Bài kiểm tra IQ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và không phải lúc nào cũng chính xác. (Ảnh minh họa) |
Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học Canada thực hiện, trí thông minh không thể kiểm định thông qua một bài kiểm tra IQ. Tác giả của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những yếu tố này hoàn toàn mang tính độc lập và bạn có thể sáng chói ở mặt này nhưng lại dở tệ ở những mặt khác.
Trong một bài phỏng vấn với tạp chí Scientific American, nhà tâm lý học W. Joel Schneider cho biết tính hiệu quả của bài kiểm tra IQ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và không phải lúc nào cũng chính xác. Nếu để kiểm tra năng lực học tập, thì phương pháp này "rất kém vì năng lực học tập bị ảnh hưởng bởi cơ hội học tập, những khác biệt về văn hóa, gia đình, và khác biệt về tính cách". Một bài kiểm tra IQ cũng có thể đánh giá sai nhiều người.
Các nhà khoa học cho rằng đã đến lúc thay thế các bài kiểm tra IQ bằng công cụ chính xác hơn.
Liên quan đến bệnh tâm thần
Nếu bạn đã từng xem bộ phim A Beautiful Mind, dựa trên cuộc đời của nhà kinh tế học nổi tiếng từng đoạt giải Nobel John Nash, chắc hẳn bạn không thể quên cuộc chiến đấu không mệt mỏi của ông trước căn bệnh tâm thần phân liệt. Nhà văn nổi tiếng David Foster Wallace cũng từng vật lộn với chứng trầm cảm hơn 20 năm rồi tự kết liễu cuộc đời vào năm 2008. Xu hướng bệnh tâm thần cũng xuất hiện ở những bộ óc siêu việt của nhân loại như Abraham Lincoln, Isaac Newton và Ernest Hemingway.
Những nghiên cứu về một loại gen có tên neuronal calcium sensor-1 (NCS-1) cho thấy quá trình tăng NCS-1 có liên quan đến bệnh tâm thần phân liệt và rối loạn hành vi. Điều này có nghĩa thông minh hơn thì cũng có khả năng bị tâm thần cao hơn.
Thức khuya, dậy muộn sẽ thông minh hơn
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh những tác hại của việc thức khuya. Tuy vậy, một vài nghiên cứu lại chỉ ra rằng, thức khuya không hẳn là không tốt, những người hay hoạt động về đêm có thể sẽ thông minh hơn những người hay dậy sớm.
Trò chơi trí tuệ không giúp thông minh hơn
Nhiều người cho rằng, việc chơi các trò chơi trí tuệ như giải ô số, đuổi hình bắt chữ, sudoku… sẽ giúp rèn luyện trí tuệ, tăng cường khả năng ghi nhớ, cải thiện trí thông minh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều này chỉ đúng với một vài kỹ năng, còn về tổng thể, những trò chơi này cũng không thực sự có tác dụng.
Trong một nghiên cứu, các tình nguyện viên được mời thực hiện một trong ba nhiệm vụ có độ khó khác nhau, bao gồm ghi nhớ nhóm đồ vật khi đang tiến hành nhiệm vụ phức tạp khác, nhắc lại đồ vật theo thứ tự mà họ nhìn thấy trước đó, hoặc tìm kiếm đồ vật đặc biệt trong nhóm. Kết quả cho thấy người tham gia hoàn thành nhiệm vụ ban đầu có dấu hiệu cải thiện trí nhớ làm việc (working memory), tuy nhiên khả năng giải quyết vấn đề mới, lý luận hay nhận dạng (fluid intelligence) thì không thay đổi.
Không hẳn là chìa khóa của thành công
Theo các chuyên gia tâm lý học, trí thông minh cao có thể giúp người ta vào đại học hay có một công việc tốt, tuy nhiên sự thành công hay thất bại sau đó lại được quyết định bởi khả năng "cảm nhận, thấu hiểu, đánh giá và áp dụng có hiệu quả sức mạnh của cảm xúc vào công việc, sáng tạo". Những ai có khả năng điều chỉnh cảm xúc và hoà hợp với người khác sẽ thành công hơn, có công việc tốt hơn, được thăng chức và có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Linh An (tổng hợp)