Những nhà lãnh đạo trẻ tuổi mang tới luồng gió mới cho nền chính trị thế giới, vốn bị coi là cứng nhắc, nhàm chán và chỉ dành cho những ông già. Với năng lượng, tri thức và sự nhiệt tình, những chính khách "tuổi trẻ tài cao" đang giúp định hình lại chuyển động của thế giới, tạo ra sự hấp dẫn và tươi mới trong con mắt công chúng.
Sebastian Kurz
Sebastian Kurz sinh ngày 27/8/1986 tại khu lao động Meidling ở thủ đô Vienna. Mẹ của ông là giáo viên còn cha là kỹ sư không có công việc ổn định.
Sau khi tốt nghiệp trung học năm 2004 và hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2005, Kurz ghi danh vào khoa Luật của Đại học Vienna, nhưng quyết định thôi học để tập trung cho sự nghiệp chính trị. Tháng 4/2011 đánh dấu bước tiến lớn trên con đường chính trị của Kurz khi được bổ nhiệm là người đứng đầu Vụ Hội nhập thuộc Bộ Nội vụ Áo.
Tháng 12/2013, ông Kurz chính thức trở thành Ngoại trưởng trẻ nhất lịch sử Áo và đương nhiên, ông bị khá nhiều người hoài nghi về năng lực và kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kurz nhanh chóng ghi dấu ấn với bài phát biểu lần đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2014. Khác với những bài phát biểu dài dòng và mang tính thủ tục, đại diện Áo gây chú ý khi lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Ngày 15/10/2017, sau khi đảng Nhân dân bảo thủ (OVP) giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử Áo, Sebastian Kurz trở thành “cơn địa chấn” châu Âu khi đắc cử Thủ tướng ở tuổi 31.
Kể từ khi nhậm chức Thủ tướng, ông luôn có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư, tuyên bố sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp vào Áo, phù hợp với quan điểm chính trị thân hữu và bất mãn với chủ nghĩa trung dung của phần đông người dân Áo.
Tuy nhiên, sau 18 tháng cầm quyền, chính phủ của ông Kurz dính vào một vụ bê bối chính trị lớn nhất tại Áo kể từ sau Thế chiến II, được giới truyền thông đặt cho cái tên Ibizagate và liên quan trực tiếp tới Phó Thủ tướng Heinz-Christian Strache. Thế nhưng, vào ngày 29/9 vừa qua, đảng OVP một lần nữa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn và ngày 1/1, đảng OVP đã đàm phán thành công với đảng Xanh để thành lập chính phủ liên minh “có một không hai”, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Áo và châu Âu.
Sanna Marin
Một ngôi sao trẻ tuổi khác của chính trị châu Âu là bà Sanna Marin khi vào cuối năm 2019, chính thức trở thành Thủ tướng Phần Lan ở tuổi 34 và là nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới vào thời điểm đó.
Cũng giống như người đồng cấp Áo về xuất thân không phải "con nhà nói chính trị", bà Marin sinh ra trong một gia đình lao động bình thường. Cha mẹ bà chia tay khi bà còn rất nhỏ và gánh nặng tài chính đeo đuổi suốt tuổi thơ của Marin.
Trên trang blog cá nhân, Sanna Marin từng miêu tả lại lần bà đi tìm việc làm thêm đầu tiên khi mới 15 tuổi tại một tiệm bánh. Bà cũng từng đi đưa báo để có thêm thu nhập khi còn học cấp Ba. Thậm chí, do hoàn cảnh gia đình, mẹ bà sống cùng người bạn đời đồng tính sau khi đổ vỡ hôn nhân khiến bà Marin nhiều lần cảm thấy bản thân như “người vô hình” ở trường khi bị xa lánh. Nhưng điều tích cực duy nhất là mẹ của bà luôn trò chuyện để chia sẻ và thắp lên niềm tin rằng, cuộc đời của bà là do chính mình quyết định. Sanna Marin trở thành thành viên đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp trung học và theo tiếp lên đại học.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tampere năm 2012, bà được bầu vào Hội đồng Thành phố Tampere. Bà là Chủ tịch Hội đồng Thành phố từ năm 2013 đến năm 2017. Năm 2015, bà Marin đã là thành viên của Nghị viện Phần Lan.
Sau khi Thủ tướng Antti Rinne từ chức vì áp lực trong nước, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Marin đã trở thành hiện tượng trên truyền thông thế giới sau khi được đảng Dân chủ xã hội chọn làm ứng viên Thủ tướng. Vào ngày 10/12, bà Marin được Quốc hội nước này bầu làm Thủ tướng sau khi đạt được số phiếu thuận quá bán.
Là một chính trị gia trẻ tuổi, chưa có nhiều kinh nghiệm chính trị đỉnh cao nhưng bà Marin đã phải đối mặt với bộn bề khó khăn do các cuộc biểu tình tại quốc gia Scandinavi này vẫn chưa chính thức chấm dứt. Tuy nhiên, sự thăng tiến của Sanna Marin đã phần nào phản ánh một bức tranh chính trị đang nhiều thay đổi ở Phần Lan. Ngoài Marin, lãnh đạo bốn đảng còn lại trong liên minh cầm quyền của chính phủ Phần Lan cũng đều là phụ nữ, trong đó có tới ba người dưới 34 tuổi. Đó cũng có thể coi là một lợi thế với Sanna Marin vào lúc này.
Oleksiy Goncharuk
Luật sư Oleksiy Goncharuk mới chỉ có kinh nghiệm ba tháng làm việc trong chính phủ ở vị trí Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine khi bất ngờ trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất Ukraine ở tuổi 35, do chính Tổng thống trẻ tuổi nhất lịch sử Ukraine Volodymyr Zelensky chọn lựa.
Trước khi trở thành Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Goncharuk từng có nhiều năm làm việc trong một tổ chức phi chính phủ do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ nhằm phát triển môi trường kinh doanh ở Ukraine.
Ông Goncharuk sinh ngày 7/7/1984, tại thành phố Horodina, tỉnh Chernihiv, một thành phố nhỏ nằm gần điểm “giao cắt” giữa Ukraine, Nga và Belarus. Cha ông, Valeriy Gocharuk là thành viên của đảng Dân chủ Xã hội Ukraine. Kể từ năm 2005, ông Goncharuk làm luật sư và trưởng phòng luật cho nhiều công ty khác nhau. Năm 2018, ông đồng thành lập một tổ chức phi chính phủ cánh hữu tự do mang tên Nhân dân Quan trọng với định hướng trở thành một đảng phái mới tại Ukraine.
Phát biểu tại Quốc hội sau khi được bầu làm Thủ tướng Ukraine, ông Goncharuk cam kết sẽ "xóa sổ" nạn tham nhũng ở quốc gia này. Về tình hình miền Đông Ukraine, ông Goncharuk cho rằng vẫn có một giải pháp giúp tăng trưởng kinh tế giữa tình hình xung đột. Ông Goncharuk khẳng định việc tăng cường năng lực quốc phòng của Ukraine là vô cùng quan trọng. Tân Thủ tướng Goncharuk cũng cam kết thay đổi vị thế của Ukraine trên trường quốc tế.
Nayib Bukele
Ngày 1/6, chính trị gia thuộc đảng Liên minh vĩ đại vì đoàn kết dân tộc (GANA) cánh hữu Nayib Bukele, 38 tuổi chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống El Salvador nhiệm kỳ 2019-2024. El Salvador là quốc gia đang vật lộn với tình trạng nghèo đói và bạo lực. Các băng đảng giết người hoạt động ở nhiều nơi trên đất nước, khiến người dân cố gắng di cư đến Mỹ.
Ông Bukele trở thành tâm điểm của dư luận thế giới khi ông mở đầu phát biểu trong kỳ họp thường niên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc bằng cách cười rất tươi và chụp một bức ảnh tự sướng ngay trên bục phát biểu. Giải thích về hành động này, Tổng thống El Savador cho biết, một khi ông chia sẻ bức ảnh selfie này, nhiều người sẽ nhìn thấy hơn là lắng nghe bài phát biểu của ông. Ngoài ra, qua bức ảnh này, ông gửi tới thông điệp của Liên hợp quốc đang "ngày càng trở nên lỗi thời" và cần phải bắt kịp sự phát triển của công nghệ.
Một số lãnh đạo thế giới trẻ tuổi khác - Kim Jong-un: Chủ tịch CHDCND Triều Tiên nắm giữ chức vụ này từ năm 2011. Ông được cho là một trong những nhà lãnh đạo bí ẩn nhất trên thế giới. Năm 2016, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng ngày sinh của ông Kim là 8/1/1984. Còn các nguồn tin khác viết rằng ông sinh năm 1983, cũng vào ngày 8/1. - Jacinda Ardern: Thủ tướng New Zealand nhậm chức vào tháng 10/2017 khi bà mới 37 tuổi. Bà Ardern cũng trở thành lãnh đạo nổi tiếng nhất lịch sử nước này với cách xử lý nhạy cảm trước cuộc khủng bố tại thành phố Christchurch khiến 51 người Hồi giáo thiệt mạng. - Leo Varadkar: Ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất Ireland vào năm 2017 ở tuổi 38 và còn được biết đến là người đồng tính công khai đầu tiên đảm nhận vai trò lãnh đạo của Ireland. - Emmanuel Macron: Từng được ngợi ca là “Obama của xứ Gaulois”, ông Macron trở thành Tổng thống Pháp trẻ nhất lịch sử khi nhậm chức ở tuổi 39. Ông từng làm trong lĩnh vực ngân hàng trước khi trở thành Cố vấn trưởng và Bộ trưởng Kinh tế. |