📞

Sữa sẽ vào “khuôn khổ”?

09:29 | 10/08/2009
Sau nhiều ý kiến về giá sữa nhập khẩu đang bị “thả nổi”, Bộ Tài chính khẳng định sẽ thống nhất phân loại các mặt hàng sữa và có công văn gửi cơ quan chức năng về việc đề xuất điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng này.

Theo phương án 1 của Bộ Tài chính, sữa chưa pha thêm đường và chất tạo ngọt khác sẽ chịu thuế nhập khẩu 3%; các mặt hàng sữa bột khác thuộc nhóm 04.02 và 19.01 có thuế là 5%. Phương án 2 sẽ điều chỉnh sữa chưa pha thêm đường và chất tạo ngọt khác thuộc nhóm 04.02, sữa dùng cho y tế thuộc nhóm 19.01 và có mức thuế là 5%; các mặt hàng sữa khác thuộc nhóm 04.02 và 19.01 có thuế là 7%. Vụ Chính sách thuế  khẳng định sẽ không có chuyện tăng thuế suất đối với sữa nhập khẩu mà chỉ là sự điều chỉnh gộp lại mức thuế theo các nhóm hàng cho thống nhất và để “gọn” hơn trong cách tính thuế sữa nhập khẩu.Bộ Tài chính cho rằng, cách phân nhóm sữa nhập khẩu nhằm giải thích cách hiểu thống nhất đối với các mặt hàng sữa. Hy vọng sau khi có sự điều chỉnh về thuế của Bộ Tài chính, mặt hàng sữa sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.Trong tuần, theo phân tích của Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (Agroinfo), nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cùng với tác động của thị trường sẽ tạo áp lực đẩy giá thịt tăng lên so với những tháng đầu năm. Sức mua của thị trường vào thời gian này hồi phục với nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cùng với tác động của thị trường như lạm phát, giá xăng dầu tăng… sẽ tạo áp lực đẩy giá thịt tăng lên so với những tháng đầu năm.Theo các đại lý kinh doanh thép tại TP.Hồ Chí Minh, các hãng thép tiếp tục tăng giá bán thép thêm 150.000 đồng/tấn kể từ ngày 3/8. Do vậy giá bán thép trên thị trường cũng tăng tương ứng. Với mức tăng này, giá thép cuộn tăng lên 12,65 triệu đồng/tấn trong khi thép cây tăng lên 12,95 triệu đồng/tấn. Đợt tăng giá lần này nhà sản xuất chỉ tăng giá thép cuộn, nhưng trên thị trường thép cây cũng tăng giá. Mặt hàng có giá ổn định nhất trong thời gian qua là phân bón. Mặc dù đang là thời điểm xuống giống vụ hè thu 2009, nhưng giá bán lẻ trong nước biến động đáng kể, phân lân ở mức 2.500 đồng/kg; phân NPK, 12.200 đồng/kg. Tuy nhiên, do giá nông sản thời gian qua xuống thấp, nên tiêu thụ phân bón trong nước trầm lắng, tồn kho tăng, sản xuất phân lân và phân NPK tháng 7 tiếp tục giảm.Tại Ninh Thuận, vựa muối của cả nước, vùng khô hạn nổi tiếng, mưa đặc biệt hiếm vào mùa khô. Thế nhưng, theo một cán bộ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm nay trời mưa liên tục làm huyện Ninh Hải có gần 1.100 ha muối, vào tháng 6, tháng 7 về đồng muối không thấy một bóng người thu hoạch. Mọi năm, hết tháng 5 sản lượng muối của tỉnh đã đạt 50% kế hoạch (trên 100.000 tấn), năm nay chỉ đạt chưa đầy 50.000 tấn. Kế hoạch 200.000 tấn muối năm 2009 không thể hoàn thành.Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối cho biết, niên vụ 2009 diện tích muối tăng thêm gần 2.000 ha lên đến 14.404 ha. Đó là chưa kể đến 500 ha muối Quán Thẻ (Ninh Thuận) sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Dự kiến, sản lượng muối năm nay của cả nước đạt từ 1-1,1 triệu tấn. Nhưng do thời tiết không thuận, khiến sản lượng muối bị sụt giảm mạnh, ước còn khoảng 900.000 tấn. Trong khi đó, dự kiến nhu cầu muối năm nay khoảng 1,3 triệu tấn. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2009 mang về 245 triệu USD. Thế nhưng, từ đầu năm nay, Việt Nam cũng đã nhập về 134 triệu USD mặt hàng này, tăng 30,8% so cùng kỳ năm 2008. Giá nhập khẩu một số loại rau, quả cũng tăng liên tục từ tháng 4/2009 đến nay. Hiện Việt Nam nhập nhiều loại bắp cải, su hào, củ cải trắng, cà rốt, khoai tây, táo, cam, quýt, mận… từ Trung Quốc; măng cụt, sầu riêng, cam từ Thái Lan; nho từ Mỹ… Như vậy, nếu trừ giá trị nhập khẩu, thì thặng dư mậu dịch 7 tháng của mặt hàng rau quả chỉ còn 111 triệu USD, con số quả nhỏ so với tiềm năng sản xuất rau quả trong nước.Minh Huyền