📞

Tâm sự của những nữ ngoại giao Mỹ

22:48 | 16/11/2014
40% cán bộ ở Bộ Ngoại giao Mỹ là nữ. Điều này cho thấy năng lực đối ngoại của phái đẹp được Mỹ đánh giá cao.
Các nhà ngoại giao nữ Mỹ đã chia sẻ “bí mật” của họ. Từ trái sang: Barbara Bodine, Maura Connelly và Wendy Chamberlain.

Gần đây, tờ Politico (Mỹ) đã phỏng vấn một số nhà ngoại giao nữ nước này. Với kinh nghiệm đối ngoại hàng chục năm, họ đã kể lại những câu chuyện thực tế cho thấy vai trò của nữ giới trong công tác đối ngoại hàng ngày.

Cơ hội tiếp cận dễ hơn

Năm 1972, Bộ Ngoại giao Mỹ xóa quy định yêu cầu phụ nữ phải bỏ công việc đối ngoại khi lập gia đình. Đây thực sự là bước ngoặt, tạo điều kiện cho phụ nữ có thể tham gia vào nhiều vị trí khác nhau trong công tác đối ngoại của Mỹ. Qua đó, họ nhận ra rằng "phái yếu" có thể làm được nhiều hơn những gì họ nghĩ và có lợi thế trên nhiều phương diện, đặc biệt là việc tiếp cận thông tin.

Nhiều nhà ngoại giao nữ của Mỹ khẳng định rằng ở những nước mà vai trò của phụ nữ được đề cao thì nhà ngoại giao nam chưa chắc có thể làm được nhiều việc hơn nhà ngoại giao nữ. Dù trong một bữa tiệc hay một đám tang thì những nhà ngoại giao nữ vẫn có thể phá vỡ được khoảng cách về giới tính một cách chính thức hoặc không chính thức. Qua đó, họ có được những nhìn nhận sâu sắc hơn về vấn đề, thu thập được nhiều thông tin hơn. Chính vì thế, ở những quốc gia mà phụ nữ có tiếng nói và ưu thế trong cộng đồng thì Mỹ đã "khôn khéo" cử đến đó một nữ Đại sứ.

Bà Margaret Socobey, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria, Ai Cập, Yemen, Các Tiểu Vương quốc Ảrập nói rằng bà đánh giá cao việc phụ nữ tiếp cận rộng rãi vào cộng đồng nước sở tại để có thể hiểu, nắm bắt thông tin và xử lý vấn đề một cách hiệu quả. Đặc biệt, tại những cộng đồng mà vai trò của người phụ nữ nổi bật thì "chỉ có những người phụ nữ mới hiểu được nhau".

Hơn nữa, những nhà ngoại giao nữ của Mỹ rất hiếm khi từ chối một cuộc họp hay một cuộc hẹn. Điều này làm hài lòng hầu hết những cán bộ đối ngoại của nước sở tại. Họ luôn coi những nhà ngoại giao nữ là những người có hiểu biết, am hiểu tình hình quốc tế và cảm thấy tự hào khi được tiếp xúc.

Tuy nhiên, việc tìm hiểu thông tin, nắm bắt tình hình không phải lúc nào cũng dễ dàng khi nhà ngoại giao nữ công tác tại nước mà vai trò của phụ nữ bị đánh giá thấp. Bà Andrea Farsakh, người đã có một nhiệm kỳ kéo dài ở Các Tiểu Vương quốc Ả rập nói rằng công tác của bà tại đây tương đối khó khăn, nhiều đồng nghiệp, kể cả cấp trên của bà đều khuyên không nên đến những bữa tiệc mặc dù nước sở tại có gửi thư mời.

Nữ tính là "chìa khóa"

Điều thú vị là đàn ông thì thường thích trò chuyện với phụ nữ. Chính vì thế, đôi lúc nét nữ tính của những nhà ngoại giao nữ lại là "chìa khóa" hóa giải nhiều vấn đề giữa hai bên.

Bà Barbara Bodine, cựu Đại sứ Mỹ tại Yemen nói rằng trong các cuộc hội thoại, người phụ nữ thường không đe dọa đối phương mà họ thường mềm dẻo và khéo léo cho dù nội dung câu chuyện có gay cấn đến mấy. Chính những tính cách cơ bản của phái đẹp đã giúp họ gặt hái được những điều ý nghĩa hơn là thông tin đơn thuần.

Khi còn là Phó Đại sứ tại Kuwait vào cuối những năm 1980, bà Bodine đã "moi" được một lượng thông tin "khủng" trong lần tới thăm một quan chức cấp cao của nước sở tại. Chính cái "khéo" và cái "khôn" đã giúp bà đạt được điều đó, một nửa cuộc trò chuyện bà tập trung trao đổi về công việc, nửa còn lại bà nói về những chương trình truyền hình mà ông ấy say mê từ khi còn nhỏ. Lúc trở về cơ quan, đồng nghiệp của bà Bodine đều kinh ngạc trước lượng thông tin mà bà "thu hoạch" được.

Nhà ngoại giao nữ đôi khi có thể chỉ cần giao tiếp bằng mắt cũng đủ để hấp dẫn người khác đứng về phía lập trường của họ. Cả ngoại hình với họ cũng vô cùng cần thiết đặc biệt khi xuất hiện trước cộng đồng. Đó là lý do mà bà Beth Payne, một viên chức ngoại giao Mỹ từng công tác tại các nước như Rwanda, Ấn Độ luôn chăm chút vẻ bề ngoài của mình.

Nhưng dù hình ảnh của nhà ngoại giao nữ có đẹp đến đâu thì cũng không thể thay đổi được bối cảnh đất nước nơi họ làm việc. Yếu tố xã hội tại nước sở tại cũng đóng vai trò quyết định vào sự thành công của nhà ngoại giao nữ. Nếu họ công tác tại một quốc gia có sự phân biệt đối với phụ nữ nước ngoài thì mọi chuyện sẽ trở lên khó khăn. Bà Maura Connelly tỏ ra thất vọng khi làm nhiệm vụ đối ngoại tại Lebanon, nơi coi những phụ nữ nước ngoài như một loại thuộc "giới tính thứ ba". Bà luôn phải làm việc với một cảm giác khó chịu, những thông tin bà cố gắng thu thập được đều "bay hơi" vì sự thiếu thiện chí của chính quyền nước sở tại.

Thu Hiền