Ngày 26/8, ngay trước khi Hội nghị bế mạc, một niềm vui khá bất ngờ đã đến với toàn thể cán bộ, nhân viên của Bộ Ngoại giao. Đó là khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia đối với Trụ sở Bộ Ngoại giao, số 1 Tôn Thất Đàm.
Theo Vụ trưởng Vụ Văn hoá Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Phạm Sanh Châu, Trụ sở Bộ Ngoại giao là một công trình kiến trúc nổi bật đại diện cho trường phái kiến trúc Đông Dương, do Kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế năm 1925 và hoàn tất xây dựng năm 1928. Tòa nhà cũng được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41 ngày 3/10/1945, giao làm Trụ sở Bộ Ngoại giao. Trong hơn 60 năm qua, Bộ Ngoại giao liên tục quản lý và sử dụng tòa nhà này, được ví như “Từ Đường” của ngành Ngoại giao.
Lễ Thượng cờ ASEAN tại Trụ sở Bộ Ngoại giao ngày 8/8/2016. |
Chia sẻ về sự kiện này, ông Nguyễn Việt Dũng, Tổ trưởng Tổ in ấn-vi tính phòng Hành chính (Văn phòng Bộ) với thâm niện 26 năm công tác trong Ngành, cho biết: “Tôi vô cùng tự hào khi được rèn giũa và làm việc trong tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao số 1 Tôn Thất Đàm. Trước đây, dù đã ý thức được vẻ đẹp và giá trị lịch sử của tòa nhà nơi mình làm việc hằng ngày, nhưng khi trụ sở này được công nhận là Di tích cấp Quốc gia, niềm tự hào trong tôi tăng lên gấp bội”.
Là một cán bộ trẻ của Bộ Ngoại giao, anh Nguyễn Duy Sơn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ chia sẻ: “Được làm việc trong một di tích cấp Quốc gia có giá trị lớn về lịch sử và thẩm mỹ là vinh dự đối với bất kỳ ai, không riêng cá nhân tôi. Khi biết tin này, cảm xúc rõ nét nhất trong tôi là sự rung động trước những phấn đấu miệt mài không ngừng nghỉ của lớp lớp cán bộ ngoại giao Việt Nam trong suốt 70 năm qua trong “ngôi nhà lớn” mà các thế hệ tiền bối đã chứng kiến và ghi dấu. “Ngôi nhà lớn” ấy chính là trụ sở số 1 Tôn Thất Đàm. Nó thật đẹp, thật duyên dáng, thật nhiều kỷ niệm và đã chứng kiến nhiều chiến công của ngành Ngoại giao. Trên Facebook của tôi, các đồng nghiệp đều chia sẻ những tấm ảnh thật đẹp về công trình này. Điều đó khiến tôi vô cùng xúc động”.
Chia sẻ niềm vui này, chị Phạm Thu Hà, thường trực Ban Nữ công – Công đoàn Bộ Ngoại giao cho rằng: Cùng với vinh dự đó, tôi thấy trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao khi làm việc trong di tích này chính là bảo vệ, gìn giữ sao cho công trình này trường tồn với thời gian, mãi là “Từ đường” của Ngành như Vụ trưởng Phạm Sanh Châu đã phát biểu tại lễ đón nhận Bằng di tích cấp Quốc gia hôm 26/8”.
"Trụ sở Bộ Ngoại giao được xây dựng từ năm 1925, là một trong số ít công trình có giá trị kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp đến nay… Từ sau năm 1954, công trình này được Bộ Ngoại giao đóng làm Trụ sở. Trong quá trình đó có rất nhiều sự kiện liên quan đến ngành Ngoại giao và liên quan đến lịch sử nước nhà đã diễn ra tại đây. Với giá trị kiến trúc và lịch sử đó, Bộ VH-TT&DL đã quyết định xếp hạng đây là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Sau khi được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, công trình này sẽ được bảo vệ bởi Luật Di sản Văn hóa và các văn bản liên quan đến bảo vệ các công trình di sản văn hóa". Ông Trần Đình Thành Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT&DL |
Ấn tượng và cảm động hơn cả có lẽ là chia sẻ của ông Trần Tam Giáp (83 tuổi), Chủ nhiệm CLB Hưu trí Bộ Ngoại giao, người từng có 30 năm gắn bó với Ngành và hiện vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân và dõi theo các sự kiện liên quan đến Ngành. Ông cho biết: “Trụ sở Bộ Ngoại giao tại số 1 Tôn Thất Đàm gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của ngành Ngoại giao, là địa chỉ do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn dành cho Bộ Ngoại giao từ năm 1954. Chính vì vậy, việc Trụ sở Bộ Ngoại giao được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia chính là vinh dự lớn đối với các thế hệ cán bộ, nhân viên của Bộ”.
“Với riêng cá nhân tôi, về công tác Bộ Ngoại giao từ năm 1966, Trụ sở Bộ Ngoại giao tại số 1 Tôn Thất Đàm có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những lần Bác Hồ đến thăm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến giảng bài về nghiệp vụ ngoại giao, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự các kỳ Hội nghị Ngoại giao… mà đến năm nay đã là Hội nghị lần thứ 29”, ông nói.
Ông Giáp tâm sự thêm: “Có thể nói, việc Trụ sở Bộ Ngoại giao số 1 Tôn Thất Đàm được xếp hạng di tích Quốc gia là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với không chỉ những cán bộ, nhân viên ngoại giao đang làm việc, mà còn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với những cán bộ lão thành như ông”. Vị cán bộ lão thành nổi tiếng năng nổ của ngành Ngoại giao chợt xuất khẩu thành thơ, như một cách để chia sẻ những cảm xúc đẹp đẽ đang chất chứa trong lòng:
“Tòa nhà Bộ Ngoại giao ta,
Được xếp hạng Cấp Quốc gia hàng đầu
“Lịch sử - Kiến trúc” các lầu
Xứng danh di tích đứng đầu Việt Nam
Niềm tự hào, vui ngập tràn
Ngắm nhìn Trụ sở hân hoan vô bờ
Trải bao năm tháng đợi chờ
Bằng Di tích đã đến giờ được trao
Ngoại giao biết mấy tự hào!”