Nhỏ Bình thường Lớn

Sự thay đổi "ngoạn mục" của Tổng thống Pháp sau vụ khủng bố

Trong bối cảnh nước Pháp vừa trải qua một vụ khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris và cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Pháp sắp đến gần, Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande chắc chắn phải thay đổi chính mình.
Tổng thống Pháp phát biểu trước Quốc hội tại điện Versailles, ngày 16/11. (Nguồn: Getty Images)

Trong bài phát biểu lịch sử trước Quốc hội tại điện Versailles ngày 16/11, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố, Pháp đang trong tình trạng “chiến tranh” và cam kết sẽ “tận diệt chủ nghĩa khủng bố”. Đây là lời khẳng định cứng rắn nhất trong các tuyên bố của ông Hollande từ trước tới nay về vấn đề khủng bố. Nó đánh dấu một sự thay đổi hoàn toàn trong phong cách lãnh đạo của người đứng đầu Đảng Xã hội Pháp (PS). Từ một nhà lãnh đạo với các quyết sách có phần mềm mại, từng bị chế nhạo như “kẹo dẻo”, ông Hollande bỗng trở nên cứng rắn với phong cách tựa như một thủ lĩnh trong cuộc chiến chống kẻ thù.

Các động thái nhằm tăng cường siết chặt an ninh, cùng với việc phát động chiến dịch tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên toàn thế giới, mà hành động cụ thể đầu tiên là cuộc không kích quy mô lớn nhất từ trước tới nay của Pháp vào căn cứ của IS ở Raqqua, Syria vào đêm 15/11, đánh dấu một sự chuyển biến rõ nét trong phe cánh tả của Pháp.

Bài phát biểu của Tổng thống Pháp Hollande cũng được đem ra so sánh với bài hùng biện chính trị của cựu Tổng thống Mỹ George W Bush sau sự kiện khủng bố 11/9 ở New York, Mỹ. Tuy nhiên, sự so sánh này có vẻ khập khiễng khi mà khủng bố ở Pháp do chính “cây nhà lá vườn” tạo ra, nên có phần phức tạp và mang nhiều sắc thái hơn (5 trong số 7 tay súng khủng bố tử vong tại hiện trường được xác định có 4 người mang quốc tịch Pháp và 1 người tị nạn Syria).

“Chúng ta không dấn thân vào một cuộc chiến giữa các nền văn minh bởi những kẻ sát nhân không đại diện cho điều này. Chúng ta đang chiến đấu chống lại những tên khủng bố Thánh chiến đang đe dọa toàn thế giới”, ông Hollande nhấn mạnh.

Rõ ràng, các cuộc tấn công khủng bố liên hoàn tại Paris khiến 129 người chết và 352 người bị thương là một vụ tấn công tồi tệ nhất trên đất Pháp kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và đã làm thay đổi xu hướng chính trị của Tổng thống Hollande. Và, bài phát biểu trước Quốc hội Pháp này mang ý nghĩa sống còn cho sự nghiệp chính trị của ông.

Trong nỗ lực khắc phục hậu quả khủng bố, bài phát biểu của ông Hollande đã làm được hai điều. Về đối ngoại, bài phát biểu có sức nặng kêu gọi cộng đồng quốc tế chống lại chủ nghĩa khủng bố, cam kết tăng cường các cuộc không kích, “thống nhất lực lượng” với Mỹ, Nga và các nước phương Tây nhằm tiêu diệt IS, kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sớm họp để bàn các biện pháp khẩn cấp chống khủng bố và kiểm soát an ninh đối với những người tị nạn. Bằng những cam kết quyết liệt của mình, Tổng thống Hollande đã củng cố vị trí tiên phong của nước Pháp trong cuộc chiến tranh chống khủng bố mới.

Nhưng, sự thay đổi lớn nhất trong chiến dịch chống khủng bố của Tổng thống Pháp lại thuộc về đối nội. Theo đó, ông Hollande kêu gọi phối hợp hành động cả về quân sự, ngoại giao, với các biện pháp như tăng ngân sách và quân số cho quân đội, cụ thể là tăng thêm 5.000 nhân viên trong lực lượng an ninh, tăng thêm 2.500 nhân lực làm việc trong các nhà tù của Pháp và sẽ không giảm chi tiêu quốc phòng cho đến trước năm 2019. Đặc biệt, Tổng thống đương nhiệm của Pháp còn đề nghị sửa Hiến pháp, trong đó có các điều 16 và điều 36 liên quan đến việc kéo dài tình trạng khẩn cấp lên ba tháng trong trường hợp đất nước đối mặt với một mối đe doạ lớn, khởi nghĩa vũ trang hoặc tấn công từ nước ngoài (hiện tình trạng khẩn cấp chỉ được ban bố trong thời hạn 12 ngày).

Đối với ông Hollande, những vấn đề đặt ra từ các vụ thảm sát tại Paris liên quan sâu sắc đến ông. Không chỉ rằng, từ đây, lịch sử nước Pháp sẽ gắn liên tên ông, Tổng thống đương nhiệm, với thảm kịch khủng bố Paris, mà điều đặc biệt khi ông suýt là nạn nhân của chúng bởi ông cũng có mặt trong sân vận động Stade de France xem trận bóng đá giao hữu.

Những hình ảnh cho thấy khuôn mặt tái mét của ông khi được một nhân viên an ninh thì thầm vào tai các tin tức về vụ khủng bố sẽ đi vào lịch sử giống như khuôn mặt của cựu Tổng thống Mỹ Bush nhận được hung tin khi đang đọc truyện cho các em học sinh vào ngày 11/9/2001 vậy.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh chống khủng bố mà ông Hollande phát động không phải là một canh bạc dễ dàng. Nếu ông dám đứng ra phát động một cuộc chiến, thì ông phải nắm chắc khả năng giành chiến thắng. Còn trong trường hợp này, chiến thắng quả không hề đơn giản.

Một số chính trị gia đã bắt đầu đặt câu hỏi hoài nghi về những quyết sách mới của ông Hollande. Theo học giả Peter Bergen, thuộc Đại học Arizona (Mỹ), vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris đã khoét sâu vào những bất ổn về sắc tộc trong xã hội Pháp và nếu chính phủ Pháp không có những chính sách thích hợp cụ thể, cuộc tắm máu đêm 13/11 có thể dẫn đến một cuộc “nội chiến” giữa cộng đồng Hồi giáo với phần còn lại của nước Pháp. Đó chính là điều IS mong muốn sau vụ thảm sát dã man ở Paris.

“IS không đơn giản là những kẻ giết người cuồng đạo, chúng muốn chia rẽ và đẩy đất nước của chúng ta vào cuộc nội chiến. Đó là một cái bẫy mà IS giăng sẵn”, cựu Thủ tướng Pháp Dominique De Villepin đã cảnh báo trước bài phát biểu của ông Hollande.

Trang Trần (theo The Guardian)