Tổng thống Joe Biden từng nói rằng các đồng minh và đối tác là “tài sản lớn nhất của nước Mỹ”. Chuyến đi châu Âu để tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 23-24/3, cùng các sự kiện nổi bật trước đó như chuyến thăm châu Á của ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng, Thượng đỉnh Bộ tứ (Quad) trực tuyến đã phản ánh rõ nét phương châm này và hơn thế nữa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từng khẳng định đồng minh và đối tác là “tài sản lớn nhất của nước Mỹ”. (Nguồn: AP) |
Một thế giới trắc trở
Tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO, Ngoại trưởng Antony Blinken nhận định rằng hệ thống đồng minh, đối tác của Mỹ đang bị “lay động” sau 4 năm cầm quyền của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, cạnh tranh, thách thức mà Mỹ và các nước phải đối mặt gia tăng và trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Về cơ bản, chính quyền của ông Joe Biden vẫn tiếp nối nhận thức từ thời ông Donald Trump về nguy cơ Trung Quốc do đồng thuận nội bộ cao. Bắc Kinh tiếp tục được xác định là thách thức hàng đầu của Washington và của thời đại.
Có dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Biden đang nhận diện lại về sức mạnh của Trung Quốc. Trong phát biểu về chính sách đối ngoại của Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken từng nhận định: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có đủ sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thách thức hệ thống quốc tế”.
Những biểu hiện công khai của quan chức hai nước, ngôn ngữ mạnh bạo của Trung Quốc tại cuộc gặp ở Alaska cũng phần nào cho thấy hai nước đang bước đầu nhận diện lại thế và lực của nhau và cách xử lý quan hệ song phương thời gian tới.
Mới đây, trao đổi với Tổng thư ký NATO trước Hội nghị Ngoại trưởng, ông Blinken thừa nhận Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đó là lý do tại sao mở màn phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO, Ngoại trưởng Mỹ đã nhận định sức mạnh của Trung Quốc càng lớn thì thách thức đến từ quốc gia châu Á càng hiện hữu: Từ khía cạnh quân sự như đe dọa đe dọa tự do hàng hải, quân sự hóa ở Biển Đông, tấn công các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tới các vấn đề phi quân sự như cưỡng ép kinh tế, ăn cắp sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên cũng được xướng tên trong danh sách các thách thức cấp bách nhất. Với Nga, đó là quan ngại về hành vi xâm chiếm Ukraine, hăm dọa ở biển Baltic và biển Đen, tăng cường năng lực quân sự và hạt nhân, sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời làm xói mòn niềm tin vào các giá trị dân chủ, tấn công mạng nhắm vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu...
Với Iran và Triều Tiên, đó là các chương trình phát triển năng lực hạt nhân, tên lửa đạn đạo đe dọa an ninh quốc gia các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng NATO ngày 23/3/2021. (Nguồn: Reuters) |
Trong khi đó, thách thức từ các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu hay đại dịch Covid-19 đòi hỏi các quốc gia phải tăng cường hợp tác, cùng nhau tìm kiếm và triển khai giải pháp toàn diện.
Cuối cùng, dù không đề cập trực tiếp, song bài phát biểu của ông Blinken có hàm ý rằng sự xói mòn của nền dân chủ và các giá trị cũng là một thách thức lớn với Mỹ và phương Tây. Các hành động tấn công, làm xói mòn của thế lực bên ngoài, cùng sự mất lòng tin của người dân vào năng lực của hệ thống dân chủ đang tạo ra nhiều rủi ro cho hệ thống này.
Dường như, khác với chính quyền người tiền nhiệm, Washington dưới thời ông Biden có nhận thức bao trùm hơn về các thách thức chung và do đó, hướng tới xây dựng một giải pháp toàn diện.
Trước các nguy cơ, thách thức đa dạng và phức tạp, cùng sự suy giảm tương đối về thế và lực của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tranh thủ hệ thống đồng minh, đối tác rộng lớn làm điểm tựa sức mạnh nhằm xử lý thách thức hiện hữu và tiềm tàng trong tương lai.
Đoàn kết là sức mạnh
Dưới thời chính quyền tiền nhiệm, hệ thống đồng minh, đối tác của Mỹ đã không thể phát huy hiệu quả do quan điểm chính sách của ông Donald Trump.
Đó là điều ông Biden đang cố gắng thay đổi, khi vun đắp và làm mới quan hệ đồng minh, đối tác của Mỹ toàn thế giới một cách khéo léo, mềm mỏng và bài bản hơn.
Trước các nguy cơ, thách thức đa dạng và phức tạp, cùng sự suy giảm tương đối về thế và lực của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tranh thủ hệ thống đồng minh, đối tác rộng lớn làm điểm tựa sức mạnh nhằm xử lý thách thức hiện hữu và tiềm tàng trong tương lai. |
Thứ nhất, chính quyền của ông Joe Biden chú trọng khôi phục lòng tin, gạt bỏ sự hoài nghi của các đồng minh, đối tác bằng những cam kết mạnh mẽ.
Với đồng minh NATO, phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng, ông Blinken đã nhắc lại “lời thề” vững chắc với liên minh này, cam kết bảo vệ đồng minh theo Điều 5 – một cuộc tấn công vào bất cứ thành viên nào cũng đồng nghĩa với việc tấn công cả nhóm.
Với các đồng minh khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sớm khẳng định cam kết tăng cường quan hệ và bảo vệ đồng minh theo các điều khoản trong hiệp ước an ninh song phương thông qua điện đàm và các đối thoại 2+2 vừa qua.
Thứ hai, chính quyền của ông Joe Biden dành sự quan tâm nhằm củng cố và tăng cường sự gắn kết giữa các đồng minh, đối tác thông qua các chương trình hợp tác cụ thể trên lĩnh vực mà các bên cùng quan tâm và có lợi ích như trong Thượng đỉnh Bộ tứ (Covid-19, biến đổi khí hậu và công nghệ lõi).
Sự khăng khít trong quan hệ sẽ là nền tảng ban đầu cho hợp tác sâu hơn tại một số vấn đề an ninh chiến lược còn nhiều khác biệt.
Thứ ba, Mỹ chủ trương tăng cường hệ thống đồng minh, đối tác bằng hình thức sáng tạo, thông qua mở rộng phạm vi chủ thể hợp tác và kết nối các liên minh rời rạc.
Những chủ thể mà ông Blinken đề cập trong phát biểu tại NATO không chỉ giới hạn ở chính phủ các nước, mà hướng tới khu vực tư nhân, các công ty, tổ chức xã hội dân sự, trường học…, qua đó thiết lập một nền tảng hợp tác đa dạng, rộng lớn hơn nhằm bảo vệ các giá trị chung.
Bên cạnh đó, phát biểu còn hàm ý liên kết tập hợp đồng minh, đối tác với “năng lực và thế mạnh mang tính bổ sung” thông qua mục tiêu chung, điển hình là Bộ tứ và NATO - hai điểm nút quan trọng trong mạng lưới đồng minh, đối tác toàn cầu của Mỹ.
Nếu Bộ tứ giúp đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông và Hoa Đông, sản xuất vaccine ngừa Covid-19, hợp tác trong NATO hướng tới vấn đề an ninh mạng, năng lượng, y tế, cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Song, tất cả đều quy về hai mục tiêu lớn: bảo vệ các giá trị phổ quát và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi trong chuyến thăm Nhật Bản, tháng 3/2021. (Nguồn: Reuters) |
Thứ tư, trong xử lý các thách thức và vấn đề chung, nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden tỏ ra lắng nghe và tôn trọng đồng minh, đối tác hơn, nhấn mạnh phương châm tham vấn sớm và thường xuyên, không áp đặt giải pháp đơn phương.
Đối với vấn đề Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh Mỹ hiểu rõ tính chất phức tạp trong quan hệ của các nước với Trung Quốc nên không ép họ chọn bên.
Sự “thấu hiểu” của Mỹ với đồng minh, đối tác thể hiện qua cách lựa chọn ngôn ngữ tránh công kích trực diện Trung Quốc trong Tuyên bố chung của nhóm Bộ tứ, bởi Mỹ hiểu nhu cầu giữ cầu quan hệ của các thành viên với Trung Quốc.
Trong vấn đề chia sẻ chi phí giữa các đồng minh NATO, mặc dù kêu gọi các nước chia sẻ gánh nặng, song Mỹ sẽ không gây sức ép đồng bộ mà linh hoạt với từng đồng minh trên cơ sở “các năng lực riêng biệt và thế mạnh so sánh” của họ.
Thứ năm, trong quan hệ song phương với các đồng minh, chính quyền Tổng thống Joe Biden chú ý xử lý khác biệt, song kết hợp cả cứng rắn và mềm dẻo, cân nhắc kỹ lưỡng, hài hoà để không làm ảnh hưởng tới tổng thể quan hệ.
Phương châm thể hiện qua cách xử lý mâu thuẫn với Đức liên quan đến Dự án dòng chảy phương Bắc 2. Đây là dự án mà Washington kịch liệt phản đối vì lo ngại nguy cơ gia tăng ảnh hưởng của Moscow tại khu vực châu Âu.
Mỹ từng công khai cảnh cáo sẽ trừng phạt các công ty của Đức tham gia vào việc thi công dự án này, song trong chuyến đi NATO, ông Antony Blinken vẫn gửi gắm thông điệp ưu tiên đối thoại, đàm phán nhằm giải quyết mâu thuẫn trước khi đi đến các biện pháp trừng phạt.
Thứ sáu, bên cạnh các điểm đổi mới, Mỹ vẫn tiếp tục phát triển một mạng lưới đồng minh, đối tác có nguyên tắc, thể hiện vai trò lãnh đạo nhưng không bao cấp mà kêu gọi chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng.
Ngoài việc yêu cầu các đồng minh gia tăng đóng góp cho NATO, mô hình sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của nhóm Bộ Tứ là minh chứng khác về việc “phân chia” nhiệm vụ giữa các nước, trong đó Mỹ và Nhật Bản cung ứng tài chính, Ấn Độ bảo đảm năng lực sản xuất còn Australia chịu trách nhiệm hậu cần và phân phối.
Hẹn ngày trở lại
Mấu chốt vị thế sức mạnh của Mỹ nằm ở tính tập thể của hành động. Việc Mỹ và các đồng minh, đối tác hợp tác xử lý thách thức không chỉ huy động được thêm nguồn lực, mà còn tạo ra hiệu ứng cộng hưởng, gia tăng hiệu quả hành động.
Thực tế cho thấy cách tiếp cận mới với đồng minh, đối tác của ông Biden đã có hiệu quả nhất định. Thái độ của một số đồng minh, đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia có sự chuyển biến.
Các nước này đã hưởng ứng tích cực hơn đối với hợp tác Bộ tứ, thể hiện qua việc sớm thống nhất được thời gian và hình thức tổ chức thượng đỉnh, đồng thời lần đầu tiên ra được Tuyên bố chung với nội dung toàn diện, nhất trí cả về mục tiêu, tầm nhìn, phương châm và kế hoạch triển khai.
…Mô hình sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của nhóm Bộ tứ là minh chứng khác về việc “phân chia” nhiệm vụ giữa các nước, trong đó Mỹ và Nhật Bản cung ứng tài chính, Ấn Độ bảo đảm năng lực sản xuất còn Australia chịu trách nhiệm hậu cần và phân phối. |
Cũng chưa bao giờ các nước lại công khai khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Bộ tứ như tại Thượng đỉnh vừa qua. Với Australia, đó là trụ cột then chốt về đối ngoại, còn với Ấn Độ là trụ cột quan trọng cho sự ổn định ở khu vực.
Tuy nhiên, sự thay đổi của Mỹ có thể là điều kiện cần, song chưa phải đủ giúp xây dựng một hệ thống đồng minh, đối tác mạnh mẽ mà Mỹ mong muốn.
Lòng tin sứt mẻ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cần thời gian để hàn gắn. Sức mạnh và vị thế suy giảm tương đối, đặc biệt trong tương quan lực lượng với Trung Quốc, khiến Mỹ không thể bao tiêu cho đồng minh, do đó trở nên kém “hấp dẫn” trong mắt các nước.
Bên cạnh đó, tính toán lợi ích của các nước vẫn là rào cản đáng kể. Mặc dù tiếp thu ý kiến của Mỹ về chia sẻ chi phí và mở rộng kết nối, nhưng Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng NATO lại không hề nhắc đến Trung Quốc một cách trực diện giống như phát biểu của ông Blinken.
Điều này cho thấy các nước vẫn còn tư tưởng phòng bị nước đôi, tranh thủ quan hệ với Mỹ về an ninh, giá trị trong khi tận dụng Trung Quốc về kinh tế.
Qua một số hoạt động gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã gửi gắm được thông điệp chính sách thân thiện hơn với đồng minh, đối tác.
Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của chính sách này, cũng như khả năng Mỹ trở lại trên vị thế sức mạnh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là tính toán lợi ích của các nước, cùng sự nhất quán giữa lời nói và hành động của Mỹ thời gian tới.