Thủ tướng Anh Theresa May cuối cùng đã chấp nhận hoãn bỏ phiếu của Quốc hội về thỏa thuận Brexit dự kiến diễn ra trong ngày 11/12. Một thông báo vào phút chót khiến "tiến trình ra đi" của nước Anh rơi vào tình trạng không chắc chắn. Vì không có được đa số, bà May đang ở trong tình thế chính trị rất khó khăn khi phải cố gắng thuyết phục các nghị sĩ chấp thuận thỏa thuận mà London đã đàm phán với Brussels.
Dưới đây là 8 kịch bản có thể xảy ra đối với nước Anh trong tiến trình Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May cuối cùng đã chấp nhận hoãn bỏ phiếu của Quốc hội về thỏa thuận Brexit dự kiến diễn ra trong ngày 11/12. (Nguồn: AFP) |
Bà Theresa May nhận được ủng hộ của Quốc hội
Thủ tướng Anh cần 320 phiếu để thỏa thuận Brexit được thông qua. Để đạt được điều này, bà May chỉ có thể trông chờ vào 315 nghị sĩ bảo thủ. Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP), có 10 nghị sĩ đến nay vẫn ủng hộ thủ tướng, là một phần trong những nhóm chỉ trích bản thỏa thuận, trong khi hàng chục người của Đảng bảo thủ hoài nghi châu Âu đe dọa nổi dậy và bỏ phiếu chống.
Ngay cả khi các số liệu dường như báo trước một thất bại lớn cho bà May, Chính phủ Anh vẫn cố gắng thuyết phục các nghị sĩ về việc thỏa thuận hiện tại là "duy nhất có thể" và việc từ chối nó có nguy cơ dẫn đến sự hỗn loạn của một Brexit không được kiểm soát hoặc dẫn đến việc nắm quyền của Công đảng.
Có thể đàm phán lại thỏa thuận
Tại Brussels, các đại diện châu Âu luôn nhắc lại rằng sẽ không mở lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh có thể cố gắng thuyết phục các đối tác châu Âu trong việc đưa ra đảm bảo mới về "chốt chặn" được thiết kế để tránh xảy ra một "biên giới cứng" ở Bắc Ireland.
Điều khoản này sẽ cho phép duy trì Vương quốc Anh ở lại trong một số cấu trúc châu Âu cho đến khi ký kết một hiệp định thương mại tự do và quãng thời gian này có thể kéo dài trong nhiều năm. Đây là điểm chính căng thẳng với DUP và những người bảo thủ hoài nghi châu Âu.
Nếu thành công trong việc sửa đổi thỏa thuận, bà May có thể triệu tập một cuộc bỏ phiếu thứ hai tại Hạ viện sau khi thua lần đầu tiên. Anh rời EU mà không có thỏa thuận
Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon và luật pháp của Anh. Nếu đến ngày đó không có thỏa thuận nào đạt được và thời hạn không được gia hạn, Anh sẽ trở thành quốc gia ngoài EU mà không có bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào.
Theo kịch bản này thì ngay sau ngày 29/3/2019, London sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và không còn tên trong các hiệp định thương mại của EU với các quốc gia khác. Ngân hàng Anh ước tính nếu điều này xảy ra có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 8%.
Vương quốc Anh vẫn nằm trong Khu vực kinh tế châu Âu (EEA)
Vương quốc Anh có thể quyết định ở lại Khu vực kinh tế châu Âu sau khi rời EU, như trường hợp Na Uy. Sự lựa chọn này giúp loại bỏ sự cần thiết của một "chốt chặn" cho Bắc Ireland, nhưng buộc London phải chấp nhận sự tự do đi lại của công dân châu Âu. Kịch bản này rất khó khăn vì chấm dứt đi lại tự do là một trong những yêu cầu then chốt của những công dân đã bỏ phiếu cho Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.
Những người hoài nghi châu Âu lên án rằng khi kịch bản này xảy ra, London sẽ phải tôn trọng luật pháp châu Âu mà không có quyền đưa ra quyết định của chính mình.
Tương lai của Brexit vẫn rất khó đoán định. (Nguồn: AP) |
Tổng tuyển cử hoặc thay đổi chính phủ
Nếu thua trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, Thủ tướng Anh có thể yêu cầu bầu cử sớm để cố gắng nhận được sự ủng hộ rõ ràng từ cử tri cho kế hoạch của mình. Lựa chọn bầu cử cũng sẽ xảy ra nếu Công đảng - đảng đối lập chính - yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ và giành được chiến thắng. Trong trường hợp này, một chính phủ mới sẽ có 14 ngày để nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội hoặc để kêu gọi các cuộc bầu cử.
Bà May có thể từ chức nếu thỏa thuận Brexit bị đa số nghị sĩ bỏ phiếu chống. Cuối cùng, Đảng bảo thủ cũng có thể đề xuất một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm để loại bà May khỏi quyền lực. Kết quả là, một nhà lãnh đạo bảo thủ mới sẽ trở thành thủ tướng. Trưng cầu dân ý lần thứ hai
Khoảng 700.000 người đã biểu tình tại London trong tháng 10 vừa qua để kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm khẳng định lại hoặc từ chối kết quả của cuộc trưng cầu dân ý thứ nhất diễn ra vào năm 2016, lúc đó đã có 51,9% cử tri chọn rời khỏi EU. Ở thời điểm hiện nay, cả Đảng bảo thủ và Công đảng đều không ủng hộ lựa chọn này. Tuy nhiên, nếu Quốc hội bác bỏ thỏa thuận thì lựa chọn này vẫn có thể xảy ra vì nỗi sợ về một Brexit cực đoan.
Tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai có thể mất vài tháng vì cần phải thông qua một đạo luật cụ thể, đặc thù và phải có thời gian 10 tuần đủ cho một cuộc vận động tranh cử.
Đẩy lùi thời hạn Brexit
Nếu Vương quốc Anh và 27 quốc gia thành viên EU lùi lại quyết định, họ có thể hoãn ngày ra đi của nước Anh. Một trong những khó khăn của kịch bản này nằm ở cuộc bầu cử châu Âu dự kiến từ ngày 23 đến 26/5/2019. Vào ngày đó, nước Anh, theo các thỏa thuận hiện tại, phải ở bên ngoài khối nên một trong những sự kiện đã được lên kế hoạch là giảm số lượng ghế trong Nghị viện châu Âu và trao một số ghế của Anh cho các quốc gia khác.
Hủy bỏ Brexit
Mới đây, Tòa Công lý châu Âu (EJC) phán quyết rằng nước Anh có thể đơn phương hủy quá trình Brexit, vốn được kích hoạt theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, mà không cần xin phép 27 nước thành viên EU.