T2 Mumbai nếu nhìn từ xa thì giống một sân vận động, đến gần thì ngỡ nhà hát, qua cửa thì tưởng lâu đài, đi tiếp thì nghĩ thánh đường. Vào tận nơi thì đó là một nhà ga hàng không được thiết kế như một sa-lông khách sạn và bảo tàng nghệ thuật.
Kỷ lục gia mới
Trước hết, Nhà ga T2 đã lập được một loạt kỷ lục với những con số khổng lồ dù không thuộc nhóm nhà ga lớn nhất thế giới. Ví dụ, nó là nơi có diện tích tường bằng kính lớn nhất thế giới (11 nghìn m2), tổng diện tích sàn tới 440 nghìn m2, lớn hơn cả sân bay Changi của Singapore và sân bay Heathrow ở London.
"Với T2 Mumbai, hôm nay ước mơ của tôi cũng như của cả tỷ người Ấn Độ đã trở thành hiện thực". "Chưa có một nhà ga nào trên thế giới thực sự phản ánh đất nước của họ. Và đây thực sự là nơi và là lý do tại sao chúng tôi muốn đổi mới tư duy trong việc xây dựng sân bay nói chung". (Sanjay Reddy, Phó Chủ tịch tập đoàn GVK) |
Ngoài ra, T2 còn là bộ sưu tập thực vật với 77.000 cây xanh thuộc 80 loài trồng trên các mảnh vườn nhỏ bên trong Nhà ga.
Để tạo sự thẩm mỹ cho một mái nhà có đến hàng trăm nghìn dầm thép ngang dọc, các kiến trúc sư đã nêu ý tưởng che nó bằng 6.420 tấm lọc đặc biệt màu trắng và được thiết kế như những vì tinh tú có hình dạng "mắt nhìn" trên bộ lông vũ của con công. Hành khách khi nhìn lên trần nhà ga có cảm giác bắt gặp hơn một nghìn con công trắng đang nhảy múa. Vấn đề là ở chỗ chim công chính là điểu quốc của Ấn Độ.
Nhà hát đẳng cấp thế giới
Riêng các cột trụ để đỡ phần mái cũng được thiết kế theo hình lông công cuốn vòm khiến người ta nghĩ là nhà thờ hay thánh đường. Còn khi từ ngoài bước vào, ai cũng tưởng mình sẽ vào nghe nhạc kịch. Vì nó giống một nhà hát đẳng cấp thế giới.
Phần cột trụ và mái che này độc đáo và kỳ diệu từ cả thiết kế lẫn thi công, từ cả thẩm mỹ lẫn tính hữu dụng đến mức mà Kênh truyền hình Discovery của Mỹ đã làm một phóng sự từ khi khởi công đến khi hoàn thiện nó rồi phát đi khắp thế giới vào tháng Chín năm ngoái.
T2 giống sa-lông khách sạn ở chỗ trên trần các phòng chờ được bố trí đèn chùm bằng đồng thau hình hoa sen của đạo Phật. Điều này khiến hành khách thấy thời gian chờ bay không những đỡ dài đỡ tẻ hơn mà còn cảm thấy thư thái...
Song, sự độc đáo lớn nhất có lẽ là ở bên trong nhà ga, người ta đã khai thác tất cả các phần tường trống lạnh lùng để tạo nên một bức tường nghệ thuật dài gần 3km và với 14.000 tác phẩm từ hội họa đến điêu khắc, sắp đặt. Điều đáng nói, đây chính là bức tranh văn hóa Ấn Độ. Lịch sử và đời sống, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của mọi miền Ấn Độ đã hội tụ trên bức tường này.
Tinh thần tự tôn dân tộc
Ông Sanjay Reddy, con trai nhà đầu tư (tập đoàn GVK) và cũng là đồng tác giả của Nhà ga T2 này nói với Tổng Biên tập báo The Indian Express trong cuộc phỏng vấn riêng rằng: "Bị ảnh hưởng bởi mặt trái của toàn cầu hóa, nhiều người Ấn rồi đây sẽ quên mất Ấn Độ là gì và bản sắc văn hóa Ấn là gì? Nhưng khi họ nhìn vào đây thì họ sẽ tái phát hiện ra Ấn Độ và họ trở nên yêu đất nước mình hơn. Còn với khách quốc tế, thì qua đây chúng tôi muốn giới thiệu với họ những cái tốt đẹp nhất của Ấn Độ".
Có lẽ cũng không nơi nào trên thế giới có thể phản ánh và phản ánh thành công cả một đất nước trong một nhà ga hàng không như ở đây. T2 Mumbai mang bản sắc Ấn Độ trong bất kỳ khía cạnh nào. Nó chính là tinh thần tự tôn dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa.
Ước mơ của cả tỷ dân Ấn Độ về một nhà ga hàng không nằm trong nhóm các nhà ga tuyệt vời nhất thế giới đã thành hiện thực. Điều đáng được mơ ước còn ở chỗ từ khu nhà ga cũ kỹ với kế hoạch ban đầu chỉ là cải tạo, nay T2 Mumbai xuất hiện như một vương miện kim cương.
Và hơn thế nữa, qua nó, người Ấn còn muốn gửi ra thế giới một thông điệp về kinh tế, về văn hóa và về một cường quốc mới nổi Ấn Độ như con chim công đang lặng lẽ bay lên đĩnh đạc, mỹ miều và tinh tế trong một thế giới đầy rẫy hỗn tạp hôm nay.
Sơn Thủy (từ Mumbai)