Trung Quốc hiện là "thành trì" cuối cùng còn theo đuổi chiến lược "không Covid-19" (Zero Covid). Đối phó không khoan nhượng để đưa số ca nhiễm về 0 bằng các biện pháp quyết liệt như xét nghiệm, truy vết, phong tỏa diện rộng.
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về chiến lược này, khi hầu hết các nước trên thế giới đã bắt đầu điều chỉnh biện pháp ứng phó để sống chung an toàn với đại dịch, để hạn chế thiệt hại về kinh tế và tâm lý xã hội.
Nhân viên y tế Trung Quốc chuẩn bị xét nghiệm Covid-19 diện rộng tại một khu dân cư. (Nguồn: Telegraph) |
Giữa lúc còn nhiều tranh cãi về chiến lược "Không Covid-19" mà Trung Quốc đang theo đuổi, chuyên gia dịch tễ Chung Nam Sơn, một chuyên gia dịch tễ hàng đầu và cũng là cố vấn chính sách ứng phó Covid-19 của chính phủ Trung Quốc cho rằng, nước này cần nhiều yếu tố để có thể sống chung với đại dịch.
Báo South China Morning Post dẫn lời ông Chung Nam Sơn, cho rằng để sống chung với đại dịch, Trung Quốc cần kiểm soát tỷ lệ tử vong, tỷ lệ lây nhiễm và phải có miễn dịch cộng đồng cũng như thuốc điều trị hiệu quả. Theo đó, Bắc Kinh cần kiểm soát tỷ lệ tử vong ở mức 0,1% và hệ số lây nhiễm trong cộng đồng (R) phải giữ ở mức từ 1 đến 1,5.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, hiện tỷ lệ tử vong do Covid-19 toàn cầu khoảng 2%, giảm so với tỷ lệ 2,2% hồi đầu năm nay.
"Để đạt được những mục tiêu đó, (Trung Quốc) cần có tỷ lệ tiêm chủng cao, phải thiết lập được miễn dịch cộng đồng, biến kiểm soát dịch thành điều bình thường và phát triển các thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả", ông Chung phát biểu tại Diễn đàn Thị trưởng toàn cầu 2021 diễn ra tại thành phố Quảng Châu ngày 12/11.
Hiện tại, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Trung Quốc ở mức dưới 0,1% chủ yếu do tỷ lệ lây nhiễm trong nước thấp. "Tỷ lệ tử vong hiện tại của chúng tôi đạt được trong điều kiện đặc biệt. Điều này chưa được kiểm nghiệm trong tình huống sống chung với dịch", ông nói.
Trước đó, ông Chung từng đề cập đến những điều kiện mà Trung Quốc cần có để có thể nới lỏng hạn chế biên giới. Ông nói rằng, Trung Quốc có thể mở cửa trở lại khi dịch được kiểm soát ở những nơi còn lại trên thế giới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chuyên gia này nêu cụ thể các điều kiện đó.
Về diễn biến dịch toàn cầu, những tuần gần đây, số ca nhiễm và tử vong có xu hướng tăng khi ngày càng nhiều nước điều chỉnh chiến lược để sống chung với đại dịch.
Mặc dù tỷ lệ tử vong hiện ở mức thấp do một tỷ lệ nhất định dân số thế giới đã được tiêm chủng vaccine Covid-19, nhưng giới chuyên gia cảnh báo tình hình có thể tồi tệ hơn khi mùa Đông đến gần và một bộ phận người dân vẫn chần chừ tiêm chủng.
Theo ông Chung, để đạt được miễn dịch cộng đồng toàn cầu thông qua tiêm chủng sẽ mất 2 đến 3 năm nữa với điều kiện có sự hợp tác giữa các nước. Số liệu của giới chức y tế Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 11/11, thế giới đã tiêm gần 2,4 liều vaccine Covid-19.
Một số chuyên gia cho rằng, kinh tế Trung Quốc đủ lớn để duy trì chiến lược Zero Covid trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước mở cửa, điều đó có thể kéo theo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị cô lập. Một số ý kiến nhận định, Trung Quốc cuối cùng sẽ phải từ bỏ Zero Covid, nhưng trước tiên họ sẽ chọn vài nơi thử nghiệm để kiểm soát rủi ro.
| Covid-19 thế giới 13/11: Hơn 5 triệu ca tử vong; dịch bệnh lây lan 'rất đáng lo ngại' ở châu Âu; Hiệu quả vaccine Sinovac chỉ còn 27,9% sau 3-5 tháng Theo trang thống kê Worldometers.info, tính đến 9h ngày 13/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 253.187.778 ca mắc Covid-19, trong đó ... |
| Sống chung an toàn với Covid-19: Tình hình xấu đi, 10 nước EU đang trong tình trạng 'rất đáng lo ngại' Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết số lượng các ca bệnh Covid-19, người nhập viện và số người chết dự ... |