“Kiềng ba chân” công nghệ của Trung Quốc
Thủ đô Bắc Kinh là một trong những thành phố trọng điểm trong chiến lược phát triển công nghệ “Made in China 2025”. Tại đây, ba trung tâm công nghệ cao của thành phố đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển không chỉ của riêng Bắc Kinh, mà còn của cả Trung Quốc, từ đó góp phần hiện thực hoá chiến lược “Made in China 2025” của cường quốc Đông Bắc Á này.
Là một trong những phân khu phát triển công nghệ cao, trung tâm công nghệ Trung Quan Thôn toạ lạc tại quận Hải Điện, thành phố Bắc Kinh còn được mệnh danh là Thung lũng Silicon của cường quốc số 2 thế giới. Đây là cái nôi của những "ông lớn" công nghệ Trung Quốc như Baidu, Meituan và ByteDance.
Trung tâm công nghệ Trung Quan Thôn toạ lạc tại quận Hải Điện, thành phố Bắc Kinh được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc. (Nguồn: quanjjing.com) |
Trong ba thập kỷ qua, trung tâm công nghệ này đã chứng kiến sự phát triển của nhiều thế hệ khởi nghiệp công nghệ và internet của Trung Quốc, từ nhà sản xuất máy tính Lenovo, cho đến cổng thông tin Sina và ứng dụng đặt xe Didi. Theo thống kê của Chính quyền Bắc Kinh, có tới 80 công ty khởi nghiệp công nghệ được thành lập tại Trung Quan Thôn mỗi ngày.
Trong những năm gần đây, khu Trung Quan Thôn trở nên đông đúc và đắt đỏ, khiến cho các công ty, tập đoàn có quy mô lớn dần chuyển văn phòng đến các khu vực nằm ở xa trung tâm thành phố hơn, từ đó hình thành nên các khu công nghệ tối tân khác của Bắc Kinh.
Nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Bắc Kinh, khu Tây Nhị Kỳ là cái nôi của các tập đoàn công nghệ lớn như Baidu, Sina, NetEase và Didi.
Vọng Kinh – một địa điểm khác nằm ở phía Đông Bắc của thủ đô, cũng là nơi đặt trụ sở của những người khổng lồ công nghệ khác như Tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc Alibaba, ứng dụng giao hàng Meituan Dianping và App hẹn hò Momo.
Cái giá đắt phải trả
Trong bối cảnh những “tỷ phú công nghệ” của Trung Quốc đang là biểu tượng cho sự thịnh vượng, với mỗi câu chuyện khởi nghiệp, có hàng nghìn người hy vọng sẽ đạt được thành công và trở nên giàu có giống như Jack Ma - ông chủ Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba hàng đầu Trung Quốc.
Ngành công nghiệp phát triển công nghệ của cường quốc Đông Bắc Á này luôn đặt ra những yêu cầu cao, đòi hỏi các nhân viên và doanh nhân trẻ phải liên tục làm việc đến kiệt sức, thậm chí phải hy sinh cả sở thích và hạnh phúc cá nhân. Trong khi đó, những nỗi lo về mất việc làm, thăng tiến trong sự nghiệp và môi trường làm việc phân biệt giới tính vẫn luôn thường trực trong tâm trí họ. Thêm vào đó, việc đặt trụ sở các tập đoàn công nghệ ở ngoại ô thành phố đã khiến cho các nhân viên IT của Bắc Kinh phải dành hàng giờ để di chuyển từ nhà đến công ty.
Yu Haoran, chuyên gia khoa học máy tính 26 tuổi, người sáng lập công ty khởi nghiệp về lập trình cho trẻ em Jisuanke cho biết, anh phải làm việc cả đêm và cuối tuần để phát triển công việc kinh doanh từ nhóm 10 lập trình viên thành một nhóm có tổng thu nhập 200 triệu Nhân dân tệ (29,8 triệu USD). Tuy nhiên, cái giá mà Yu phải trả là chứng mất ngủ kinh niên, khiến cho anh đôi khi chỉ ngủ được hai tiếng mỗi đêm. “Tôi đang xây dựng start-up của riêng mình và trước khi tôi hoàn thành nó, tôi không thể suy nghĩ được bất cứ thứ gì khác”, Yu cho biết.
Yu Haoyan, người sáng lập công ty khởi nghiệp về lập trình cho trẻ em Jisuanke đang làm việc tại trụ sở công ty ở Trung Quan Thôn. (Nguồn: Handout) |
Yang hiện đang làm quản lý sản phẩm tại công ty Internet ở Tây Nhị Kỳ. Mỗi ngày, Yang thức dậy lúc 6 giờ sáng để kịp thời gian bắt hai tuyến tàu điện ngầm và một chuyến xe bus đến công ty. Yang cho biết, mỗi ngày, thời gian di chuyển từ nhà đến công ty là 2,5 tiếng. “Chỉ cần trên tàu điện ngầm hoặc xe bus có chỗ ngồi, tôi có thể ngủ bất kể là các phương tiện này có đông người hay ồn ào thế nào đi chăng nữa,” Yang cho biết thêm.
Trong khi đó, một số người khác lại lựa chọn chỗ ở gần công ty để tránh “ác mộng” di chuyển mỗi ngày. Chuyên gia tiếp thị Bu cho biết, gần đây cô đã chuyển nhà đến một khu chung cư cũ kỹ ở Tây Nhị Kỳ, cách công ty khoảng 10 phút đi bộ. Bu thuê một phòng trong căn hộ ba phòng ngủ với giá 4.000 Nhân dân tệ/tháng (tương đương 598 USD). Tuy nhiên, chuyên gia tiếp thị này đã phải đánh đổi sở thích đến các cửa hàng cà phê, nhà hàng sang trọng và triển lãm nghệ thuật trong khu trung tâm mỗi khi rảnh rỗi. “Tôi cảm thấy mình như đang bị ‘lưu đày’” Bu nói.
Cống hiến và bị lợi dụng
Các công ty công nghệ của Trung Quốc thường mong muốn đội ngũ nhân viên làm việc nhiều giờ hơn để chứng minh lòng trung thành và sự cống hiến với công ty. Để miêu tả lịch trình làm việc của nhân viên, giới công nghệ Bắc Kinh thường sử dụng thuật ngữ “996”, nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong một tuần.
ByteDance, nhà sản xuất ứng dụng video ngắn phổ biến TikTok, đã giảm bớt áp lực lên nhân viên bằng cách giới thiệu chính sách “tuần lớn/nhỏ”. Theo đó, Bytedance yêu cầu gần 6.000 nhân viên công ty làm việc 6 ngày mỗi tuần vào 2 lần trong một tháng.
ByteDance đã đưa ra chính sách giảm bớt áp lực lên nhân viên bằng cách yêu cầu gần 6.000 người lao động trong công ty làm việc 6 ngày mỗi tuần vào 2 lần trong một tháng. (Nguồn: Reuters) |
Ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư của người lao động Trung Quốc đã bị xóa nhòa bởi các đặc quyền miễn phí “có một không hai” của công ty, như bao ăn uống, xe đưa đón, phòng gym và thể hình, cửa hàng cắt tóc, cùng nhiều lựa chọn giải trí và thư giãn khác như sửa móng tay, massage và dán màn hình điện thoại miễn phí. Mặc dù những người khổng lồ ở Thung lũng Silicon Mỹ như Google và Facebook đều đưa ra những ưu đãi tương tự, song một số nhân viên công nghệ của Trung Quốc cho biết họ cảm thấy như đang bị lợi dụng.
Theo dữ liệu từ Maimai của Trung Quốc – một ứng dụng tương đương với LinkedIn, những lợi ích như vậy không thể giữ chân nhân viên ở lại lâu hơn. Thời gian “trụ lại” công ty trung bình của nhân viên công nghệ tại Thung lũng Silicon Mỹ là 3,65 năm, trong khi tại các tập đoàn Trung Quốc, trừ các nhà khai thác viễn thông thuộc sở hữu của nhà nước, con số này chỉ đạt xấp xỉ 2,6 năm.
Ngành công nghiệp phát triển công nghệ của cường quốc Đông Bắc Á này “nhiều tiền” và hào nhoáng là thế, song một bộ phận không nhỏ người lao động Trung Quốc làm việc trong lĩnh vực này cuối cùng đã nhận ra rằng, cần phải cân bằng giữa cuộc sống và công việc, vì sức khỏe của chính họ. Nếu Trung Quốc muốn hiện thực hoá chiến lược “Made in China 2025”, một kế hoạch phát triển bền vững, đặt trọng tâm vào con người là một việc làm cần thiết đối với Bắc Kinh.