Mọi chuyện bắt nguồn từ một sự cố hiếm thấy khi Tổng thống Bush đang có cuộc họp báo chung với Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki tại Baghdad hôm 14/12. Ông Bush đang cao hứng ca ngợi những tiến bộ đạt được trong cuộc chiến ở Iraq, bất ngờ từ hàng ghế phía dưới, một phóng viên đứng lên liệng liên tiếp hai chiếc giày về phía ông, miệng hô to bằng tiếng Ảrập: “Đây là nụ hôn tạm biệt của Iraq. Đây là của những góa phụ, những em bé mồ côi và những ai đã bị giết hại tại Iraq”. Vị Tổng thống được bảo vệ nghiêm ngặt nhất hành tinh đã phải cúi đầu tránh chiếc giày. Trong văn hoá Ảrập, ném giày được coi là hàng động biểu thị thái độ tức giận ghê gớm.
Tất cả đều… nhanh!
Vụ việc xảy ra nhanh, nhưng được ghi lại đầy đủ hình ảnh. Tác giả của hai cú ném giày rất nhanh đó là Muntazer al-Zeidi, 28 tuổi, phóng viên kênh truyền al-Baghdadiya TV có trụ sở tại Ai Cập. Chỉ vài giây sau, Zeidi bị lực lượng an ninh khống chế và có thể bị kết án đến 7,5 năm tù vì tội tấn công nguyên thủ nước ngoài.
Về phía mình, ông Bush không chỉ phản ứng nhanh, cúi đầu, né người, mà còn nhanh trí gỡ gạc bằng cách pha trò: “Tôi rất giỏi né... Nếu quý vị muốn biết, anh ta ném đôi giày cỡ 10 đấy”.
Trả lời phỏng vấn báo chí từ Nhà Trắng, Đệ nhất phu nhân Laura Bush lên tiếng: “Là người vợ, tôi coi đó là một vụ tấn công, bản chất sự việc là như thế”. Sau khi hết lời ca ngợi những gì chồng bà đã làm ở Iraq và Afghanistan, cuối cùng bà cũng phải thừa nhận: “Ông ấy nhanh thật. Đó chính là điều tôi thấy - ông ấy như là một vận động viên bẩm sinh”.
Dù tránh được đôi giày của Zeidi, song ông Bush không thể thoát cú đánh “hội đồng” của giới truyền thông, khi các kênh truyền hình vệ tinh Ảrập liên tục truyền đi hình ảnh ông khom người tránh giày. Còn với Zeidi, phản ứng ném giày đã khiến anh bỗng chốc trở thành người hùng tại Iraq và khắp thế giới Hồi giáo.
Đồng hành cùng “giày bay”
Zeidi gia nhập kênh truyền hình Al-Baghdadia hồi tháng 9/2005. Hành nghề được hai năm, anh bị những tay súng lạ mặt bắt giữ khi đang tác nghiệp ở một quận của người Sunni ở phía Bắc Baghdad. 3 ngày sau, Al-Zaidi được trả tự do khi các đài truyền hình Iraq lên tiếng kêu gọi những kẻ bắt cóc buông tha anh. Tháng 1/2008, Zeidi lại bị quân đội Mỹ ở Iraq bắt giữ nhưng được thả tự do ngay ngày hôm sau kèm theo lời xin lỗi do không thấy gì khả nghi. |
Ở cấp độ quốc gia, Zeidi bị coi là làm nhục quốc thể và xúc phạm nghiêm trọng đến nguyên thủ nước ngoài. Tuy nhiên, phóng viên “dũng cảm” này lại nhận được sự ủng hộ của toàn dân Iraq và thế giới Ảrập. Thực tế, đa số bài phóng sự của Zeidi đề cập cuộc sống của những người đàn bà góa, trẻ mồ côi và kém may mắn do chiến tranh.
Ngay trong Quốc hội Iraq cũng có phản ứng trái ngược về vụ Zeidi. Đến nỗi, khi các nhà lập pháp đang cãi lộn, Chủ tịch Quốc hội Mahmoud al-Mashhadani, lớn tiếng: “Thật không có chút danh dự nào khi đứng đầu Quốc hội này. Tôi tuyên bố từ chức”.
Ngay sau khi Zeidi bị bắt, hàng nghìn người biểu tình Iraq đã xuống đường gây sức ép với cảnh sát đòi trả tự do cho “người đàn ông giày”. Họ còn đề nghị dựng tượng về anh. Hơn 200 luật sư từ nhiều nước bày tỏ sẵn sàng bảo vệ lợi ích miễn phí cho Zeidi. Bà Aisha Qaddafi, con gái của nhà lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi, cũng tuyên bố Tổ chức từ thiện Wa Attassimou do bà đứng đầu quyết định trao tặng Huân chương dũng cảm cho Zeidi.
Một người đàn ông Ai Cập đã tuyên bố sẽ gả con gái “rượu” cho anh - cô Amal Sadd Gumaa, 20 tuổi, sinh viên khoa truyền thông ĐH Minya (Ai Cập) coi sự sắp đặt trên là một vinh dự.
Còn ở Bahrain, theo báo Akhbar Al Khaleej, doanh nhân Qureish Khan Buniri đã bày tỏ mong muốn được tặng chiếc Limousine 6 cửa hiệu Mercedes cho Zeidi. Một số người còn lên tiếng đề nghị mua lại “đôi giày lịch sử” với giá lên tới 10 triệu USD.
Sự cố hy hữu này cũng tạo ra niềm vui cho nhiều người. Ném giày vào Tổng thống Bush khiến Zeidi ngồi tù, nhưng nó lại tạo thêm hơn 100 chỗ làm ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi được cho là xuất xứ của đôi giày “lịch sử”. Ramazan Baydan, chủ công ty giày Baydan ở Istanbul, đang ngập trong các đơn hàng đến từ khắp thế giới, sau khi ông khẳng định rằng đôi giày da màu đen của Zeidi là do công ty ông làm ra. Baydan đã thuê thêm 100 nhân công để làm gấp rút 300.000 đôi giày, gấp 4 lần lượng sản phẩm bán ra hàng năm. Thậm chí, một nhà phân phối tại Anh yêu cầu được làm đại diện của hiệu giày này ở châu Âu.
Không chịu kém cạnh, nhiều địa chỉ Internet ngay lập tức khai thác sự cố bằng những trò chơi trực tuyến, trong đó người chơi cầm một chiếc giày ném thẳng vào mặt Tổng thống trong thời gian 30 giây, còn Thủ tướng Iraq thì nấp dưới gầm bàn (www.sockandawe.com) hoặc ở địa chỉ www.t-enterprise.co.uk/flashgame, người chơi vừa bắn vào ông Bush vừa nhìn một chiếc giày da bay về phía Tổng thống Mỹ. Nhiều trang web hy vọng những game tương tự sẽ hút được một lượng khách đáng kể dù có thể không bằng lượt xem video sự cố này trên Youtube (khoảng hơn 8 triệu lượt).
Lan tỏa trên chính trường
Tại cuộc họp báo tổng kết Hội nghị thượng đỉnh các nước Mỹ Latinh và vịnh Caribe hôm 17/12, Tổng thống chủ nhà Brazil Silva đã hài hước đề nghị các nhà báo không ném giày vào các nguyên thủ dự Hội nghị: “Xin các quý vị đừng ném giày. Ở đây thời tiết rất nóng, vì thế nếu ai đó tháo giày thì chúng tôi sẽ biết ngay lập tức qua mùi giày bốc lên”. Trong buổi làm việc chính thức, đích thân ông Silva còn đùa với người đồng nhiệm Venezuela rằng ông Hugo Chavez sẽ bị ném giày nếu nhà lãnh đạo này phát biểu quá thời lượng quy định. Đáp lại, ông Chavez quay ngay sang Ngoại trưởng Venezuela: “Ngài Maduro đi giày cỡ 48. Nếu như ông ấy tháo giày và ném vào ai đó thì người đó chắc chắn… vỡ sọ”.
Tất nhiên, đấy chỉ là những lời nói đùa. Song chiếc giày của Al-Zeidi rõ ràng đã “làm nên lịch sử” khi sáng 16/12, theo tường thuật của RIA Novosti, Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Dana Perino đã mở đầu cuộc họp báo bằng câu đùa: “Việc cởi và giao nộp giày trước khi vào phòng họp sẽ bắt đầu từ ngày mai”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Jianchao cũng cho biết sẽ chú ý đến các phóng viên cởi giày trong những cuộc họp báo. “Có thể từ giờ tôi nên chú ý không chỉ các phóng viên giơ tay để đưa ra câu hỏi mà cả những người cởi giày của họ nữa”, ông Liu nói.
Huỳnh Hạnh(Theo Telegraph, CNN, Ria Novosti, AFP)