Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm 98 điều (giảm 05 điều so với Luật hiện hành), giữ nguyên bố cục gồm 8 chương như Luật hiện hành, sửa đổi, điều chỉnh 94 điều với 4 nhóm nội dung lớn phù hợp với 4 nhóm chính sách nêu trong đề nghị xây dựng Luật. Luật này sẽ được tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận. |
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội; đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo đã rất công phu, nghiêm túc, bài bản trong quá trình xây dựng luật. Quá trình tổng kết đã được tiến hành rất kỹ lưỡng. Về việc tiếp thu và giải trình ý kiến của các cơ quan và ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được tiến hành rất nghiêm túc và khẩn trương.
Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Các đại biểu cho rằng dự thảo luật có rất nhiều nội dung đổi mới và rất tiến bộ, đặc biệt là đã hướng nhiều đến cơ sở, chú trọng khen thưởng cho những tập thể nhỏ, cho những người trực tiếp lao động; và đặc biệt dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua để khắc phục tính hình thức, tính chưa thực chất trong một số phong trào thi đua trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Bắc Kạn phát biểu |
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Bắc Kạn cho rằng dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở và không chỉ phạm vi trong bộ máy nhà nước mà bao gồm cả bên ngoài nhà nước.
Đại biểu kiến nghị cải tiến hơn nữa về hồ sơ, thủ tục, để tiến hành việc này được khẩn trương hơn; mở rộng thêm những trường hợp được xét khen thưởng theo hình thức, thủ tục đơn giản và bổ sung thêm những hình thức thi đua mà đã rõ về thành tích, công trạng thì tiếp tục tăng thẩm quyền, đồng thời tăng trách nhiệm cho người đứng đầu trực tiếp quyết định hình thức thi đua và hình thức khen thưởng.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Hà Nam nhất trí về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng và cho rằng thi đua là hoạt động có tổ chức với sự tham gia tự nguyện, tự giác của các cá nhân, tập thể phấn đấu vì những mục đích chung, hướng tới những điều tốt đẹp, mục tiêu cao hơn trong học tập, công tác lao động, sản xuất, kinh doanh, phát huy được sức mạnh của cá nhân, tập thể trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu và phạm vi hình thức tổ chức thi đua phụ thuộc vào từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và mỗi cộng đồng chứ không phải tất cả đều giống nhau, có cái thi đua để phát huy, có cái thi đua để khắc phục, có cái thi đua để cống hiến hơn.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung thêm về phạm vi đối tượng, thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua để có quy định khuyến khích mọi hình thức thi đua với sự tham gia của đa dạng, đông đảo các thành phần, tầng lớp trong xã hội.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa – TP. Cần Thơ đánh giá cao việc dự thảo luật đã bổ sung và mở rộng các đối tượng được khen thưởng, như người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, các doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, kể cả các cá nhân, tập thể nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc mở rộng lần này sẽ huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước.
Đại biểu góp ý về thủ tục bình xét công tác thi đua, khen thưởng định kỳ và đột xuất, theo đó đề nghị Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này cần quan tâm khắc phục sự bất cập của luật hiện hành về việc quy định xét thi đua tính theo tỷ lệ.
Đại biểu cho rằng vì không có sự phân cấp, phân ngành, lĩnh vực rõ ràng trong tổ chức, đăng ký tham gia và bình xét thi đua, khen thưởng, nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang, còn phân định cấp trên với cấp dưới, nên hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua đôi lúc vẫn còn mang tính hình thức.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa phát biểu từ TP. Cần Thơ. |
Đối với quy định cần có thời gian liên tục trong công tác bình xét thi đua, đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nể nang, nhường thành tích, kết quả cho nhau để đảm bảo có thời gian liên tục.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Điện Biên cho rằng, so với Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung thêm nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Lý do bổ sung nguyên tắc này nhằm đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, khắc phục tình trạng khen thưởng cộng dồn thành tích, nuôi khen thưởng như trước đây.
Cũng về nguyên tắc khen thưởng, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, dự thảo luật không có điều khoản nào quy định về việc quan tâm khen thưởng tại địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa các nguyên tắc này trong dự thảo luật.
Trong khi đó, theo Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Bình Phước cho rằng, nhìn chung các quy định còn tập trung vào nhóm đối tượng tổ chức thực hiện thi đua, khen thưởng và nhóm đề nghị khen thưởng, chưa đề cập đến nhóm đối tượng trung gian là những người thực hiện thủ tục thi đua, khen thưởng. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo luật về hành vi nghiêm cấm đối với những người thực hiện trình tự, thủ tục thi đua, khen thưởng. Cụ thể, như hành vi cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong thi đua, khen thưởng.
Đại biểu Dương Minh Ánh - TP Hà Nội nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng tại hai kỳ họp Quốc hội. Về việc dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này đã bỏ đối tượng nhạc sĩ và phát thanh viên ra khỏi đối tượng được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, đại biểu đề nghị giữ lại đối tượng nhạc sĩ theo như Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành, bởi nhạc sĩ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo ra sản phẩm sáng tạo. Nếu các nhạc sĩ đảm bảo được các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định số lượng giải thưởng uy tín, số năm công tác đóng góp cho ngành văn hóa, nghệ thuật thì họ phải được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.
Đại biểu cũng đề nghị giữ nguyên thời gian xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú là 2 năm như quy định hiện hành để đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ, nhà giáo và nhà quản lý giáo dục.
Sau một buổi làm việc tích cực, nghiêm túc, khẩn trương đã có 31 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận.
Thay mặt cho cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu bày tỏ sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu để cùng với Ủy ban Xã hội và các cơ quan có liên quan bổ sung, hoàn thiện vào dự án luật để tới đây trình kỳ họp lần thứ 3 của Quốc hội vào tháng 6 tới.
Trước đó, ngày 23/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), sau đó đã tiến hành thảo luận ở tổ.
Qua báo cáo tổng hợp của Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi đại biểu Quốc hội, có 268 lượt ý kiến phát biểu về nội dung này. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã gợi ý 7 nội dung để đại biểu thảo luận về vấn đề cơ bản như việc sửa đổi, bổ sung các danh hiệu thi đua, tiêu chuẩn, xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức, đối tượng, thẩm quyền đề nghị khen thưởng, xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng.