📞

Sức khỏe doanh nghiệp nhà nước thế nào?

10:30 | 25/01/2013
Báo cáo công bố tại buổi làm việc thường niên giữa Chính phủ và đại diện các "quả đấm thép" trong nền kinh tế cho thấy tình hình thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2012 đã cải thiện đáng kể so với 2011.
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại Hội nghị Chính phủ với Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, năm 2012, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước chỉ đạt 14,84%, giảm 4,16% so với năm 2011. Trong tổng số 73 đơn vị, khoảng 46,5% các doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn dưới 10%. Nhóm các tập đoàn lãi cao (trên 20%) chỉ chiếm 23%.

Giảm lỗ nhưng hiệu quả vẫn thấp

Như vậy, không ít tập đoàn, tổng công ty đã không đạt được mục tiêu sản xuất, kinh doanh và nộp ngân sách đề ra, trong đó có những trường hợp như Tổng công ty Cà phê hay Lương thực Miền Nam chỉ đạt khoảng một nửa so với kế hoạch đề ra. Có 2 đơn vị để xảy ra thua lỗ (không kể Vinashin) là Tổng công ty Viễn thông toàn cầu và Tổng công ty Xây dựng đường thủy.

Trước đó, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới – phát triển doanh nghiệp, trong năm 2012, tổng lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty là 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2011. Tổng số tiền nộp vào ngân sách đạt 294.000 tỷ đồng, giảm 12% so với năm ngoái.

Báo cáo của Ban cũng nêu rõ, lỗ phát sinh trong năm 2012 của các đơn vị là 2.253 tỷ đồng. 10 đơn vị có lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính. Tổng lỗ lũy kế của các ông lớn này đến cuối 2012 là 17.730 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so với báo cáo năm 2011, tình hình lỗ của các tập đoàn đã được cải thiện đáng kể. Đến cuối năm 2011, tổng các khoản lỗ lũy kế của 13 tập đoàn, tổng công ty lên tới 48.988 tỷ đồng, trong đó EVN đóng góp phần 78% số lỗ này khi lỗ lũy kế tới 38.104 tỷ đồng.

Trong khi hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty hiện lên tới gần 1,335 triệu tỷ đồng, tương đương 1,82 lần vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này được đánh giá vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng xét riêng rẽ tại một số đơn vị, tỷ lệ này đã vượt giới hạn cho phép, “cá biệt có nơi rất cao”. Trong tổng nợ phải trả, hiện công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty đang nợ nước ngoài khoảng 158.900 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với năm 2011. Một số đơn vị có số nợ nước ngoài lớn là EVN, Vietnam Airlines, Tổng công ty Phát triển đường cao tốc…

Đánh giá về những kết quả nêu trên, bên cạnh những mặt được, Trưởng ban chỉ đạo Đổi mới – phát triển doanh nghiệp – Phạm Viết Muôn cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động tìm kiếm giải pháp vượt khó, còn tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động thực hiện tái cơ cấu.

“Còn Vina nào nữa không?”

Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi về tình hình sản xuất - kinh doanh cũng như nhiệm vụ của các "đầu tàu" nền kinh tế năm 2013. Ghi nhận những đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đối với nền kinh tế, thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm “làm được”, người đứng đầu Chính phủ quyết liệt phân tích cụ thể những "mảng màu tối", vấn đề tồn đọng mà các "quả đấm thép" vẫn còn chưa khắc phục hoặc khắc phục chưa tốt.

Câu chuyện Vinalines được nhắc lại. Thủ tướng nói: “Người ta nói liệu sẽ còn những Vina nào nữa? Có thể chỉ một cá nhân, nhưng thiệt hại tiền tỷ như vậy, ai mà không xót ruột. Nhân dân phê bình như vậy là đúng lắm”. Người đứng đầu Chính phủ trăn trở và cho rằng đây là những nguy cơ không thể coi thường. Trong đó, tham nhũng là vấn đề được Thủ tướng đặc biệt lưu ý khi phân tích về khuyết điểm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo ông, tham nhũng đã làm xấu hình ảnh tập đoàn.

Thủ tướng cũng lưu ý tới quá trình đổi mới quản trị, tái cơ cấu hiện vẫn còn quá chậm (chỉ 13 đơn vị được cổ phần hóa trong năm 2012). Đồng ý với các doanh nghiệp phải căn cứ vào điều kiện thị trường để chào bán cổ phần, nhưng Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị này phải có lộ trình cụ thể để thoái vốn. Theo Thủ tướng, việc các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành trong giai đoạn trước đây là không sai về mặt pháp luật, nhưng thực tế cho thấy không hiệu quả. “Không hiệu quả thì cần rút vốn, nhưng đầu tư có kế hoạch thì thoái vốn cũng cần có lộ trình, không bán tài sản theo kiểu hoảng loạn, bỏ chạy là rất nguy hiểm”, Thủ tướng nói. Một nội dung khác, đó là mở "room" cho khối ngoại, cho nhà đầu tư nước ngoài. Song, ở phương án này, việc lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng yêu cầu phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, tránh vội vàng làm thất thoát nguồn lực nhà nước.

Cuối cùng, trong năm 2013, kế hoạch mà Chính phủ đặt ra là phải đạt tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn, song báo cáo lên Thủ tướng, chỉ tiêu của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lại giảm so năm 2012. Với thực tế “không ổn đó”, Thủ tướng yêu cầu, các doanh nghiệp phải khẩn trương rà soát hoạt động, phấn đấu thực hiện cao nhất những nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao.

Thu Thủy