📞

Sức sống mới của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Nguyệt Anh 09:34 | 22/02/2023
Trong bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, những quan điểm, nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đã mang nội hàm và sức sống mới.
ĐBQH Bùi Hoài Sơn khẳng định, Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đã chứng minh được sự đúng đắn, định hướng cho sự phát triển văn hóa cũng như phát triển đất nước.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tổ chức tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới.

Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, ĐBQH Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, những tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng văn hóa của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đã thực sự tạo ra sức mạnh tổng hợp, để đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

3 nguyên tắc của xây dựng văn hóa luôn được kế thừa, làm mới

Sau 80 năm ra đời, theo nhiều nhận định, Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị. Ông đánh giá thế nào về Đề cương này trong dòng chảy chính sách của Đảng?

Đánh giá chặng đường lịch sử 80 năm kể từ khi Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời, chúng ta có thể nhận thấy tư tưởng sâu sắc, mang tính dẫn đường về xây dựng nền văn hóa cách mạng với những nguyên tắc như dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, đã thực sự tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia, để đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong dòng chảy chính sách văn hóa của đất nước, những nguyên tắc căn bản này luôn được kế thừa và phát triển, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của đất nước, để văn hóa thực sự "soi đường cho quốc dân đi", trở thành hệ điều tiết, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, nếu văn hóa kháng chiến là sự kết tinh của tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm giải phóng dân tộc, diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, giặc dốt, thì trong thời bình, hội nhập quốc tế lại là khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, văn hóa làm nên sức mạnh mềm, bản lĩnh và sự tự tin Việt Nam.

Văn hóa khi kết tinh thành các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam sẽ trở thành lực lượng dẫn dắt sự phát triển của mỗi con người và toàn dân tộc, lan tỏa niềm tin và sự tự hào Việt Nam.

Tính thời sự và giá trị của 3 nguyên tắc “Dân tộc, khoa học, đại chúng” được vạch ra từ Đề cương cho đến nay thế nào, thưa ông?

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 như một cương lĩnh chính trị quan trọng đầu tiên của Đảng về văn hóa. Chỉ sau 13 năm kể từ ngày thành lập (1932), Đảng ta đã xây dựng một chiến lược phát triển văn hóa, mở ra một mặt trận mới (cùng với chính trị và kinh tế), để hình thành nên sức mạnh cho dân tộc. Trải qua thời gian, 3 nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương đã chứng minh được tính đúng đắn, đồng thời định hướng cho sự phát triển văn hóa, cũng như phát triển đất nước.

Trên thực tế, kể từ sau năm 1943, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận nhằm phát triển văn hóa, đáng lưu ý nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII), Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Khóa XI), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

"Trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng văn hóa phiền phức, mê tín dị đoan phát triển trở lại, những tư tưởng sáng suốt của Đề cương một lần nữa cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng".

Các văn kiện này đã cụ thể hóa 3 nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương. Qua các lần bổ sung ấy, những nội dung mới như nguyên tắc dân tộc hóa đã được bổ sung những giá trị của thế giới để trở thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ở đó, cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu.

Đối với nguyên tắc khoa học hóa, chúng ta cần hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Đồng thời, nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, của kinh tế tri thức và xã hội học tập trở thành nhiệm vụ xuyên suốt qua các nghị quyết của Đảng về văn hóa.

Bên cạnh đó, quan điểm xây dựng và phát triển vǎn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng là sự bổ sung cho nguyên tắc đại chúng hoá trong phát triển văn hóa của Đảng.

Trong đó, nhấn mạnh: “Mọi người Việt Nam phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, vǎn minh đều tham gia sự nghiệp xây dựng và phát triển nền vǎn hóa nước nhà. Công nhân, nông dân, trí thức là nền tảng khối đại đoàn kết toàn dân, cũng là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức gắn bó với nhân dân giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vǎn hóa”.

Tất cả những minh chứng trên cho thấy, ba nguyên tắc quan trọng của xây dựng văn hóa luôn được kế thừa, làm mới để tạo ra sức sống mới, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của cách mạng Việt Nam, để ngọn đuốc soi đường của văn hóa tạo nên sức mạnh của dân tộc.

Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943. (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Văn hóa là hệ điều tiết cho sự phát triển của xã hội

Trong bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, theo ông, những quan điểm, nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương đã thể hiện tính đúng đắn ra sao?

Từ 3 nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa, giờ đây, văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

Vì văn hóa liên quan đến toàn bộ xã hội, nên những nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa cần phải được thẩm thấu vào trong toàn bộ hệ thống luật pháp, trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước và từng địa phương. Từ đó, giúp lan tỏa sức sống lâu bền của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 với sự phát triển đất nước trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực, là hệ điều tiết của sự phát triển xã hội, là những quan điểm cơ bản cho sự phát triển văn hóa ngày nay đã bắt nguồn từ những tư tưởng đầu tiên của Đảng về phát triển nền văn hóa Việt Nam dân tộc, đại chúng, khoa học này.

Văn hóa - ở một phương diện nào đó chính là thói quen của con người, từ đó hình thành nên phong tục tập quán, truyền thống của một dân tộc. Vì thế, văn hóa khó có thể xem xét dưới góc độ khoa học.

Nói cách khác, người ta khó dùng khoa học để soi sáng những vấn đề của văn hóa. Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời đưa một ánh sáng mới trong việc xử lý những vấn đề của văn hóa: hướng người dân đến với mức độ phát triển của văn hóa, đó là văn minh.

Trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng văn hóa phiền phức, mê tín dị đoan phát triển trở lại, những tư tưởng sáng suốt của Đề cương một lần nữa cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng.

Để Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 có sức sống mới và những giá trị căn bản tiếp tục được phát huy trong bối cảnh ngày nay, theo ông, giải pháp ở đây là gì? Chúng ta cần cập nhật những nội dung mới, phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại ra sao?

Để phát huy hơn nữa giá trị của bản đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, chúng ta sẽ cần tập trung làm rõ, cập nhật những nội hàm mới của ba nguyên tắc dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa trong bối cảnh xã hội hiện nay.

"Quá trình phát triển văn hóa của chúng ta là 'gạn đục khơi trong', những gì tốt thì phải phát huy, những gì xấu phải bỏ, chưa phù hợp thì sửa đổi cho phù hợp. Đó là nguyên tắc phát triển văn hóa trong bối cảnh hôm nay".

Trên cơ sở đó, cụ thể hóa những nguyên tắc này trong các chương trình hành động, đề án, kế hoạch, đặc biệt là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, để từ đó định hướng sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tiếp đó, chúng ta cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền để những giá trị của bản đề cương được thẩm thấu tốt hơn vào toàn xã hội qua nhận thức đúng đắn của mọi người. Những ví dụ hay, bài học tốt cũng cần được lan tỏa để những giá trị của bản đề cương trở thành định hướng cho sự phát triển nhân cách, đạo đức của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành văn hóa trong việc phát huy giá trị của bản đề cương, chúng ta rất cần sự quan tâm, chung tay, góp sức của toàn xã hội để tinh thần của bản đề cương dẫn dắt sự phát triển văn hóa của đất nước.

Lan tỏa văn hóa cần bàn tay, khối óc giới trẻ

Trong bối cảnh hiện đại, văn hóa phát triển như thế nào để phù hợp với công cuộc hội nhập của đất nước?

Hiểu theo nghĩa rộng, văn hóa có cả yếu tố tích cực, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển đất nước. Nhưng bên cạnh đó, văn hóa cũng có yếu tố tiêu cực, hạn chế, ảnh hưởng xấu.

Quá trình phát triển văn hóa của chúng ta là “gạn đục khơi trong”, những gì tốt thì phải phát huy, những gì xấu phải bỏ, chưa phù hợp thì sửa đổi cho phù hợp. Đó là nguyên tắc phát triển văn hóa trong bối cảnh hôm nay.

Trong bối cảnh đất nước tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, những quan điểm, nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương đã mang nội hàm và sức sống mới. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là sự kế thừa gần gũi nhất của Đề cương, khi mà tiên tiến thể hiện nguyên tắc khoa học, đậm đà bản sắc dân tộc bổ sung giá trị cho nguyên tắc dân tộc trong Đề cương.

Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong vǎn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ.

Cùng với việc giữ gìn và phát triển những di sản vǎn hóa quý báu của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa vǎn hóa thế giới, sáng tạo, vun đắp nên những giá trị mới, phải tiến hành kiên trì cuộc đấu tranh bài trừ các hủ tục, các thói hư tật xấu, nâng cao tính chiến đấu, chống mọi âm mưu lợi dụng vǎn hóa để thực hiện "diễn biến hòa bình".

Vậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn của ông?

Giới trẻ chính là tương lai của đất nước, vì thế, bất kể một công việc gì, kể cả việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam, khi có sự chung tay, nhiệt tình tham gia của giới trẻ cũng sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.

Theo tôi, giới trẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển văn hóa vì chính sự năng động, sáng tạo của họ đã tạo ra những chất liệu mới, sức sống mới cho các hiện tượng văn hóa, để văn hóa phù hợp hơn với bối cảnh thời đại. Văn hóa phải luôn tiếp biến trên cơ sở gìn giữ giá trị cũ, từ đó tạo dấu ấn.

Chúng ta thấy, nhiều sản phẩm nghệ thuật ngày nay qua bàn tay, tài trí của giới trẻ đã nhận được sự quan tâm rộng rãi hơn của người dân thế giới. Ví dụ, bản nhạc Ghen Cô Vy cũng đã truyền cảm hứng cho nhân dân thế giới trong thời đại dịch Covid-19, gần đây bài hát See tình của Hoàng Thùy Linh cũng có những dấu ấn nhất định. Để lan tỏa, quảng bá văn hóa Việt Nam, rất cần bàn tay, khối óc của giới trẻ.

Nói như thế để chúng ta thấy rằng, thực ra giới trẻ không quay lưng lại với văn hóa dân tộc. Chúng ta cũng không thiếu các bạn trẻ tài năng, luôn hào hứng và tâm huyết khai thác những giá trị văn hóa dân tộc để tạo ra những dấu ấn của riêng họ và có lợi cho đất nước.

Vì thế, hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, chúng ta phải tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để họ chung tay, chung sức nhiều hơn với sự phát triển văn hóa của đất nước, đồng thời tạo ra bản lĩnh và sự tự tin cho chính giới trẻ trong quá trình hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn ông!