📞

Suy thoái kinh tế ở Mỹ không phải điều quá kinh hoàng

Linh Chi 10:29 | 10/11/2022
Trong khi các nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo, một cuộc suy thoái sắp xảy ra tại Mỹ, thì Goldman Sachs - ngân hàng đầu tư quyền lực nhất Phố Wall vẫn lạc quan một cách thận trọng.
Kinh tế Mỹ sẽ suy thoái? (Nguồn: The Economic Times)

Đầu tuần này, Goldman Sachs nói với khách hàng rằng, 35% khả năng suy thoái sẽ xảy ra tại Mỹ trong 12 tháng tới. Mặc dù con số đó cao gấp đôi so với nguy cơ suy thoái bình thường, nhưng lại thấp hơn nhiều so với mức trung bình 63% trong cuộc khảo sát gần đây của tờ The Wall Street Journal .

Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs viết trong một báo cáo rằng: “Từ con số lạm phát cao của hiện tại đến lạm phát thấp trong tương lai, chúng tôi vẫn thấy, một con đường bốn bước và không có suy thoái kinh tế".

Nói cách khác, suy thoái tại Mỹ không phải là điều gì quá kinh khủng. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn có thể tạo ra một cuộc "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngược lại, mô hình của Bloomberg Economics được phát hành vào cuối tháng 10 đã xác định, nguy cơ suy thoái trong 12 tháng tới là 100%. Tương tự, mô hình xác suất do Ned Davis Research thực hiện cho thấy, khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu là 98,1% .

Nhưng ngân hàng đầu tư quyền lực nhất Phố Wall chỉ ra rằng, quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng kinh tế bền vững hơn “đã xảy ra và có vẻ lâu bền”. Ngân hàng này kỳ vọng, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ ở mức khoảng 1% trong năm tới.

Báo cáo công bố ngày 4/11 của Bộ Lao động Mỹ cho biết, số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng qua là 261.000 việc làm. Con số này cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế (200.000 việc làm) trong một cuộc thăm dò trước đó do hãng tin Reuters thực hiện.

Goldman Sachs nhận định, việc tái cân bằng thị trường việc làm “có vẻ đang đi đúng hướng”. Ngân hàng rất ấn tượng bởi thực tế là tốc độ tăng của tiền lương đã "hạ nhiệt", mặc dù vẫn ở mức cao.

Nhà kinh tế Hatzius viết: “Bước tiến đáng khích lệ nhất gần đây để dẫn đến một cuộc 'hạ cánh' nhẹ nhàng là tốc độ tăng của tiền lương đang chậm lại".

Song vấn đề lớn nhất mà nền kinh tế phải đối mặt đó là lạm phát cao. Đây vẫn là một thách thức lớn.

Ngân hàng đầu tư quyền lực nhất Phố Wall thừa nhận rằng, có "ít tiến bộ hơn" về giá cả. Các chỉ số lạm phát hầu hết đã ngừng trở nên tồi tệ nhưng chưa thể tốt lên.

(theo CNN)