuy nhiên tỷ lệ hiệu quả ngăn ngừa nhập viện của loại vaccine này vẫn lên tới 98,2%.