Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin. (Nguồn: Real TV) |
Phát biểu với các phóng viên tại Ankara, Người phát ngôn Kalin nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai binh sĩ và củng cố lực lượng tại khu vực nhằm đảm bảo sự an toàn của khu vực (Idlib) cũng như dân thường tại đó".
Ông Kalin cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với kết quả của cuộc đàm phán với Nga về việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Idlib, sau khi cuộc tham vấn vòng 2 kết thúc tại Moscow.
Phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp những người đồng cấp Nga tại vòng 2 cuộc tham vấn, ngày 18/2, mà không đạt được thỏa thuận nào về Idlib, nơi các lực lượng Chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn tiến hành chiến dịch tấn công trong những tuần gần đây khiến một số binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và hàng loạt dân thường phải rời bỏ nhà cửa.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày tuyên bố, trong cuộc tham vấn này, hai bên đã tái khẳng định cam kết đối với các thỏa thuận hiện nay về tỉnh Idlib của Syria nhằm tìm cách giảm căng thẳng tại khu vực.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Hai bên tiếp tục thảo luận chi tiết về tình hình trên thực địa tại Syria với trọng tâm là tình hình tại khu vực giảm leo thang Idlib và tái khẳng định cam kết đối với các thỏa thuận hiện nay, quy định các biện pháp nhằm giảm căng thẳng và xoa dịu tình hình nhân đạo, trong khi vẫn tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố. Những người tham gia cuộc tham vấn lưu ý rằng việc đạt được an ninh và ổn định lâu dài tại Idlib cũng như các khu vực khác của Syria chỉ khả thi khi dựa trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước này".
Tuyên bố trên không đề cập tới yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ muốn các lực lượng Chính phủ Syria rút khỏi khu vực.
Vòng tham vấn đầu tiên diễn ra hồi tuần trước khi một phái đoàn Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về sự leo thang gần đây tại vùng giảm leo thang Idlib. Phái đoàn Nga bao gồm Đại diện đặc biệt của Tổng thống về Syria Alexander Lavrentyev, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Vershinin và các đại diện của Bộ Quốc phòng, trong khi đại diện cho phía Thổ Nhĩ Kỳ có Thứ trưởng Ngoại giao Sedat Onal và Cố vấn Tổng thống Ibrahim Kalin.
Cũng trong ngày 18/2, người đứng đầu Trung tâm hòa giải Syria của Nga, Thiếu tướng hải quân Oleg Zhuravlev tuyên bố, tình hình tại các khu vực ở Đông Bắc Syria, được liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu kiểm soát, tiếp tục xấu đi do các lực lượng Mỹ tại khu vực tiếp tục cung cấp một số lượng lớn vũ khí và đạn dược cho các nhóm vũ trang bất hợp pháp.
Phát biểu họp báo, Tướng Zhuravlev nêu rõ: "Bộ Chỉ huy Mỹ tại khu vực đang làm cho vùng lãnh thổ phía Đông sông Euphrates ngập tràn vũ khí và đạn dược. Kể từ đầu năm 2020, 13 đoàn xe quân sự từ Iraq tới Syria, trong đó có 80 xe thiết giáp và hơn 300 xe tải chứa nhiều loại vũ khí, đạn dược và trang thiết bị. Vũ khí do các lực lượng Mỹ cung cấp được sử dụng cả trong các cuộc đụng độ với một số nhóm phiến quân ở lãnh thổ phía Đông sông Euphrates, cũng như để chống lại binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và dân thường tại miền Bắc Syria".