📞

Sự thể nghiệm độc đáo của Lê Khanh

11:29 | 21/03/2008
Lê Khanh muốn sử dụng mảng miếng của chèo. Chèo có một thế mạnh là tính ước lệ rất cao. Có thể tận dụng thế mạnh đó, và phải cách tân nó cho phù hợp với đời sống hiện đại. Có thế mới thu hút được người xem và giữ gìn bản sắc của truyền thống chèo.

Điều này, tôi biết được cũng rất tình cờ. Cách đây mấy năm, vào một buổi trưa, Lê Khanh điện cho tôi. Vợ chồng chị có nhã ý mời tôi đi uống cà phê. Chúng tôi ngồi trong một quán cà phê khá tĩnh mịch. Lê Khanh thổ lộ với tôi rằng, chị muốn thể nghiệm đưa chèo lên sân khấu kịch nói. Nghĩa là chị muốn có một vở hài kịch, là kịch nói, nhưng lại diễn theo lối chèo.

Tôi cũng nói thẳng với Lê Khanh rằng, chọc cho thiên hạ cười không phải là sở trường của Lê Khanh. Khanh rất hợp với những vai phụ nữ sang trọng, đài các và quý phái. Ví như vai Chiêu Thánh trong vở kịch "Rừng trúc" của Nguyễn Đình Thi, hay vai người vợ trong vở kịch "Bến bờ xa lắc" của Lê Thu Hạnh. Lê Khanh thật sự xuất thần. Những vở kịch ấy thành công cũng là nhờ những vai diễn xuất sắc của Lê Khanh. "Thế mà em cũng đã chọc cười rồi đấy - Lê Khanh tủm tỉm - Bữa nào anh xem thử nhé".

Vở hài kịch đầu tiên Lê Khanh sắm vai mà tôi được xem là một vở hài kịch ngắn của Trung Quốc. Chị vào một bà già điếc nhà quê. Tôi hoàn toàn bất ngờ, không còn nhận ra Lê Khanh nữa. Những khán giả hâm mộ Lê Khanh cũng kinh ngạc vì sự "lột xác" rất tài tình của chị.

Hàng trăm khán giả cười ngặt nghẽo. Mỗi cử chỉ, lời nói của "bà cụ" nhà quê đều làm cho người ta phải bật cười. Cái cười khá sâu sắc, thâm thúy, không hề rẻ tiền chút nào.

Sau buổi biểu diễn, chúng tôi ngồi lại trong một quán cà phê quen thuộc. Lê Khanh muốn tôi viết cho chị một vở kịch ngắn, lấy đề tài là "Thị Nở lên tỉnh". Tôi hơi ngần ngại. Bởi nhân vật Thị Nở của Nam Cao đã có rất nhiều người khai thác. Đã có cả một vở kịch về Thị Nở và Chí Phèo rồi.

 

"Không, em sẽ làm theo kiểu khác. Kịch nói nhưng lại diễn theo kiểu chèo, và toàn bộ vở kịch chỉ có một nhân vật. Nghĩa là độc diễn. Làm thế rất khó. Nhưng khó mà làm được thì mới hay. Vì kịch phải có vấn đề, có nhân vật và phải có từ hai nhân vật trở lên thì mới có xung đột. Nghĩa là nó vẫn phải là một vở kịch nghiêm chỉnh".

 

Tôi rất thích cái ý tưởng khá táo bạo của Lê Khanh. Và tôi nghĩ nghệ thuật là thế. Nghĩa là anh phải dấn thân, phải tạo ra một cái gì đó thật mới mẻ mà trước anh không có. Sở dĩ bộ ba vở chèo "Bài ca giữ nước" của Tào Mạt được khán giả nồng nhiệt đón nhận vì ông đã cách tân, làm mới loại hình nghệ thuật truyền thống có từ lâu đời này.

 

Chèo của Tào Mạt thực chất là kịch hát. Những câu hát ở trong cả ba vở chèo nổi tiếng này là ca khúc của Tào Mạt. Tào Mạt sáng tác dựa theo cái hơi của chèo. Lê Khanh không làm kịch hát mà là kịch nói.

 

Kịch nói nhưng lại diễn theo lối chèo cổ, chèn sân đình ngày xưa. "Em muốn cộng tác với anh. Vì anh có vốn ngôn ngữ nhà quê. Anh cũng có chất hài hước nữa. Làm trò cho thiên hạ cười mà thiên hạ họ lại không cười thì vô duyên lắm.

 

Trước khi điện cho anh, em có hỏi ý kiến chú Nguyễn Đình Nghi. Chú Nghi cũng bảo, cho thằng Khoa cộng tác là được, vì nó là thằng nhà quê, nó hiểu người quê. Em rất muốn kéo anh sang với sân khấu!".

 

Lê Khanh cười rất vui. Còn tôi thì thực sự bối rối. Thực tình, tôi rất mê kịch, nhưng chẳng bao giờ dám nghĩ là mình sẽ viết kịch. Tôi nhận lời với Lê Khanh. Nhưng rồi, công việc quá bận, lại đi liên miên. Chỉ còn bốn ngày nữa là đến ngày biểu diễn. Tên Lê Khanh đã được trương trong các tấm biển quảng cáo treo khắp các ngả đường Hà Nội. Tôi vội vã phác cho Lê Khanh mấy trang gợi ý.

Thực ra, nó chẳng phải là kịch bản, mà cũng chưa thành được đối thoại. Nó là mớ hổ lốn chẳng đâu vào đâu. Lê Khanh gửi con cho bà ngoại, bỏ cả đức ông chồng - một nhà quay phim, một đạo diễn rất tài ba - ở nhà một mình, rồi chị chui vào nhà hát.

Chị bỏ ra cả một đêm thức trắng để hoàn thiện kịch bản. Sáng sau, Lê Khanh đưa con đi nhà mẫu giáo, chị tạt qua tôi: "Em xong kịch bản rồi đấy. Ông anh đọc hộ em với. Nếu có chỗ nào ngô nghê thì anh chỉnh sửa lại giúp em nhé".

Tôi đọc và kinh ngạc, vì không ngờ Lê Khanh viết quá giỏi, ngôn ngữ rất hoạt và sắc lém. Chị thực sự là một cây bút tài hoa. Tôi chỉ thêm mấy chi tiết để vở kịch sinh động. Tôi rất thích vở kịch này. Thích vì sự độc đáo. Trước chị, tôi chưa thấy ai làm thế. Bao nhiêu trạng huống lắt léo, hấp dẫn, mà chỉ có một nhân vật. Thị Nở - Lê Khanh một mình một trâu xông trận.

Chị vừa sắm vai, vừa tự đạo diễn. Hỗ trợ cho chị là hai nghệ sĩ trẻ Tú Oanh và Sĩ Tiến. Mở màn là nhạc chèo. Rồi một cặp nam nữ khăn sếp, áo tứ thân khiêng cái chiếu chèo đi chềnh ềnh qua mặt khán giả rồi trải xuống giữa sân khấu. Mỗi người một bên với cái mô tre, vừa đế, vừa làm tiếng động cho cả vở diễn.

Tất cả câu chuyện hài hước, gay cấn, cười ra nước mắt đều diễn ra trong cái chiếu hẹp vanh vánh này. Chị đảo một nhịp mõ, xoay nửa vòng chân là đã sang một cảnh khác rồi. Cái chiếu như tràn ra ngoài sân khấu và nới ra đến ngút ngát. Tôi không ngờ Lê Khanh tài đến thế.

Vở kịch nói độc đáo của Lê Khanh là một gợi ý thú vị cho những ai muốn cách tân sân khấu truyền thống, nhằm thu hút sự chú ý của khán giả hiện đại. Lê Khanh muốn kéo tôi sang sân khấu, nhưng tôi lại muốn rủ chị về với văn chương.

Chỉ với một kịch bản ngắn thôi, tôi đã thấy chị thực sự là một cây bút có tài. Không có tài, không thể tạo nổi sự độc đáo và hấp dẫn đến như thế.

Theo SM