Sau hai năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục tổ chức Trại hè Việt Nam năm 2022. Xin ông cho biết đâu là những điểm mới của chương trình năm nay?
Nhằm đáp ứng tình cảm và nguyện vọng của đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ kiều bào, kể từ năm 2004, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Trại hè Việt Nam thường niên dành cho thanh niên, sinh viên VNONN. Đến nay, Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 2.000 bạn trẻ từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN Mai Phan Dũng |
Năm 2020-2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, Ủy ban Nhà nước về NVNONN cũng không thể tổ chức chương trình như thông lệ. Sau hai năm gián đoạn, sự trở lại của Trại hè Việt Nam năm nay thực sự mang lại nhiều háo hức, mong chờ cho các bạn trẻ.
Chương trình năm nay tiếp tục bám sát các mục tiêu chung của Trại hè Việt Nam các năm trước: Thông qua hoạt động thăm quan, tìm hiểu các di sản văn hóa, di tích lịch sử để giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của thanh niên kiều bào đối với việc quảng bá văn hóa, lịch sử, đất nước con người Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, giữ gìn, bảo tồn truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc trong cộng đồng;
Thông qua các hoạt động tri ân, tưởng niệm để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn với các thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc, từ đó nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần hướng về quê hương, cội nguồn; Thông qua các hoạt động thiện nguyện, các hoạt động ngoại khóa với chủ đề bảo vệ môi trường,… nhằm giáo dục các em về trách nhiệm đối với Tổ quốc, đồng thời thể hiện đóng góp của thế hệ trẻ kiều bào đối với quê hương, đất nước.
Bên cạnh những hoạt động thường lệ ấy, Trại hè Việt Nam năm nay còn có một số hoạt động mới như: Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức vinh danh kiều bào trẻ có thành tích xuất sắc và những đóng góp cho cộng đồng nhằm thể hiện sự trân trọng, đồng thời kịp thời khuyến khích, động viên các em tiếp tục cố gắng, phấn đấu;
Tổ chức tọa đàm về phát huy nguồn lực kiều bào trẻ nhằm tăng cường nhận thức, kết nối các em với các cơ quan, tổ chức, địa phương trong nước, khuyến khích và tạo điều kiện để thế hệ kiều bào trẻ hướng về quê hương, đất nước; tổ chức cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Việt nhằm tăng cường giao lưu, gắn kết bền chặt với văn hóa truyền thống và ngôn ngữ dân tộc, thúc đẩy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, cũng như trách nhiệm trong việc gìn giữ, phát huy tiếng Việt ở nước ngoài.
Trong các hoạt động ông vừa nêu, cuộc thi kể chuyện tiếng Việt là hoạt động lần đầu tiên diễn ra trong chương trình Trại hè. Lý do Ủy ban tổ chức hoạt động này cho thanh niên là gì? Ông kỳ vọng như thế nào vào hiệu quả của hoạt động này?
Việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt luôn là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn, giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc đối với mỗi người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Ngôn ngữ là chìa khóa quan trọng trong việc kết nối với cội nguồn, cố kết cộng đồng và phát huy, quảng bá những giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc với bạn bè quốc tế.
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp mặt hơn 100 đại biểu kiều bào trẻ dự Trại hè Việt Nam năm 2022. |
Nhiệm vụ đẩy mạnh phổ biến tiếng Việt ở nước ngoài đã được khẳng định trong nhiều văn kiện chính trị và pháp lý, việc triển khai các biện pháp nhằm giữ gìn và phát huy tiếng Việt ở trong và ngoài nước cũng đang được các bộ, ngành, cơ quan tổ chức thực hiện một cách bài bản, mạnh mẽ.
Hoạt động thi kể chuyện bằng tiếng Việt trong khuôn khổ chương trình Trại hè Việt Nam năm nay được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ kiều bào về giá trị, ý nghĩa và sự giàu đẹp của tiếng Việt; thấu hiểu được giá trị cốt lõi, tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng Việt. Từ đó, khuyến khích và lan tỏa việc dạy và học tiếng Việt, nâng cao ý thức trách nhiệm của các em trong việc bảo tồn và phát huy sự trong sáng, giá trị của ngôn ngữ dân tộc.
Thông qua hoạt động ý nghĩa này, chúng tôi hy vọng có thể phần nào lan tỏa tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ đến các đại biểu thanh niên, sinh viên kiều bào, tạo ra những “Đại sứ tiếng Việt” ở mỗi địa bàn có người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc, góp phần tích cực vào việc dạy và học tiếng Việt, gìn giữ và phát huy ngôn ngữ mẹ đẻ trong cộng đồng NVNONN. Chúng tôi tin tưởng ngôn ngữ sẽ là một sợi dây bền chặt gắn kết các em với quê hương, cội nguồn dân tộc.
Ông có thể khái quát về những thành tích học tập cũng như công tác cộng đồng của các đại biểu thanh niên NVNONN tham gia Trại hè Việt Nam năm nay?
Tiêu chí lựa chọn các đại biểu tham dự Trại hè Việt Nam là học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu NVNONN, độ tuổi từ 16-24, nói được tiếng Việt, có thành tích học tập và công tác tốt, có quan tâm, đóng góp cho phong trào thanh niên, sinh viên cộng đồng hướng về quê hương.
Năm nay, tham dự chương trình có nhiều đại biểu có thành tích học tập, nghiên cứu tốt, đã từng được Bộ Giáo dục, Bộ Nguồn nhân lực của các nước sở tại công nhận và vinh danh, có những đóng góp thiết thực thông qua các dự án dành cho học sinh, sinh viên trong các lĩnh vực như xe ô tô tự điều khiển, quảng cáo, nghiên cứu về tế bào ung thư… Nhiều gương mặt có thành tích trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi về keyboard, khiêu vũ, thi viết văn, đọc thơ Shakespeare, tennis, bơi nghệ thuật…
Đáng chú ý, nhiều đại biểu đã có những đóng góp thiết thực cho phong trào của cộng đồng với các hoạt động cụ thể như: hỗ trợ công tác dạy tiếng Việt cho cộng đồng, tham gia hoặc lãnh đạo các Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam, Hội sinh viên tại các trường... Các em đều được các Hội, đoàn NVNONN và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phát hiện, vinh danh.
Các thanh niên, kiều bào trẻ hào hứng tham gia trò chơi với các học sinh ở làng trẻ SOS Vinh. |
Việc lựa chọn tổ chức Lễ khai mạc chương trình năm nay tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Mỗi năm, Trại hè Việt Nam tổ chức khai mạc tại một địa phương của Việt Nam để các đại biểu có cơ hội tìm hiểu sâu về truyền thống lịch sử, văn hóa, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Năm nay, chương trình được khai mạc tại tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng thời tại đây, các đại biểu sẽ được về thăm Làng Sen, tận mắt chứng kiến nơi Bác Hồ sinh ra, lớn lên, thăm đền thờ Vua Quang Trung tại núi Dũng Quyết, TP. Vinh, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, giao lưu ý nghĩa khác.
Đây là cơ hội để các đại biểu hiểu hơn về cuộc đời, nhân cách, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, vị cha già dân tộc. Qua đó, giúp các em thêm kính yêu Bác, nâng cao nhận thức về việc học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, tiếp tục phấn đấu trong học tập, công việc, cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng NVNONN, cho quê hương, đất nước.