Tiền mặt là một công cụ an toàn và có tính thanh khoản cao để thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Trong ảnh: Một góc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. (Nguồn: Asia Times) |
Phần lớn người dân Nhật Bản đều có khả năng tiếp cận với hệ thống ngân hàng, do đó, thúc đẩy hòa nhập tài chính chưa bao giờ là một vấn đề chính sách lớn đối với nước này.
Việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số hóa và di động do khu vực tư nhân khởi xướng khi thanh toán hàng hóa và dịch vụ cũng trở nên khá phổ biến.
Lợi ích chưa thật sự hấp dẫn người dân?
BOJ đã tiến hành các thử nghiệm tiền tệ kỹ thuật số kể từ năm 2021 để kiểm tra tính khả thi về mặt kỹ thuật và tính năng cốt lõi của hệ sinh thái tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương
Mục đích của các thử nghiệm là bắt kịp các tính năng kỹ thuật mới liên quan đến công nghệ blockchain, trong trường hợp phát sinh nhu cầu về sử dụng tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.
Giai đoạn thử nghiệm thứ hai bắt đầu vào tháng 4/2022, thế nhưng, BOJ lại không xem xét việc tiếp tục triển khai dự án này trong tương lai gần do có những yếu tố bất cập cản trở việc thực hiện.
Người dùng có vẻ như không thấy thu hút khi sử dụng CBDC vì các công cụ thanh toán dựa trên khu vực tư nhân mang lại lợi ích cụ thể hơn. Đơn cử như tính năng tích điểm khi sử dụng các dịch vụ thanh toán mua sắm hoặc thanh toán cho các dịch vụ khác.
Tiền mặt vẫn là vua ở Nhật Bản
Tiền mặt là một công cụ an toàn và có tính thanh khoản cao để thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Với tư cách là đồng tiền pháp định do nhà nước ban hành, tiền mặt đáp ứng các chức năng của đơn vị tài khoản, phương tiện trao đổi và lưu trữ giá trị. Lượng phát hành tiền mặt vẫn ở mức cao ở Nhật Bản mặc dù nhu cầu sử dụng đang có xu hướng ngày càng giảm.
Thực tế cho thấy, tiền mặt trở nên hữu ích hơn trong các trường hợp thiên tai, xung đột quân sự, các sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đồng như mất điện, hệ thống máy tính bị sụp đổ hoặc khi lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng khu vực tư nhân không còn mạnh mẽ.
Với tỷ lệ người ở độ tuổi trên 65 tuổi chiếm gần 1/3 cơ cấu dân số, tiền mặt cũng được người cao tuổi và những người có mức thu nhập thấp ở Nhật Bản ưa thích hơn. Mức độ phổ biến đáng kể của tiền mặt và nhu cầu tiền mặt tương quan với cơ cấu dân số già của nước này.
Trong khi việc sử dụng các khoản thanh toán kỹ thuật số đang trở thành xu hướng gia tăng, thì tiền mặt vẫn được sử dụng ở nhiều nền kinh tế.
Các ngân hàng trung ương coi việc giữ lại tiền mặt trong nền kinh tế là quan trọng, mặc dù chi phí xử lý tiền mặt cao hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm liên quan. Ngay cả một số nền kinh tế số hóa cao, như Phần Lan, cũng đã chứng kiến sự gia tăng thanh toán bằng tiền mặt từ năm 2019-2020.
Chi phí cơ hội của việc nắm giữ tiền mặt liên quan đến lợi nhuận tài chính từ các sản phẩm thay thế gần gũi với tiền mặt. Chẳng hạn như lãi suất tiền gửi do các ngân hàng cung cấp và chi phí nắm giữ tiền tệ kỹ thuật số cũng có sự chênh lệch.
Môi trường lãi suất thấp kéo dài do nới lỏng tiền tệ đã góp phần làm giảm chi phí cơ hội của việc giữ tiền mặt, đặc biệt thường xảy ra ở các nền kinh tế tiên tiến.
Sự phổ biến của nhu cầu tiền mặt vì lý do phòng ngừa có thể tăng lên ở một số nền kinh tế châu Âu do những bất ổn tiềm tàng bắt nguồn từ khủng hoảng Nga-Ukraine và sự suy giảm niềm tin tiềm ẩn trong khu vực công và hệ thống tài chính ngân hàng.
Đặc biệt là sau đại dịch Covid -19, sự phổ biến của các phương thức thanh toán hạn chế tiếp xúc trực tiếp do lo sợ lây truyền dịch bệnh đã làm giảm việc sử dụng tiền mặt cho các mục đích giao dịch.
Sách Trắng về thị trường 2022 do Hiệp hội Siêu thị quốc gia Nhật Bản tổng hợp cho biết, trên 90% các siêu thị hiện nay đã được trang bị các công cụ thanh toán tín dụng.
Cụ thể, khoảng 77% siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi cho phép sử dụng tính năng quét mã QR hoặc thanh toán bằng tiền điện tử. Bên canh đó, khoảng 38% đã phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt của riêng họ.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ giới chuyên môn, lưu thông tiền mặt trên thị trường đang có xu hướng tăng lên.
Điều này một phần là do lãi suất tiền gửi bán lẻ thấp trong thời gian dài - dưới 0,2% từ năm 2007-2010, dưới 0,02% từ năm 2011-2016, và ở mức 0,001% kể từ năm 2017 đối với tài khoản ngân hàng bán lẻ thông thường.
Chính vì điều đó đã biến tiền mặt thành một thứ thay thế cho tiền gửi ngân hàng, góp phần vào xu hướng tích trữ tiền mặt ngày càng tăng của Nhật Bản. Tích trữ tiền mặt là việc tiền mặt ở trạng thái “đứng im” không được sử dụng cho các hoạt động kinh tế và đầu tư.
Sự phổ biến của tiền mặt trong nền kinh tế Nhật Bản có thể không khuyến khích các công ty công nghệ mới ưu tiên đổi mới phương thức thanh toán và các hoạt động tài chính. Do đó, BOJ cần phải tiếp tục tích lũy kiến thức liên quan đến công nghệ blockchain để đảm bảo sự ổn định tài chính và đổi mới tài chính ở Nhật Bản.
Ngoài ra, xem xét hiệu quả của thanh toán xuyên biên giới bằng CBDC, đây sẽ là một lựa chọn đầy hứa hẹn do chi phí cao của các dịch vụ dựa trên ngân hàng hiện tại.