Tình hình dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao. Trong ảnh: Biển Sầm Sơn vào dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua. |
Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, biển người chen chân nhau dưới bãi biển, các khu vui chơi, danh thắng là hình ảnh rất dễ bắt gặp.
Tuy nhiên, trái ngược với kịch bản của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 (Khi số F0 trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội "bùng nổ" sau kỳ nghỉ), theo thông tin được Bộ Y tế công bố trong những ngày vừa qua, F0 mới trong ngày trên cả nước vẫn duy trì ở mức rất thấp.
Điển hình như ở Hà Nội, từng ghi nhận F0 trong ngày ở mức trên 30.000 ca trong giai đoạn tháng 3/2022, thế nhưng trong một tuần qua con số này chỉ ở mức dưới 1.000 ca.
Theo Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 4/5 đến 16h ngày 5/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 chỉ ghi nhận 4.305 ca nhiễm mới.
Việc F0 không còn "bùng nổ" sau dịp nghỉ lễ như giai đoạn trước khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Việt Nam liệu đã đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19?
Nhiều nguyên nhân khiến F0 không "bùng nổ" sau kỳ nghỉ
Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội nhận định, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội không "bùng nổ" sau kỳ nghỉ lễ, mà vẫn duy trì ở mức thấp đến từ nhiều yếu tố như: tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19, tỷ lệ đã nhiễm bệnh cao, ý thức phòng bệnh của người dân và sự biến đổi của virus gây bệnh theo chiều hướng có lợi.
Việt Nam có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao. (Nguồn: TTXVN) |
Với Covid-19, để đạt được miễn dịch cộng đồng cần phải đáp ứng một trong hai yếu tố, bao gồm: Tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95% hoặc đại đa số người dân trong cộng đồng đã nhiễm bệnh.
"Hiện nay tỷ lệ tiêm đủ mũi vaccine của Việt Nam mới đạt xấp xỉ 80%, trong khi đó tỷ lệ mắc bệnh trên toàn quốc theo công bố của Bộ Y tế mới trên 10% dân số", vị lãnh đạo này cho hay.
Dịch hạ nhiệt nhưng cần thận trọng
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, F0 không còn tăng mạnh sau kỳ nghỉ lễ vừa qua đã phản ánh việc Việt Nam đã có miễn dịch cộng đồng với Covid-19.
"Chúng ta hiện có tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao, bên cạnh đó vừa qua dịch cũng đã lây lan mạnh trong cộng đồng. Do đó, tỷ lệ người có miễn dịch là rất cao. Điều này khiến dịch bước vào giai đoạn đi xuống. Nếu có các đợt tăng thì cũng không tăng mạnh và nhìn chung vẫn trong xu hướng đi xuống", PGS Dũng phân tích.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, chúng ta vẫn nên thận trọng trong việc đưa Covid-19 trở thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, và tốt nhất nên chờ thêm khoảng 1 - 2 tháng.
PGS Dũng cũng chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến nhận định này:
Thứ nhất, cần thận trọng vì miễn dịch của Covid-19 không bền vững. Do đó, sau khi tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh một thời gian, chúng ta vẫn có thể bị tái nhiễm. Chính vì vậy, chưa thể đảm bảo chắc chắn rằng không có một đợt bùng phát dịch nào khác trong tương lai.
Thứ hai, vì hiện tại còn nhiều việc cần phải làm trong cuộc chiến chống dịch tổng thể, điển hình là tiêm vaccine cho trẻ em. Nếu công bố Covid-19 không còn là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ khó triển khai hơn.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, khi đưa Covid-19 thành bệnh truyền nhiễm nhóm B, việc huy động nguồn lực cho chống dịch cũng sẽ khó hơn.
Tuy dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát nhưng người dân vẫn không nên chủ quan. (Nguồn: TTXVN) |
Đã đến lúc "mở cửa" toàn bộ
Theo quan điểm của mình, BS Trương Hữu Khanh - Chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. Hồ Chí Minh, ở Việt Nam hiện tại đã đạt được miễn dịch cộng đồng.
"Việc chúng ta đã thả lỏng nhưng dịch vẫn không "bung ra" cho thấy đã phù hợp để đưa Covid-19 về bệnh truyền nhiễm nhóm B. Theo tôi chúng ta cũng nên "mở" hết không cần phải đóng gì nữa", BS Khanh chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn (rửa tay xà phòng) hiện nay chỉ nên đưa về mức khuyến nghị và không cần thiết phải bắt buộc hay xử phạt khi không thực hiện như trước đây.
| Tuvalu - quốc đảo chưa có Covid-19 Tuvalu là quốc gia hiếm hoi trên thế giới chưa bị đại dịch Covid-19 "ghé qua". |
| Covid-19 ngày 5/5: Thêm 4.305 F0 mới tại 56 tỉnh, thành; Hà Nội, Quảng Ngãi, Bình Dương giảm nhiều nhất Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 5/5 của Bộ Y tế cho biết ca mắc Covid-19 đã tăng lên 1.217 ca so với hôm ... |