Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào diễn ra vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. |
Những con số biết nói
Hội nghị khiến tôi nhớ tới chia sẻ của một vị Thứ trưởng Ngoại giao, người đã từng đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia. Ông kể, các điểm mốc giới giữa tỉnh Quảng Nam với các vùng của Lào là vùng núi rất cao, cả xe cơ giới và trực thăng đều không tiếp cận được vì rất nguy hiểm. Bởi thế, đội cắm mốc phải chia nhau gùi vật liệu, khi thì đi bộ, khi di chuyển bằng bè, rồi có khi leo núi cả ngày. “Phải đi mới thấy sự vất vả của anh em. Ngồi bàn giấy nghe báo cáo thì không thể mường tượng hết được”, vị Thứ trưởng chia sẻ.
Nỗ lực của những người làm công tác biên giới Việt – Lào đã được đền đáp xứng đáng bằng những con số, thể hiện rõ trong báo cáo tại Hội nghị. Đường biên giới Việt Nam - Lào dài 2.337,459 km, tiếp giáp giữa 10 tỉnh của Việt Nam với 10 tỉnh của Lào. Trên toàn tuyến biên giới hai nước hiện có tổng số 33 cửa khẩu đang hoạt động (trong đó có tám cửa khẩu quốc tế, bảy cửa khẩu chính và 18 cửa khẩu phụ). Năm 1977 hai nước tiến hành đàm phán song phương và hoàn thành phân giới, cắm mốc vào năm 1987.
Từ 2008 - 2016, hai nước phối hợp triển khai Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới nhằm nâng cao, hoàn thiện chất lượng đường biên giới cả trên thực địa và hồ sơ pháp lý. Trong hệ thống mốc quốc giới, hiện có 1.002 cột mốc và cọc dấu tại 905 vị trí, được ghi nhận chi tiết tại Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào ký ngày 16/3/2016.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thành công này rất quan trọng, là cơ sở để hoàn thiện hồ sơ pháp lý đường biên giới quốc gia Việt-Lào. Khẳng định vấn đề biên giới lãnh thổ luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, Thủ tướng cho biết, công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào đã được kiên trì thực hiện trong thời gian dài, đạt nhiều kết quả quan trọng khi mà nhiều vị trí cắm mốc ở “rừng cao, núi rậm, thời tiết, giao thông đi lại hết sức khó khăn, hiểm trở, phức tạp”. “Tôi biết không có ai hy sinh, nhưng có nhiều đồng chí bị thương”, Thủ tướng nói.
Hai nước đã thông qua Quốc hội hai bên về đường biên giới quốc gia và ban hành nhiều văn kiện pháp lý quan trọng để công nhận đường biên giới chung. Cũng theo Thủ tướng, về mặt quốc gia, quốc tế, Việt Nam có đường biên giới chính xác, rõ ràng, vĩnh viễn được ghi nhận chi tiết trong hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham quan tư liệu công tác xây dựng biên giới hữu nghị Việt-Lào. (Nguồn: VGP) |
Không ngừng vun đắp và phát triển
Các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam-Lào, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền. Hai nước đã trao đổi công hàm thông báo hai văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 5/9/2017.
Nghị định thư ký ngày 16/3/2016 là văn kiện pháp lý cấp Nhà nước ghi nhận toàn bộ thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước, bao gồm: kết quả hoạch định và phân giới cắm mốc giai đoạn 1977-1987; kết quả giải quyết một số đoạn biên giới tồn đọng và các mâu thuẫn, sai lệch về đường biên giới, mốc quốc giới sau phân giới cắm mốc trước đây; và đặc biệt là kết quả thực hiện Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào giai đoạn 2008-2016. Đáng lưu ý, Nghị định thư mô tả chính xác vị trí của 1.002 mốc quốc giới và cọc dấu có tọa độ địa lý được đo bằng máy GPS hai tần số, mô tả chi tiết hướng đi và địa hình đường biên giới đi qua theo hướng từ Bắc xuống Nam. Nghị định thư gồm bốn phụ lục đính kèm, trong đó quan trọng nhất là Bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 thể hiện toàn bộ thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước.
Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào gồm các điều khoản quy định chi tiết về quy chế biên giới và cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các lực lượng chức năng của hai nước trong công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới, hệ thống mốc quốc giới, xử lý các sự kiện biên giới và quản lý hệ thống cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào nhằm duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, tạo điều kiện cho việc giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước.
“Chúng ta vui mừng về thành công thực hiện kế hoạch tổng thể công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới Việt Nam-Lào”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương thành tích của Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, địa phương liên quan. Thủ tướng đồng thời cũng giao nhiệm vụ xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị với Lào, giữ gìn an ninh trật tự phòng chống tội phạm, buôn lậu, di cư tự do qua biên giới.
Khu vực biên giới Việt - Lào có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội của hai nước. Khu vực biên giới ổn định và phát triển sẽ góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó nhân dân hai bên biên giới; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương có chung đường biên giới; qua đó làm sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam – Lào, đồng thời khẳng định tình cảm khăng khít như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ví “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/ Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.