📞

Suy thoái dân số đe dọa tương lai loài người

08:07 | 09/09/2017
Dự báo về Triển vọng dân số thế giới của Liên hợp quốc cho thấy, một trong những mối quan tâm toàn cầu trong 100 năm tới sẽ là hiện tượng suy giảm dân số.

Vào thế kỷ 20, nhà nhân khẩu học Thomas Malthus từng quan ngại, bùng nổ dân số sẽ khiến những nguồn lực sẵn có trên thế giới ngày càng thu hẹp. Những lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở khi chỉ sau 67 năm, dân số thế giới đã tăng lên gấp 3 lần, lên tới 7,55 tỷ người và trong 83 năm tới, con số này dự kiến sẽ đạt mức 11,18 tỷ người.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là thời điểm này, thay vì lo lắng vì bùng nổ dân số, theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Dân số thuộc Đại học Ohio (Mỹ) John B. Casterline, trong 100 năm tới, mối quan tâm toàn cầu mà con người phải đối mặt lại là suy giảm dân số.

“Suy thoái dân số thế giới sẽ bắt đầu trong trong khoảng 100 năm tới. Và nhiều người trong chúng ta khó có thể sống đủ lâu để chứng kiến tận mắt điều này”, ông nói.

Lão hóa và suy giảm dân số có thể sẽ đe dọa tương lai loài người. (Nguồn: Infobae)

Một thế giới "neo người"

Báo cáo của Viện này cũng cho thấy, trong tương lai, dân số châu Âu sẽ giảm 12% từ 742 triệu xuống 653 triệu người. Trong khi đó, dân số châu Á và Mỹ Latin sẽ chỉ tăng từ 6 - 10%, từ 4,5 tỷ lên 4,78 tỷ người và từ 645 triệu lên 712 triệu người. Chỉ có châu Phi vẫn giữ động lực tăng dân số cao nhất trong thế kỷ tới, với mức tăng 255%, từ 1,25 tỷ lên 4,46 tỷ dân.

Nước có dân số sụt giảm nhanh nhất là Moldova, từ 4 triệu người giảm còn 1,9 triệu vào năm 2100. Jamaica cũng chịu chung số phận, khi chỉ còn 50% dân số, tương đương với 1,4 triệu người. Bulgaria và Puerto Rico cũng giảm 45% và 44% dân số, trong khi Ba Lan sẽ mất tới 17 triệu người so với hiện tại.

Trong khi đó, một nước Trung Quốc năm 2100 sẽ chỉ còn 1 tỷ người, giảm 27% so với hiện tại. Khi đó, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh, với dân số tăng 13% so với hiện tại và đạt mức 1,51 tỷ dân.

Duy trì dân số của đất nước đòi hỏi tỷ lệ sinh đẻ quốc gia phải được giữ ở mức 2,1 con/phụ nữ. Vào năm 2100, tỷ lệ sinh đẻ trên phạm vi toàn cầu sẽ chỉ đạt mức 1,97, kéo theo sự suy giảm dân số. Khi đó, chỉ còn châu Phi duy trì được con số này. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu sẽ phải đối mặt với tương lai đáng lo ngại, khi họ đã phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số từ những năm 1980, khi tỷ lệ sinh đẻ chỉ đạt mức 1,77 và 1,98.

Những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới vào năm 2100 sẽ là Singapore với chỉ số 1,45 và Yemen, từ 8,6 những năm 1980 giảm xuống chỉ còn 1,7 vào năm 2100.

Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. (Nguồn: Marketing-interactive)

Loài người khó tuyệt chủng

Nhiều người băn khoăn rằng, với tỷ lệ sinh thấp, liệu nhân loại có tiến tới nguy cơ tuyệt chủng? Nhà khoa học Casterline chia sẻ: "Nếu không có thảm hoạ về môi trường hay chiến tranh hạt nhân xảy ra trong tương lai, suy thoái dân số khó có thể khiến cho dân số thế giới tuyệt chủng”.

Nhà kinh tế người Czech Tomas Frejka cũng cho rằng loài người khó có thể tuyệt chủng trong vài thế kỷ tới. Theo ông, cấu trúc tuổi hiện nay đang đảm bảo sự tăng trưởng dân số trong tương lai khi số phụ nữ ở độ tuổi sinh nở đang gia tăng. Thậm chí nếu tỷ lệ sinh giảm, số trẻ em được sinh ra hàng nằm vẫn cao hơn số người qua đời.

Ngoài ra, tuổi thọ của con người cũng đang có xu hướng gia tăng, đạt mức 82,6 tuổi vào cuối thế kỷ này. Mỹ và châu Âu là khu vực có tuổi thọ cao nhất, tương đương với 89,9 và 89,3 tuổi, Người dân châu Phi có tuổi thọ kém nhất, nhưng cũng sẽ đạt mức 78,4 tuổi vào năm 2100.

Dù vậy, việc tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng sẽ khiến già hóa dân số trở thành một mối nguy toàn cầu trong tương lai. Ở thời điểm hiện tại, nhóm người từ 0 đến 14 tuổi chiếm 26% và những người từ 65 tuổi trở lên đang chiếm 8%. Vào năm 2100, nhóm người trên 65 tuổi sẽ chiếm tới 23%, trong khi chỉ còn 18% dân số thế giới thuộc nhóm người từ 0 đến 14 tuổi.

Chống già hóa dân số

Một trong những giải pháp để hạn chế quá trình già hóa dân số là thúc đẩy sự di chuyển nguồn nhân lực trẻ đến các quốc gia già hóa. Ví dụ, để duy trì cấu trúc dân số như hiện nay, Pháp sẽ cần 100 triệu người di cư trẻ trong 50 năm tới.

Trong khi đó, những quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng như Nhật Bản lại dành nguồn lực tài chính lớn để phát triển công nghệ robot nhằm hỗ trợ, chăm sóc cho người già thông qua tự động hóa.

Người già ở Nhật Bản. (Nguồn: Time)

Các chuyên gia nhân khẩu học nhận định, tuy già hóa dân số là một quá trình không thể đảo ngược nhưng tình hình có thể được cải thiện nếu tỷ lệ sinh đẻ được duy trì. Nhiều nước châu Âu đã ban hành các chính sách trợ sinh và cung cấp phúc lợi xã hội cho các cặp vợ chồng sinh con.

Tuy nhiên, chính sách này cũng đòi hỏi việc nâng cao bình đẳng giới trong lĩnh vực chăm sóc gia đình. Ngoài ra, một số Chính phủ cũng tăng cường hỗ trợ tài chính công cho các trung tâm giữ trẻ và có các chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em dưới 5 tuổi.

(theo Infobae)