Các nước đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế
Mỹ đã thực hiện điều chỉnh các yếu tố tăng trưởng kinh tế theo hướng từ đáp ứng tiêu dùng sang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu làm động lực. Tổng thống Obama tuyên bố, nước Mỹ phải đặt một nền tảng mới cho tăng trưởng và phồn vinh, một nền tảng giúp chuyển từ một thời đại dựa vào vay mượn và chi tiêu sang thời đại tiết kiệm và đầu tư. Nước Mỹ sẽ tiêu dùng ít hơn và có nhiều hàng xuất khẩu hơn.
Theo phương hướng này, Chính phủ Mỹ đề ra mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của mình trong 5 năm tới thông qua thúc đẩy đàm phán ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do. Thực tế, tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng của Mỹ đã giảm từ mức trung bình 3,5%/năm trong 15 năm trước khủng hoảng xuống mức - 0,7% năm 2009; tỷ lệ dự trữ gần như bằng không năm 2007 đã tăng lên 4% năm 2009, nhập siêu cũng giảm từ mức 6% GDP xuống khoảng 3% GDP.
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới dù tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc, nhưng cũng có mặt tích cực là làm lộ ra những yếu kém tồn tại lâu nay về mô hình phát triển của nước này. Cuộc khủng hoảng đã chấm dứt chuỗi thời gian thành công của mô hình công nghiệp chế biến dựa vào xuất khẩu, lệ thuộc vào thị trường bên ngoài.
Chiến lược phát triển của Trung Quốc sẽ hướng nội nhiều hơn so với trước đây, kích thích tiêu dùng nội địa nhiều hơn, đưa tiêu dùng nội địa thành động lực của tăng trưởng, đảm bảo phát triển trên cơ sở kết hợp hài hòa thị trường nội địa và xuất khẩu; khuyến khích và củng cố các ngành then chốt bao gồm cả các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đưa ra chiến lược kinh tế 10 năm (2010 - 2020) thay cho chiến lược Lisbon (2000 - 2010) với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế dựa vào tri thức và đổi mới, ngăn chặn nguy cơ tái xuất hiện khủng hoảng nợ công, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Hàn Quốc đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính vào cuối năm 2007. Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đã giúp Hàn Quốc tiếp tục phát triển và phòng tránh tốt trước những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới hiện nay. Bằng những chính sách phản ứng kịp thời và mạnh mẽ nhất với những nguyên tắc, chiến lược tái cơ cấu trên 6 lĩnh vực được thực hiện: tài chính và doanh nghiệp, hệ thống giám sát tài chính, thủ tục phá sản, quản trị doanh nghiệp chính sách vĩ mô, mạng lưới an sinh xã hội và cấu trúc tài chính quốc tế Hàn Quốc đã đạt được những thay đổi tích cực về hiện đại hóa khuôn khổ pháp lý, thể chế thị trường tài chính thông lệ kinh doanh, năng lực của chính phủ trong đối phó với nguy cơ tiềm ẩn và suy thoái kinh tế.
Kết quả, chỉ hai năm sau khủng hoảng tài chính năm 2007, 346 công ty tài chính (16,5% tổng số công ty) đã bị đóng cửa hoặc phá sản, 18 tập đoàn trong tổng số 30 tập đoàn lớn phá sản hoặc phải thay đổi các cổ đông chính. Cơ cấu tài chính được cải thiện đáng kể, tỉ lệ nợ/vốn trung bình cải thiện từ hơn 400% xuống khoảng 120%, vốn cho vay của các ngân hàng lên tới 21 tỉ USD. Chính phủ đã bơm ra 168,5 nghìn tỉ won (12% GDP) và 91,7 nghìn tỉ won đã thu hồi (tính đến năm 2008). Cơ quan giảm sát thống nhất được thành lập với nhiệm vụ kiểm soát ngoại hối và dự trữ bắt buộc.
Nga là một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế Nga, nền kinh tế tăng trưởng nhảy vọt theo giá hàng hoá trong thời kỳ kinh tế thuận lợi, đã đương đầu với tình trạng suy giảm và sau đó tăng trưởng âm khoảng 7,5% năm 2009.
Để đối phó với tình trạng này LB Nga đã thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế theo các hướng như tái cơ cấu ngành, tái cơ cấu thương mại quốc tế và đầu tư theo hướng chuyển từ xuất khẩu nhiên liệu, sản phẩm thô và tài nguyên sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến hoặc qua chế biến; tái cơ cấu sở hữu theo hướng thúc đẩy tư nhân hóa, bao gồm cả chuyển sang sở hữu tư nhân các tài sản của các doanh nghiệp nhà nước và bất động sản; tái cơ cấu thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng theo hướng giảm bớt mức độ đô la hóa, giảm sử dụng tiền mặt và tăng tính minh bạch của hệ thống ngân hàng.
Cuộc khủng hoảng vừa qua đã bộc lộ những yếu kém và bất cập của hệ thống tài chính-tiền tệ thế giới. Đối với các nước lớn, nhất là Mỹ, EU, cải cách hệ thống tài chính-ngân hàng là một trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế và được triển khai khá mạnh mẽ trong thời gian qua. Các đề xuất về cải cách tài chính-ngân hàng của hầu hết các quốc gia thời gian gần đây chủ yếu tập trung vào việc thực thi nghiêm ngặt những quy định về chế độ quản lý toàn bộ hệ thống tài chính, hạn chế tỷ lệ giải pháp đòn bẩy, tăng cường giám sát các định chế tài chính phi ngân hàng có chức năng hoạt động như ngân hàng.
Một số kinh nghiệm
Từ xu hướng tái cơ cấu của các nền kinh tế trên thế giới, có thể thấy tái cơ cấu được thực hiện ở tất cả các cấp độ của nền kinh tế bao gồm tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, cơ cấu vùng và tái cơ cấu các doanh nghiệp.
Tái cơ cấu đi cùng với nó là thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng thị trường, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển kinh tế dựa vào tri thức, trong đó chú trọng phát triển xanh và thân thiện với môi trường. Tái cơ cấu kinh tế theo hướng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua việc tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành, cũng như các mạng lưới sản xuất khu vực và quốc tế.
Tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả tiêu thụ năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng thay thế nhằm giảm mức độ nhạy cảm về năng lượng và mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu
Tái cơ cấu theo hướng phát triển dựa trên quan hệ hài hòa giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Nền kinh tế phát triển theo hướng “đứng vững trên hai chân” một mặt đẩy mạnh xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, mặt khác tăng cường phục vụ thị trường nội địa và thúc đẩy đầu tư trong nội bộ nền kinh tế.
Để tái cơ cấu đạt được hiệu quả thì quá trình này phải được theo đuổi với một khuôn khổ nhất quán và cần nhanh chóng hình thành cơ sở pháp lý để nâng cao tính khách quan của hoạt động tái cơ cấu.
Để nâng cao chất lượng tăng trưởng và đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn tái cơ cấu nền kinh tế là hết sức cần thiết đối với Việt Nam.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các Đề án: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; tái cơ cấu đầu tư và Phương án tổng thể tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, có tính đến 2020.
Đây là những nội dung lớn có mối liên kết chặt chẽ mà Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ ngay từ 2012 nhằm thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Theo VGPNews