📞

Tại sao doanh nghiệp tư nhân “mãi không chịu lớn”?

08:54 | 31/05/2017
Nhận diện những rào cản, “điểm nghẽn” khiến khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong vòng 5 năm (2011 - 2015) không có sự cải thiện về quy mô tài sản cố định và lực lượng lao động, đồng thời đưa ra những giải pháp tạo điều kiện cho DNTN “lớn hơn” là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay.

Đó là nội dung chính của các tham luận trong Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân” do Trung tâm thông tin kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức chiều 30/5, tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia kinh tế, đơn vị quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Các đại biểu cùng nhau thảo luận tìm ra những “điểm nghẽn” khiến khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) khó phát triển trong vòng 5 năm qua. (Ảnh: D.L)

Những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển của DNTN

Thực tế cho thấy, trong 3 thập kỷ qua, DNTN đã tăng nhanh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

Theo PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, năm 2016, cả nước thành lập mới hơn 110.000 DNTN, tăng 16% so với năm 2015, là con số kỷ lục. Đến nay, Việt Nam có khoảng 60 vạn DNTN và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp.

Giai đoạn 2006 - 2015, KTTN đóng góp hơn 40% GDP, 30% tổng giá trị công nghiệp, khoảng 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ; 35% tổng vốn đầu tư phát triển, thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội.

Tuy nhiên, theo thống kê, hiện trên 97% số DN tại Việt Nam là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, 94% là DNTN với quy mô vốn nhỏ, trung bình chỉ khoảng 24 - 25 tỷ đồng/DN với khoảng 18 - 20 lao động/DN. TS. Hồ Sỹ Hùng cho rằng, chính quy mô vốn hạn chế là một trong các trở ngại lớn khiến DNTN không tận dụng được hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh còn hạn chế.

Quy mô vốn hạn chế cũng kiến các DNTN không có đủ năng lực tài chính để đầu tư vào tài sản cố định, máy móc công nghệ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. “Đây là một vấn đề rất đáng suy ngẫm đối với các cơ quan hoạch định chính sách để có thể đưa ra chính sách phù hợp với khu vực này”, TS. Hùng nhận định.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những rào cản khiến DNTN “mãi không chịu lớn” qua nhiều năm, đó là những nút thắt về thủ tục hành chính, khó khăn trong tiếp cận tín dụng và chi phí kinh doanh cao làm giảm khả năng cạnh tranh.

(Ảnh: D.L)

Về rào cản trong thủ tục hành chính, các đại biểu chỉ ra rằng: sự không thống nhất giữa các luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng; chưa hiệu quả trong liên thông giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, đăng ký DN; tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn cho DN; sự bất cập trong hướng dẫn về thủ tục thuế, hải quan... là những rào cản nổi trội.

DNTN cũng đặc biệt khó khăn trong tiếp cận tín dụng, nhất là bảo lãnh tín dụng. Lãi suất tín dụng dành cho DN hiện ở mức khoảng 7,9%/năm, còn ở mức cao so với các nước trong khu vực, như Trung Quốc 4.3%/năm, Malaysia 4,6%/năm, Hàn Quốc 2%/năm hay Nhật Bản chỉ có 0,95%/năm.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, có những “điểm nghẽn” cấp bách trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn khiến DNTN không thể phát triển được. Ông Lực cho biết, trong ngắn hạn là bộ máy hành chính hoạt động chưa hiệu quả, lãng phí, tham nhũng, một số chính sách về đất đai chưa phù hợp thực tiễn và chi phí tài chính cao; trung hạn gồm rủi ro kinh tế vĩ mô và rủi ro thể chế vi mô và dài hạn gồm kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Trả lời phỏng vấn báo chí, TS. Nguyễn Minh Phong lại cho rằng, hiện còn thiếu chính sách ưu đãi riêng cho DNTN. Những chính sách hiện nay hầu hết được thiết kế chung cho khối DN và hướng ưu tiên vào khối DN FDI hoặc DNNN. Những ưu đãi không tới được với doanh nghiệp tư nhân.

“Nếu có ưu đãi cho doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước thì tại sao không có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân?”, TS. Phong đặt câu hỏi.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp tham dự. (Ảnh: D.L)

Giải pháp nào để DNTN phát triển?

Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 11/5 vừa qua), Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất và nhất trí cao ban hành 3 Nghị quyết quan trọng về kinh tế, trong đó có Nghị quyết về: “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, Nghị quyết TW 5 đã tạo ra sự đột phá về thị trường, tạo sự bình đẳng giữa 3 khối DN nhà nước - tư nhân - FDI. Hy vọng các Nghị quyết sẽ thực sự phát huy sức mạnh để thúc đẩy khối DNTN phát triển.

Còn theo TS. Hồ Sỹ Hùng, cần có những định hướng chính sách hỗ trợ và thúc đẩy khu vực KTTN phát triển như: Xóa bỏ mọi định kiến rào cản, cải cách mạnh thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DNTN phát triển. Hoàn thiện quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử trong năm 2018 đối với toàn nền kinh tế.

“Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh cho DNTN, chú trọng thị trường trong nước, nhất là thị trường bán lẻ, khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh hoạt động của Quỹ phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Kế hoạch & Đầu tư”, TS. Hùng nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực thì cho rằng, Chính phủ cần tập trung xử lý những điểm nghẽn cấp bách, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả đối với xử lý điểm nghẽn trung hạn như chính sách lạm phát, tỉ giá và lãi suất, thực thi Nghị quyết 35, Nghị quyết 19, chính sách lao động và đẩy mạnh 4 đột phá về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, thể chế và khoa học công nghệ nhằm thực hiện giải pháp đối với 3 điểm nghẽn dài hạn.

“Chính phủ cần hỗ trợ, thúc đẩy gắn kết giữa 3 khối DN (DNNN - DNTN - FDI); đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN; nhất quán, kiên định thực hiện thành công chương trình khởi nghiệp, tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức từ cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, “để phát triển, sự hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách và môi trường, đầu tư của nhà nước là chưa đủ, bản thân các DN cũng cần chủ động, tích cực đổi mới quản lý, quản trị DN, tăng cường liên kết, mở rộng thị trường, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu, xây dựng thương hiệu và uy tín trong sản xuất kinh doanh”, TS. Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh.

Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân” tập trung thảo luận các vấn đề như:

- Định hướng hỗ trợ chính sách và phát triển DN; Bức tranh DN 2016 dưới góc nhìn đăng ký kinh doanh;

- Những rào cản và giải pháp khắc phục để phát triển khu vực kinh tế tư nhân (KTTN);

- Những điểm nghẽn và giải pháp đột phá phát triển KTTN.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng nghe những tham luận về kinh nghiệm phát triển KTTN của đại diện các hiệp hội doanh nhân, đại diện các DN, làm thế nào để phát triển KTTN bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao, để KTTN thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN.