📞

Tâm lý khiến doanh nghiệp tự gây khó

08:07 | 19/07/2010
Những ngày gần đây, tỷ giá USD đột ngột biến động tăng, đặc biệt giá USD trên thị trường tự do có lúc xoay quanh mức 19.200 VNĐ, cao hơn mức giá trung bình thời gian trước. Bà Nguyễn Tú Lan - Trưởng phòng Kinh doanh ngoại tệ VietinBank đã có những nhận xét xoay quanh vấn đề này.

Tỷ giá USD/VND không đáng ngại

 

Giá USD đã tương đối ổn định trong thời gian khá dài từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, xoay quanh mức 18.950 đến 19.000. Nhưng gần đây tỷ giá USD/VNĐ đột ngột nhích lên, đó là điều bình thường và cũng không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia.

 

Tỷ giá USD trước tiên chịu ảnh hưởng bởi cung cầu. Các thông tin kinh tế công bố cho thấy dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2010 đã tăng trưởng khá lớn so với cuối năm 2009. Các khoản vay từ tháng 3-6 bắt đầu đến hạn trả nợ dần vào thời điểm từ nay tới cuối năm. Do vậy, ngoài các nhu cầu ngoại tệ để thanh toán hàng hoá nhập khẩu phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu mua ngoại tệ trả nợ vay của các DN vào thời điểm này có tăng hơn so với trước, nên giá USD nhích lên là đương nhiên. Đó là sự điều chỉnh linh hoạt của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tỷ giá tăng có phần "hơi nóng" lên mức 19.200 ở thị trường tự do còn có yếu tố khác tác động.

 

Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng là tác nhân quan trọng. Quan sát thị trường cho thấy, tỷ giá luôn là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt đối với Việt Nam khi tình trạng "đôla hóa" còn khá phổ biến. Yếu tố tâm lý hay tâm lý "đám đông" luôn xuất hiện trong những thời điểm tương tự, khiến nó trực tiếp làm gia tăng thêm lượng cầu về ngoại tệ. Một số doanh nghiệp và cá nhân bị cuốn vào tâm lý đám đông, đổ xô tìm mua ngoại tệ khi thực sự không có nhu cầu hoặc chưa đến hạn thanh toán. Điều này bất lợi cho chính doanh nghiệp, đồng thời làm căng thẳng thêm cung cầu ngoại tệ một cách không đáng có.

 

Ngân hàng chỉ là trung gian ổn định tỷ giá

 

Lấy một ví dụ, cũng như các ngân hàng khác, dư nợ cho vay ngoại tệ của VietinBank trong 6 tháng đầu năm 2010 tăng trưởng khá lớn. Ngân hàng ưu tiên tập trung ngoại tệ cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) có khả năng tái tạo lại ngoại tệ; Cho vay nhập khẩu (NK) các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế như xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh, thuốc trừ sâu. Hạn chế cho vay ngoại tệ để NK các mặt hàng tiêu dùng và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

 

Đồng thời, ngay khi bắt đầu cho vay ngoại tệ, VietinBank chủ động tư vấn cho khách hàng sử dụng các sản phẩm mua bán ngoại tệ thích hợp, nhằm giúp khách hàng chắc chắn mua được ngoại tệ để thanh toán khi đến hạn với giá cả đã được xác định. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng khuyến khích và tư vấn để doanh nghiệp đa dạng hoá ngoại tệ trong thanh toán nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào USD.

 

Về bản chất, các ngân hàng đóng vai trò trung gian tài chính, mua ngoại tệ từ nhà XK để phục vụ nhu cầu của nhà NK. Ngân hàng không thể tự "sinh ra" ngoại tệ. Sự tự nguyện bán ngoại tệ của các doanh nghiệp XK có vai trò rất quan trọng giúp ngân hàng làm tốt vai trò trung gian, làm cầu nối giữa cung và cầu ngoại tệ. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý đang ảnh hưởng tiêu cực làm gia tăng cầu về ngoại tệ, gây áp lực tăng tỷ giá, đồng thời gây ra hiện tượng găm giữ ngoại tệ đối với các nhà XK, cung sẽ bị hạn chế. Như vậy, yếu tố tâm lý đã gây bất lợi "kép" làm cung cầu ngoại tệ càng chênh lệch nhiều hơn.

 

Ổn định tỷ giá cần một nền tảng kinh tế vững chắc với trọng tâm là đẩy mạnh XK, đồng thời cần có yếu tố tâm lý xã hội ổn định. Các DN cần nhận thức được điều này để tiết giảm ngay các nhu cầu ngoại tệ chưa thực sự cần thiết, cùng ngân hàng "khơi thông" dòng chảy ngoại tệ, giúp bình ổn thị trường ngoại hối, mang lại lợi ích cho tất cả các thành phần kinh tế, xã hội.

 

Việt Công (ghi)