Trong các kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ, ứng viên thường là đại diện của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Càng đến gần ngày bầu cử, hai ứng viên cũng như ban cố vấn chiến dịch tranh cử của họ sẽ phải làm việc vất vả để tranh thủ cao nhất sự ủng hộ của cử tri. Trong bối cảnh đó, việc tìm ra những điểm yếu của đối phương để tấn công là một trong những chiến thuật mà các ứng viên phải tận dụng.
Ở kỳ bầu cử Tổng thống lần này, khi cuộc đua vào chức Tổng thống Mỹ giữa hai ứng viên Clinton và Trump đang đến hồi gay cấn, thông tin liên quan đến sức khỏe của bà Clinton đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Theo đó, những thông tin được phổ biến cho thấy bà Hillary Clinton phải hủy buổi vận động tranh cử ở bang California hôm 12/9 sau khi được chẩn đoán viêm phổi. Trước đó, bà phải rời khỏi buổi lễ tưởng niệm nạn nhân khủng bố ngày 11/9 và được đưa về nhà con gái ở New York.
Bà Clinton được trợ lý dìu ra xe sau khi rời khỏi lễ tưởng niệm nạn nhân khủng bố ngày 11/9 ở New York. (Nguồn: Reuters) |
Theo BBC, bác sỹ riêng của bà Clinton cho biết, hiện tại bà đã khắc phục được tình trạng mất nước và “đang phục hồi tích cực”, đồng thời khẳng định bà Clinton “có sức khỏe tuyệt vời và phù hợp để làm Tổng thống Mỹ”. Vị bác sỹ này cũng nói rằng, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã hoàn toàn bình phục kể từ sau cuộc phẫu thuật tán cục máu đông năm 2012.
Cho dù lý giải như thế nào, những thông tin nói trên rõ ràng đã khiến bà Clinton, năm nay 68 tuổi, rơi vào thế bất lợi lớn trong cuộc tranh cử. Trước mắt, bà Clinton sẽ khó khăn trong việc tiếp tục lịch trình tranh cử đầy bận rộn trong thời gian chạy nước rút này. Một số nguồn tin còn cho biết, đảng Dân chủ đang ráo riết tìm ứng viên thay thế bà Clinton trong trường hợp bà không thể tiếp tục tranh cử và phải quyết định rút lui.
Bà Clinton đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề sức khỏe. (Nguồn: New Republic) |
Trong khi đó, phe Cộng hòa đã ngay lập tức tận dụng cơ hội để đặt ra nhiều câu hỏi về tình trạng sức khỏe của bà Clinton, nghi ngờ rằng liệu bà có đủ sức khỏe để đảm nhiệm cương vị lãnh đạo nước Mỹ hay không. Những thông tin này cũng nhanh chóng tạo lợi thế cho ứng viên Trump khi lần đầu tiên ông dẫn trước bà Clinton về tỷ lệ ủng hộ. Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos, 40% cử tri được khảo sát ý kiến nói họ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, trong khi chỉ 39% nói sẽ chọn bà Clinton. Tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Clinton trong cuộc thăm dò đã liên tục giảm sút kể từ hôm 25/8, khiến bà không còn giữ được khoảng cách dẫn trước 8 điểm phần trăm trước đó nữa.
Các ứng viên Tổng thống Mỹ trước đây đều cung cấp thông tin về tình trạng sức khỏe của họ. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử năm 2008, ứng cử viên Cộng hòa John McCain đã cho các nhà báo xem 1.173 trang hồ sơ sức khỏe của ông sau khi có tin đồn ông bị ung thư. Điều đó cho thấy vấn đề sức khỏe là vấn đề hết sức quan trọng và có thể sẽ là rào cản lớn nhất đối với hy vọng trở thành Tổng thống Mỹ của bà Clinton, khi cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa bà Clinton và ông Trump sẽ diễn ra vào ngày 26/9 tới.