Thổ Nhĩ Kỳ khởi động chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực Đông Bắc Syria. (Nguồn: VCG) |
Kênh truyền hình này cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công nhằm vào khu vực Tal Tawil nằm dưới quyền kiểm soát của SDF ở vùng nông thôn phía Đông Bắc của tỉnh Hasakah, Đông Bắc Syria, đồng thời gọi chiến dịch của Ankara là một “hành động xâm lược”.
Trước đó, ngày 7/10, phản ứng về chiến dịch này của Ankara, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Điện Kremlin biết cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị của Syria là nhằm tìm kiếm giải pháp cho Syria và các vấn đề khác. Chúng tôi hy vọng rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuân thủ nguyên tắc này trong mọi trường hợp".
Ông Peskov cho biết, Điện Kremlin đã kêu gọi tất cả các lực lượng ở Syria tránh những hành động có thể cản trở cho giải pháp hòa bình tại đây. Moscow thừa nhận rằng, các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nhằm đảm bảo an ninh của chính nước này, trong đó có chiến đấu chống các phần tử khủng bố đang ẩn náu tại Syria.
Cũng như Nga, Người Phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà Ulrike Demmer cho biết, Berlin nhận thức được "tình hình chính sách an ninh đặc biệt" mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt ở khu vực biên giới nước này, tuy nhiên, bà này bày tỏ quan ngại trước kế hoạch triển khai chiến dịch quân sự của Ankara khi cho rằng, sự can thiệp như vậy có thể gây thêm bất ổn cho Syria.
Trong khi đó, Người Phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nhấn mạnh: “Bộ Quốc phòng đã nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ, như Tổng thống đã nói, chúng tôi không công nhận chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. Các lực lượng vũ trang của Mỹ sẽ không hỗ trợ hoặc, không dính líu tới bất cứ chiến dịch nào như vậy”.
Cũng theo ông Hoffman, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mark Milley đã nói với “những người đồng cấp liên quan của Thổ Nhĩ Kỳ rằng, hành động đơn phương sẽ gây ra những rủi ro cho Thổ Nhĩ Kỳ”.
Cũng liên quan đến cuộc tấn công nói trên, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày đe dọa: “Như tôi đã tuyên bố mạnh mẽ trước đây và chỉ nhắc lại, nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm bất cứ điều gì mà tôi cho là vượt ra ngoài các giới hạn, tôi sẽ phá hủy và triệt tiêu hoàn toàn nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ (như đã làm trước đây)!”.
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington không ủng hộ cuộc tấn công đã được lên kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực Đông Bắc Syria bởi động thái này sẽ không làm cho khu vực trở nên an toàn hơn trước những mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cũng theo quan chức trên, Mỹ chỉ rút một số lượng rất nhỏ binh sĩ ra khỏi các khu vực thuộc miền Bắc Syria dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hoạt động rút quân chỉ liên quan đến “2 biệt đội rất nhỏ” - tổng cộng chưa tới 25 người - và các binh sĩ này mới di chuyển được “một quãng đường rất ngắn”. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ vẫn duy trì hoạt động kiểm soát không phận phía Đông Bắc Syria.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly khẳng định, Paris sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động rút quân Mỹ khỏi miền Bắc Syria và cho rằng: “Chúng tôi đặc biệt cảnh giác rằng, một động thái như vậy, đi ngược lại các mục tiêu của liên minh (chống IS), có thể củng cố sức mạnh của IS hơn là làm suy yếu hoặc tiêu diệt lực lượng này”.