📞

Sức trẻ ở Cộng hòa Trung Phi

VĂN AN 14:00 | 30/03/2024
Những người lính trẻ Việt Nam đầy nhiệt huyết, tự tin đảm nhiệm các công tác nhiều thách thức ở mảnh đất châu Phi còn tồn tại bất ổn.

Trong bộ quân phục gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), những người lính trẻ tràn đầy nhiệt huyết của Chi đoàn cơ sở Tổ công tác Cộng hoà (CH) Trung Phi cùng nhau rèn luyện và trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tự tin đảm nhiệm các vị trí công tác nhiều thách thức ở mảnh đất châu Phi còn tồn tại nội chiến, bất ổn.

Đó là hình ảnh ba người lính trẻ với ba cá tính khác nhau, đại diện cho những phẩm chất của đoàn viên thanh niên thời đại mới hội nhập quốc tế: Đam mê khám phá, nhạy bén và linh hoạt.

Đại úy Phương Linh cùng bạn bè quốc tế trong một lần công tác thực địa tại Tiểu đoàn Cameroon. (Nguồn: Cục GHBH Việt Nam)

Nữ Bí thư nhiệt huyết tinh thần hội nhập quốc tế

Người phụ nữ hiện đại, năng động, trẻ trung và hội nhập là những miêu tả về Đại úy Nguyễn Phương Linh – Bí thư Đoàn Tổ công tác CH Trung Phi thông qua nhiều hoạt động truyền thông về lực lượng chiến sĩ mũ nồi xanh gần đây.

Được biết, trong lần triển khai tại Phái bộ GGHB LHQ lần này, Linh được thử sức trong vai trò sĩ quan truyền thông - một “người lính chiến trường” với “vũ khí” là cây bút và chiếc máy ảnh.

Tại Phái bộ GGHB LHQ CH Trung Phi (MINUSCA), vượt qua thời tiết khắc nghiệt, tác nghiệp ở những địa bàn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thách thức luôn ở phía trước nhưng Phương Linh vẫn nổi bật với hình ảnh nữ phóng viên quân sự nhỏ nhắn nhưng hoạt bát, luôn bám sát nhân vật để kịp thời ghi lại những thước phim và khoảnh khắc quan trọng.

Khi được hỏi về những cái “được” mà công việc mang lại, Phương Linh chia sẻ về những trải nghiệm, cơ hội được tiếp cận với nhiều nền văn hóa, gặp gỡ, giao lưu cùng bạn bè quốc tế.

Nhớ lại lần công tác gần nhất tại đơn vị hàng không Tunisia, Linh tháp tùng Tổng tham mưu trưởng lực lượng tại phái bộ tới kiểm tra đơn vị. Cô rất vui khi được tham gia cùng lực lượng tuần tra đường không, ghi lại được những hình ảnh vô cùng ý nghĩa về công việc của những người lính không quân nơi đây. Những tư liệu quý giá ấy đã được bầu chọn là một trong những hình ảnh ấn tượng đăng tải trên các kênh truyền thông của phái bộ.

Với chiếc máy ảnh, Linh đã lan tỏa những hình ảnh đẹp về nữ quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam trên trang ảnh Tạp chí Phái bộ MINUSCA với hơn 3.000 ấn phẩm được cấp phát rộng rãi tại phái bộ.

Bên cạnh đó, Linh cũng tạo được dấu ấn với loạt phóng sự về vai trò của phụ nữ quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ.

Đại úy Phương Linh cũng góp phần truyền tải những hình ảnh chân thực nhất về những người lính Việt Nam làm nhiệm vụ GGHB LHQ qua nhiều dự án truyền thông, như phóng sự “Tết đoàn viên tại châu Phi” và “Cảm hứng bất tận, về bên gia đình” được phát sóng trên các kênh truyền hình quốc gia của Việt Nam.

Thượng úy Sơn Tùng trong chuyến làm việc tại đơn vị Đặc công Bangladesh. (Nguồn: Cục GGHB Việt Nam)

Thượng úy đam mê khám phá

Thượng úy Lê Sơn Tùng - một chàng trai đến từ Hà Nội có niềm đam mê với những chuyến đi và thử thách.

Có lẽ nhờ tính cách đó, Tùng đã được lựa chọn đảm nhiệm vị trí sĩ quan tham mưu trang bị - nhiệm vụ chính là tham gia đoàn công tác đến kiểm tra trang thiết bị của các đơn vị quân đội và cảnh sát trên khắp lãnh thổ Trung Phi.

Với đặc thù công việc di chuyển dài ngày, Tùng hiểu rõ những khó khăn phải đối mặt, thậm chí cả nguy cơ mất an toàn khi đi qua địa bàn hoạt động các nhóm vũ trang nhưng những mối bận tâm ấy chưa một lần làm Tùng hết háo hức.

Đối với Tùng, mỗi chuyến đi là một hành trình tìm hiểu về đơn vị quốc tế, được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tích luỹ kiến thức để có nhiều đóng góp cho lực lượng GGHB Việt Nam đang đóng quân theo hình thức đơn vị ở các Phái bộ khác.

Điều đặc biệt ở Tùng có lẽ là cuốn sổ tay luôn mang bên người, trong đó là cả một “kho tàng câu chuyện” được ghi lại từ những trải nghiệm về cuộc sống và công việc trong thời gian công tác tại mảnh đất Trung Phi. Trong “kho tàng” ấy, Thượng uý Sơn Tùng nắn nót ghi lại những câu chuyện chân thực về sự thiếu thốn của người dân ở một tỉnh phía Nam; hay trải nghiệm ngột ngạt khi di chuyển qua khu vực dân cư của một tỉnh xa xôi phía Bắc, nơi mà ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang từ Sudan khiến người dân luôn mang theo vũ khí phòng thân và hướng ánh nhìn dò xét về phía người lạ một cách cẩn trọng....

Dù là câu chuyện vui, buồn hay gay cấn thì đối với chàng sĩ quan trẻ, mỗi câu chuyện đều cho anh hiểu hơn về giá trị của yêu thương và hoà bình. Ngoài cơ hội biết thêm văn hóa, cuộc sống của cư dân bản địa, những chuyến công tác còn bồi đắp thêm cho Tùng nhiều kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáng quý, mở ra cơ hội học hỏi, giao lưu văn hóa, đồng thời quảng bá hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam đến các nước bạn.

Thượng úy Hải Duy luôn là một người bạn gần gũi, thân thiết với người dân và trẻ em địa phương. (Nguồn: Cục GGHB Việt Nam)

Sĩ quan nhạy bén và linh hoạt

Là một trong những Đoàn viên nhận nhiệm vụ tại nơi xa xôi hẻo lánh nhất của CH Trung Phi, Thượng úy Nguyễn Hải Duy đang đảm nhiệm vị trí sĩ quan thu thập thông tin tình báo.

Đây là công việc đòi hỏi sự sắc sảo, tinh ý, nhất là tại một quốc gia còn nhiều bất ổn, thường xuyên xảy ra xung đột. Việc xử lý một khối lượng lớn thông tin liên quan đến các nhóm tổ chức vũ trang luôn cần nhạy bén với tin tức và linh hoạt trong điều phối công việc.

Duy chia sẻ về những lần nhận được thông tin gây nhiễu, phải trực tiếp đi thực địa xác minh là điều không hề dễ dàng.

Mỗi khi bước ra khỏi doanh trại, Duy luôn phải lường trước sự nguy hiểm tiềm ẩn khi đi qua những chốt kiểm tra của phiến quân, chuẩn bị trước những phương pháp tiếp cận với người dân tại địa bàn theo từng hoàn cảnh để có được những thông tin chính xác, tránh gây ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch của phái bộ. Thức khuya hay xử lý gấp tin tức về các sự vụ xảy ra trong đêm dường như là điều bình thường, luôn thường trực trong công việc mà Thượng uý Duy đang đảm nhiệm.

Nhưng cũng chính từ những cơ hội làm việc trực tiếp như vậy, Duy đã tạo dựng được lòng tin và sự yêu thương từ người dân địa phương, trở thành người bạn thân thiết của họ.

Duy chia sẻ thêm, càng đi sâu vào cuộc sống người dân mới càng hiểu thêm về những khó khăn và nguy hiểm mà họ phải đối mặt, không chỉ đói nghèo, mà còn là những tranh chấp xung đột vũ trang luôn rình rập quanh từng ngôi làng, ngõ xóm.

Chính sự đồng cảm đó đã trở thành sợi dây kết nối để Duy có thể nhận được hỗ trợ từ người dân địa phương trong nhiều tình huống xử lý công việc ngoài thực địa của mình.

Có thế thấy, những câu chuyện về Chi bộ đoàn viên tại CH Trung Phi là minh chứng rõ ràng cho sự hội nhập quốc tế, đam mê khám phá và nhạy bén sáng tạo. Đây không chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ mà còn là hành trình khám phá văn hóa, tạo ra giá trị mới cho xã hội và giao lưu với cộng đồng quốc tế.

Đối với Chi bộ đoàn viên tại CH Trung Phi, mỗi cá nhân đoàn viên thanh niên chính là một sứ giả hòa bình, không chỉ đại diện cho lớp trẻ thanh niên ưu tú, mà còn là hình ảnh của nhân dân Việt Nam cởi mở, thân thiện, và thủy chung trong mắt bạn bè thế giới.