📞

Sứ mệnh vinh quang của nhà ngoại giao

09:48 | 20/07/2011
Vào ngày 21/9/1973, ông Võ Văn Sung là người thay mặt Chính phủ ký kết tại Paris “Công hàm trao đổi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam". 15 năm sau, trên cương vị Đại sứ, ông nỗ lực hết mình trong việc nối lại viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam, tạo cơ sở phát triển mối quan hệ tốt đẹp như ngày nay. Để ghi nhận đóng góp của ông, Nhà nước Nhật Bản trao tặng ông Huân chương Mặt trời mọc, Sao vàng và Sao bạc. Nhân dịp này, ông đã dành thời gian chia sẻ với TG&VN...
Ông Võ Văn Sung và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yasuaki Tanizaki.

Một kỷ niệm đáng nhớ

Những năm 1970-1973 là thời kỳ mà nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, đã sử dụng địa bàn Paris làm nơi tiếp xúc với Việt Nam DCCH để thiết lập quan hệ ngoại giao. Bấy giờ, ông Võ Văn Sung là người đại diện chính thức của Việt Nam ở đó.

Với Nhật Bản, hai bên bắt đầu tiếp xúc từ năm 1971. Đến tháng 7/1972, khi Đại sứ Nakayama gặp ông, hai người bàn những vấn đề cụ thể nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. "Sau này tôi mới rõ, đây là thời điểm xuất hiện của ông Tanaka Kakuei, Thủ tướng mới của Nhật Bản, là người đã tiến hành cuộc cải cách gần như hoàn toàn khác trước về chính sách và cách thức quan hệ với ta" - ông Sung nhớ lại. Do vậy, sau khi ông Tanaka lên cầm quyền thì Đại sứ Nakayama nói chuyện với ông Sung rất thoải mái. Ví dụ, trong những lần gặp gỡ trước đó, có lần Đại sứ Nhật đã phát biểu có ý thanh minh cho chính sách của Nhật ủng hộ cuộc chiến tranh của Mỹ, thì sau đó ông giãi bày với ngụ ý rằng ông buộc phải nói điều đó chỉ là vì Chính phủ Nhật lúc bấy giờ chưa cho phép ông nói khác.

Trước khi ông Takana lên cầm quyền, trong một cuộc trao đổi, ông Sung đã lên án chính sách của Nhật và nói với Đại sứ Nakayama rằng: "ông nói gì thì nói, nhưng rõ ràng là không thể chấp nhận được việc khi Mỹ xâm lược chúng tôi mà Nhật lại cho Mỹ làm căn cứ và ủng hộ chính sách của Mỹ như vậy. Nhưng tôi nói thẳng với ông, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền dân tộc của chúng tôi, việc này là chính nghĩa". Vị Đại sứ của Việt Nam còn nói thêm: "nước Nhật cũng là nước có lịch sử lâu đời bảo vệ độc lập chủ quyền của mình, nên tôi tin chắc Nhật Bản phải đồng cảm với chúng tôi". Nghe ông Sung nói vậy, ông Nakayama giãi bày: "Tôi là nhà ngoại giao chính thức, nên tôi phải phát biểu lập trường chính thức của chính phủ tôi. Nhưng mà lời của Đại sứ Sung nói làm tôi rất cảm kích. Nếu tôi bị mất chức, thì tôi cũng xin nói, rằng chúng tôi hoàn toàn đồng cảm với Việt Nam, đồng cảm với lời Đại sứ Sung vừa nói"… "Đó là một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi" - ông Sung tâm sự.

Một bí mật được “bật mí"

Giữa năm 1988, ông Sung sang Nhật chuẩn bị trình Quốc thư thì gặp lúc Nhật Hoàng Chiêu Hòa-Hirohito lâm bệnh nặng. Vì vậy, Nhật Hoàng ủy nhiệm cho Hoàng Thái tử, bấy giờ gọi là Đông Cung Thái tử (sau này là Nhật Hoàng Akihito) đứng ra nhận Quốc thư.

Khi Nhật Hoàng Chiêu Hòa băng hà, Chính phủ Nhật mời tất cả các nước có quan hệ cử đại diện đến dự quốc tang. Đại sứ Sung nhận được thông báo ông sẽ là người đại diện của Việt Nam, ông điện ngay về nước, đề nghị chính phủ ta nâng cấp đại diện của Việt Nam dự tang lễ. Ông trực tiếp gửi điện cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nói đây là việc quan trọng và cần phải làm để biểu thị cho Nhật biết chúng ta coi trọng họ. Tổng Bí thư đồng ý và cử Phó Chủ tịch HĐNN Lê Quang Đạo sang dự. Khi Nhật Hoàng Akihito lên ngôi, ông Sung cũng đề nghị cử cấp cao sang dự… Chính những đề nghị này của Đại sứ Sung đã làm cho phía Nhật Bản rất cảm kích.

Nói đến thành quả tốt đẹp mà hai nước Việt - Nhật đạt được ngày hôm nay, ông Sung khẳng định trong đó có phần đóng góp quan trọng của ông Michio Watanabe - người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1990, ông Watanabe là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Ông thông báo cho Đại sứ Sung biết một việc quan trọng mà ông đang tích cực xúc tiến là khôi phục viện trợ ODA cho Việt Nam.

Nhưng sang năm 1992, Đại sứ Sung bị ốm nặng, ông xin về nước nghỉ hưu vì nghĩ rằng lúc quan hệ hai nước sắp phát triển mạnh mà Đại sứ hay ốm đau thì không thích hợp. Trước khi về nước, ông đề nghị với ông Watanabe có cuộc gặp để "hỏi riêng" về kế hoạch khôi phục hợp tác với Việt Nam. Sau một tuần, ông Watanabe gặp ông và nói: Đây là việc mà trước nay chưa có Đại sứ nước nào hỏi và chưa có một Phó Thủ tướng nào của Nhật Bản nói với Đại sứ nước ngoài. Nhưng tôi xin nói với "người anh em kết nghĩa" rằng chúng ta đã cùng trồng cây nay đến ngày kết trái mà bạn ốm phải về nước nên tôi "nói riêng" và đề nghị chỉ cho ông Nguyễn Văn Linh và ông Phan Văn Khải (lúc đó là Chủ nhiệm UB Kế hoạch nhà nước) biết và mong không phổ biến cho đến khi kế hoạch được thực hiện. Nghe xong, ông Sung hứa sẽ giữ "bí mật" này và chỉ đề nghị có thêm cả Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch biết.

Và nội dung mà ông Watanabe "nói riêng" với Đại sứ Sung là từ năm 1992 trở đi Nhật Bản sẽ khôi phục ODA cho Việt Nam, năm thứ nhất khoảng 500 triệu USD và trong 10 năm tiếp sau đó cứ mỗi năm tăng lên một ít, đến năm thứ mười thì số viện trợ hàng năm sẽ đạt 1 tỷ USD.

Nhìn lại, sau gần 20 năm, Nhật Bản luôn duy trì và bổ sung viện trợ ODA cho Việt Nam đúng như ông Watanabe thông báo… Hiện Nhật Bản là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam với 1,6 tỷ USD được giải ngân trong năm 2010. Thậm chí, sau thảm họa động đất - sóng thần vừa qua, Nhật Bản vẫn không cắt giảm ODA dành cho Việt Nam…

Tâm sự với đồng nghiệp trẻ

Khi tôi hỏi "bí quyết" để trở thành "một nhà ngoại giao tài giỏi" - như lời của Đại sứ Yasuaki Tanizaki nói về ông tại lễ trao tặng Huân chương, ông Sung cười vui: "Tôi thực sự coi mình là thuộc trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Tôi mong các bạn cũng nên đi sâu tìm hiểu về công việc ngoại giao của Người, bởi đó là một kho kinh nghiệm lớn, một tài sản vô giá mà Bác để lại cho dân tộc ta nói chung và cho các nhà ngoại giao nói riêng". Ông khuyên các đồng nghiệp trẻ, ngoài học ở trường, phải tiếp tục tự học và mong họ luôn nhớ lời tiền nhân rằng: "Cái ta đã biết là có hạn, cái ta chưa biết là vô hạn".

Ông cho rằng, ngoại giao nói chung là mối quan hệ giữa các quốc gia, nhưng lại do con người tiến hành, vì vậy thực chất đó là quan hệ giữa con người với con người. Con người có những so le nhiều mặt, nhưng nhân tố chính điều chỉnh những so le để cùng nhau xử lý được các vấn đề là “tấm lòng”. Vì nói cho cùng, quan hệ quốc tế đúng nghĩa của nó phù hợp với nguyện vọng sâu xa của mọi người là Hạnh phúc của con người, được thể hiện quan trọng nhất là Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác. Nguyện vọng sâu xa đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc Việt Nam diễn đạt là: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Hải Hiền

Chiều 15/7, tham dự buổi lễ trao Huân chương cho ông Võ Văn Sung có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng cùng đại diện các Bộ, ngành…

Đại sứ Yasuaki Tanizaki nhấn mạnh: Nhà nước Nhật Bản trao Huân chương cho nguyên Đại sứ Võ Văn Sung nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn của ông trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam. Còn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, phần thưởng này là nguồn động viên lớn đối với đội ngũ công chức hai bên trong việc bồi đắp mối quan hệ đối tác chiến lược hai nước.

Bày tỏ niềm vui lớn của người tham gia trồng cây hữu nghị, nay cây được mùa lớn, cựu Đại sứ Võ Văn Sung cho rằng Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về lịch sử phát triển, về sự hình thành nền văn hóa dân tộc ở môi trường Đông Á, về tư duy của con người đối với bản thân mình và cộng đồng dân tộc, về ứng xử lý trí, tình cảm giữa con người với nhau. Theo ông, đó là điều rất quý để hai bên dễ thông cảm nhau, cùng nhau tìm ra những việc hợp tác được với nhau vì lợi ích của mỗi nước, của khu vực châu Á và thế giới.