Các đại biểu vỗ tay sau khi Chủ tịch COP26 Alok Sharma phát biểu bế mạc COP26 ngày 13/11. (Nguồn: Getty) |
Hội nghị COP26 bế mạc với thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới
Sau 2 tuần đàm phán, đại diện cấp cao đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng đồng ý thông qua văn kiện mang tên Hiệp ước Khí hậu Glasgow trong đêm ngày 13/11 vừa qua.
Phát biểu về sự kiện, Anh - nước chủ trì Hội nghị khẳng định thỏa thuận sẽ thắp sáng niềm hy vọng của cộng đồng quốc tế nhằm đảo ngược những tác động nặng nề nhất của nóng lên toàn cầu.
Hãng tin Reuters cho biết, những thành công lớn nhất do thỏa thuận đem lại bao gồm:
Đầu tiên, theo thỏa thuận, các quốc gia ký kết sẽ cần tập trung hoàn thành sớm các mục tiêu đã đề ra trong năm tới, thay vì theo định hướng 5 năm như trước đó, nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Tiếp đó, đây là thỏa thuận về khí hậu đầu tiên kêu gọi các quốc gia giảm phụ thuộc vào than và ngưng trợ cấp cho các dự án năng lượng hóa thạch.
Thứ ba, thỏa thuận đã thúc giục các quốc gia đã phát triển gia tăng thêm các khoản hỗ trợ tài chính nhằm giúp đỡ những nước đang phát triển đạt được cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, thỏa thuận cũng thiết lập những nguyên tắc mới liên quan tới thị trường mua bán phát thải carbon toàn cầu.
Ngoài thỏa thuận đa phương kể trên, nhiều thỏa thuận song phương đột phát khác cũng đã được ký kết. Đơn cử, Mỹ đã tham gia cùng Liên minh châu Âu để đi đầu trong một sáng kiến toàn cầu về cắt giảm lượng khí metan, đồng thời ký kết một tuyên bố chung về hợp tác chống biến đổi khí hậu với Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh APEC 2021. (Nguồn: Reuters) |
Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 28
Tuần lễ cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 8-12/11 dưới sự chủ trì của New Zealand.
Những vấn đề được các nhà lãnh đạo đến từ 21 nền kinh tế thành viên thảo luận bao gồm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, hỗ trợ nối lại chuỗi cung ứng và hướng tới phát triển “nền kinh tế không carbon”.
Ngoài ra, việc tiếp cận công bằng, đồng thời mở rộng hệ thống sản xuất và phân phối nguồn vaccine cũng là vấn đề được quan tâm trong buổi thảo luận giữa các quốc gia thành viên.
Hội nghị APEC, nằm trong khuôn khổ của tuần lễ, đã đi tới thành công tốt đẹp khi các nền kinh tế thành viên đã cùng thông qua Kế hoạch Hành động để triển khai Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040, hướng tới “một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và thế hệ tương lai”.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề gây bất đồng giữa các nhà lãnh đạo, đặc biệt là về đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Đài Loan (Trung Quốc) và đề xuất xin chủ trì Hội nghị Cấp cao APEC 2023 của Mỹ.
Một số nguồn tin cho biết, Nga đã từ chối đề nghị của phía Mỹ về việc trở thành nước chủ nhà của Hội nghị APEC 2023, trừ khi Washington gỡ bỏ lệnh hạn chế nhập cảnh đối với một số nhà ngoại giao của Moscow.
Người di cư trước hàng rào ngăn biên giới Belarus với Ba Lan. (Nguồn: AFP) |
Khủng hoảng biên giới Ba Lan-Belarus leo thang
Quan hệ giữa Ba Lan nói riêng, EU nói chung và Belarus vẫn tiếp tục trên đà leo thang căng thẳng sau những cáo buộc đưa ra bởi các bên liên quan tới vấn đề người di cư và ti nạn tập trung tại khu vực biên giới chung.
Trong cuộc nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm 11/11, Thủ tướng Đức Angela Merkel cáo buộc Minsk đang sử dụng chiến lược “chiến tranh hỗn hợp” nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt do EU áp đặt lên nước này hồi đầu năm nay, khi cố gắng lôi kéo dòng người di cư đổ dồn về khu vực biên giới phía Tây.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen cũng đưa ra phát biểu tương tự trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cáo buộc phía EU đang có những hành động trái với luật pháp quốc tế trong vấn đề tị nạn, khi từ chối quyền di chuyển tới nơi an toàn của dòng người di cư. Một vài báo cáo cho thấy binh sĩ biên phòng bên phía Ba Lan đã đẩy người di cư không có giấy tờ quay trở lại phía Belarus.
Ông Lukashenko cũng lên tiếng đe dọa sẽ dừng các đường ống trung chuyển khí đốt từ Nga sang EU trên lãnh thổ Belarus nếu như những lệnh trừng phạt mới được áp đặt. Tuy nhiên, trong ngày 12/11, Điện Kremlin khẳng định chưa nhận được sự tham khảo từ Belarus trước khi phát ngôn trên đưa ra, và sẽ tiếp tục thực hiện theo các hợp đồng đã cam kết.
Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken. (Nguồn: Sputnik) |
Qatar ký kết thỏa thuận làm đại diện ngoại giao cho Mỹ tại Afghanistan
Ngày 12/11 (theo giờ Mỹ), Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ký kết thoả thuận chiến lược, qua đó Qatar sẽ giữ đại diện cho các lợi ích ngoại giao của Mỹ tại Afghanistan. Đây là chính quyền đại diện đầu tiên cho Mỹ ở Kabul kể từ khi nước này rút quân vào tháng 8.
Theo đó, thoả thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12 và Qatar sẽ cử một vài nhân viên từ đại sứ quán ở Afghanistan tới Bộ phận Lợi ích Mỹ, qua đó hợp chặt chặt chẽ hơn với Bộ Ngoại giao Mỹ và phái bộ Mỹ tại Doha.
Các thoả thuận này diễn ra vào thời điểm Mỹ và các quốc gia khác đang gặp khó trong việc tìm kiếm cách thức can dự vào Afghanistan đang nằm dưới sự lãnh đạo của Taliban, hiện phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nhân đạo.
Những người lính Ethiopia bị lực lượng Tigray bắt giữ trong cuộc xung đột ở miền Bắc Ethiopia, ngày 22/10/2021. (Nguồn: AP) |
Mỹ trừng phạt quân đội và đảng cầm quyền tại Eritrea vì xung đột tại Ethiopia
Trong ngày 12/11 vừa qua, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ thông báo đã tiến hành áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào bốn thực thể và hai cá nhân có trục sở tại Eritrea do có liên quan tới cuộc xung đột đang diễn ra tại quốc gia láng giềng Ethiopia
Theo thông báo chính thức, những thực thể hứng chịu lệnh trừng phạt bao gồm Lực lượng Quốc phòng Eritrea, chính đảng cầm quyền Mặt trận Dân tộc vì Dân chủ và Tự do (PFDJ), Quỹ tín thác đầu tư Hidri và Tập đoàn Thương mại Biển Đỏ. Ngoài ra, hai cá nhân có tên trong danh sách bao gồm cố vấn kinh tế của đảng PFDJ và người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Eritrea.
Các lệnh trừng phạt là một phần trong những nỗ lực mới nhất của Washington nhằm gây áp lực lên các chủ thể có liên quan tới cuộc nội chiến dai dẳng đang diễn ra tại Ethiopia. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố: “Sự hiện diện gây mất ổn định của lực lượng Eritrea đang kéo dài cuộc xung đột, gây trở ngại cho việc chấm dứt các hành vi thù địch, và đe dọa sự toàn vẹn của nhà nước Ethiopia”.
Trong cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 1 năm qua tại Ethiopia, Eritrea ủng hộ cho phía quân đội của Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed và đã đổ quân hàng loạt qua khu vực biên giới giữa hai nước từ tháng 11/2020 để tấn công những nhóm vũ trang đối lập thuộc Mặt trận Giải phóng Dân tộc Tigray (TPLF).
Ông Emmanuel Macron (giữa) phát biểu tại họp báo sau Hội nghị quốc tế về Libya hôm 12/11. (Nguồn: Reuters) |
Pháp tổ chức hội nghị cấp cao về Libya
Ngày 12/11, Pháp đã chủ trì hội nghị quốc tế về Libya tại thủ đô Paris nhằm hỗ trợ Tripoli chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 24/12 tới. Hội nghị có sự góp mặt của khoảng 30 nguyên thủ các nước, bao gồm nhiều quốc gia láng giềng của Libya và những bên có liên quan trực tiếp tới cuộc xung đột.
Theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hội nghị đã đạt được hai mục tiêu quan trọng. Thứ nhất, các quốc gia thành viên tham dự đều đưa ra cam kết ủng hộ việc tổ chức bầu cử Tổng thống tại Libya. Thứ hai, đưa ra quyết định, kêu gọi lực lượng nước ngoài và hơn 300 lính đánh thuê rút quân khỏi Libya.
Cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 24/12, và cuộc bầu cử lập pháp theo sau đó, nằm trong kế hoạch của Liên hợp quốc nhằm tái thiết hòa bình và ổn định tại quốc gia Bắc Phi, nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần do áp lực từ tình hình căng thẳng gần đây giữa các phe phái vũ trang.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Wikimedia Commons) |
Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua nghị quyết lịch sử thứ ba
Trong ngày 11/11 vừa qua, 370 thành viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cùng bỏ phiếu thông qua một nghị quyết mới, theo đó đề cao vai trò lãnh đạo "mang tính quyết định" của Chủ tịch nước Tập Cận Bình.
Theo Tân Hoa xã, nghị quyết tuyên bố sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình “có ý nghĩa quyết định trong công cuộc lịch sử nhằm hướng tới sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.
“Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn bộ đảng viên, quân đội và người dân từ mọi dân tộc đoàn kết hơn nữa cùng Ban Chấp hành, với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân trung tâm, để tiến tới quá trình thực hiện đầy đủ các mục tiêu trong thời đại mới của chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”, văn kiện mang tên "Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh trăm năm của đảng" có đoạn.
Đây là “nghị quyết lịch sử” thứ ba được thông qua kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau hai văn kiện tương tự ra đời vào năm 1945 và 1981.
Quan hệ Nga-NATO đang ở 'điểm trũng'. (Nguồn: AP) |
Nga phản bác cáo buộc âm mưu xâm lược Ukraine của NATO
Vào ngày 12/11 vừa qua, Điện Kremlin đã phản bác trước cáo buộc của các phương tiện truyền thông phương Tây liên quan tới ý định xâm lược thể hiện qua động thái điều quân hàng loạt tới khu vực biên giới chung với Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định các cáo buộc trên là “những âm mưu giả dối và vô căn cứ nhằm kích động xung đột”
Phó Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc, ông Dmitry Polyansky cũng khẳng định, Nga “không có kế hoạch, đồng thời chưa và sẽ không bao giờ làm điều đó trừ khi có sự khiêu khích từ phía Ukraine hoặc ai khác”. Đồng thời, ông Polyansky cũng nhấn mạnh tới những đe dọa từ phía Ukraine và những hành động khiêu khích của Mỹ trên Biển Đen.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, khoảng 90.000 binh sĩ Nga đang đồn trú gần biên giới và cả ở những khu vực do các nhóm phiến quân kiểm soát ở miền Đông Ukraine.
Tại cuộc gặp diễn ra trong tuần này ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định với người đồng cấp bên phía Ukraine Dmytro Kuleba rằng, những cam kết của nước này đối với an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là “hoàn toàn kiên định”.