Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết đối đầu với giới siêu giàu, để có thể cải cách nền kinh tế. (Nguồn: Ndtv) |
Truyền thông Ukraine mới đây đã dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khi nói về những vấn đề đang cản trở đất nước này, trong chuyến thăm chính thức mới đây. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã lưu ý, từ ngay bên trong lòng Ukraine đã có các thế lực tài phiệt muốn nước này không thể phát triển.
Đứng đầu danh sách những nước nghèo nhất châu Âu
Cuối năm ngoái, trong bảng xếp hạng Các thị trường hứa hẹn nhất của Bloomberg, Ukraine đứng đầu danh sách những nước nghèo nhất trong cộng đồng các nước châu Âu. Ukraine bị cho là chỉ thuộc châu Âu về mặt địa lý, nhưng về mặt kinh tế thì không có nhiều điểm tương đồng.
Theo các chuyên gia, với sự sụp đổ của hệ thống Xô Viết, nước này chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Quá trình chuyển tiếp diễn ra khó khăn và đa số dân cư rơi vào tình trạng nghèo khổ.
Kinh tế Ukraine giảm phát nghiêm trọng trong những năm sau sự sụp đổ của Liên Xô. Cuộc sống người dân rơi vào nghèo khổ vì phải “đấu tranh” hàng ngày để tìm kiếm lương thực, thực phẩm.
Ngoài ra, nền kinh tế Ukraine vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau đó, liên tiếp bị “bồi thêm các đòn nặng ký”- khủng hoảng chính trị nổ ra, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, xung đột bùng lên ở miền Đông, khiến kinh tế Ukraine ngày càng suy giảm đi rất nhiều.
Những nguyên nhân chính cản trở nền kinh tế Ukraine là chính trị bất ổn định và cải cách thiếu hiệu quả. Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã yêu cầu Ukraine phải nhanh chóng "dọn dẹp" những vấn đề nóng trong nền kinh tế và ổn định lĩnh vực tài chính, nếu muốn đạt được tăng trưởng bền vững.
Ukraine đang thật sự thay đổi?
Hãng tin BBC mới đây trong một bài bình luận về tình hình Ukraine có viết: “Hai năm sau khi trở thành Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelensky dường như đã rõ ràng hơn về một mục tiêu quan trọng - tốt cho nền kinh tế nước này.
Chúng tôi đang xây dựng một đất nước không có giới tài phiệt. Ý tưởng về một nhóm cá nhân kiểm soát đủ các nguồn vốn, tài nguyên và tạo ảnh hưởng đến nền chính trị quốc gia đang bị xóa bỏ”, ông Zelensky nói.
Đó cũng là tuyên bố được cho là rất táo bạo đã giúp ứng cử viên tổng thống Zelensky, khi đó là một diễn viên hài, giành được chiến thắng vang dội vào năm 2019.
Nhưng kể từ khi nhậm chức, giới quan sát đều có nhận xét rằng, có rất ít dấu hiệu cho thấy Tổng thống Zelensky thực hiện lời hứa của mình để thực sự thay đổi cách thức hoạt động của nền kinh tế Ukraine.
Giới tài phiệt Ukraine là một nhóm nhỏ các doanh nhân siêu giàu đang chi phối đời sống kinh tế và chính trị của đất nước. Hầu hết họ trở nên giàu có trong những năm 1990, nhờ mua rẻ tài sản nhà nước khi chúng được tư nhân hóa. Khi đó, chỉ qua một đêm, những người này bỗng chốc trở thành chủ sở hữu của những công ty độc quyền béo bở.
Với sự hậu thuẫn vô hình, những xúc tu của giới tài phiệt đã thâm nhập sâu vào xã hội Ukraine. Nhiều người thậm chí có đảng phái chính trị riêng và cả các hãng truyền thông hỗ trợ. Một số còn có các thẩm phán và công chức cấp cao sẵn sàng thực hiện các yêu cầu nếu họ cần.
Như nhận định từ Chiến lược gia Timothy Ash của Bluebay Asset Management, “Không ở đâu thuộc châu Âu mới nổi - nơi các quốc gia đã áp dụng cách tiếp cận phương Tây, các nhà tài phiệt lại chiếm ưu thế như ở Ukraine. Chắc chắn, sẽ có một vài nhân vật quyền lực trong một nền kinh tế nào đó, nhưng họ không chi phối tuyệt đối nền kinh tế như ở Ukraine ”.
Với một thiết lập ban đầu như vậy, thật khó để thúc đẩy bất kỳ cải cách nào mà nó có khả năng “đe dọa” tới hệ sinh thái hàng đầu đó.
Trong những tuần gần đây, với sự thúc đẩy mạnh mẽ từ Washington, đã có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Zelensky đang có những cố gắng nhất định.
Hồi tháng Ba vừa qua, chính quyền Mỹ đã áp lệnh trừng phạt nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky - người được cho là đồng minh của Tổng thống Zelensky. Ông trùm dầu mỏ và truyền thông của Ukraine bị cáo buộc tham nhũng và gian lận thương mại, làm xói mòn tính thượng tôn pháp luật và niềm tin của người dân Ukraine vào chính quyền Kiev. Tài phiệt Kolomoisky và toàn bộ thành viên trong gia đình bị cấm đến Mỹ.
Ông Kolomoisky có lẽ cũng là nhà tài phiệt nổi tiếng nhất của Ukraine. Nổi tiếng về những phát ngôn mạnh mồm và các vụ việc gây nhiều tranh cãi. Vị doanh nhân quyền lực này có nhiều mối quan tâm kinh doanh khác nhau, từ công nghiệp khai thác cho đến các hãng hàng không.
Vào năm 2016, ngân hàng lớn nhất Ukraine PrivatBank do ông Kolomoisky thành lập đã bị quốc hữu hóa để tránh nguy cơ khủng hoảng cho hệ thống ngân hàng, sau khi 4,5 tỷ USD bị “mất tích” trong bảng cân đối kế toán và những tin đồn về nợ xấu. Tất nhiên, ông này vẫn đăng đàn tuyên bố phủ nhận bất cứ việc gì sai trái.
Sau đó là Viktor Medvedchuk - một doanh nhân giàu có và là bạn thân của Tổng thống Nga V. Putin, tháng này vừa bị buộc tội phản quốc và bị quản thúc tại gia.
Trong nhiều năm, ông Medvedchuk, lãnh đạo đảng Vì cuộc sống (OPFL) thân Nga, đã được các giới chức Ukraine dung nạp vì được coi là một kênh liên lạc quan trọng với Điện Kremlin. Với việc ông Zelensky không đạt được tiến bộ nào trong nỗ lực đàm phán với Nga để chấm dứt chiến tranh ở miền Đông, có vẻ như đã có những toan tính khác.
Cựu Tổng thống Petro Poroshenko có thể là trường hợp tế nhị nhất. Ông trùm cửa hàng đồ ngọt từng giành chiến thắng vào năm 2014, trước khi chịu thua trong cuộc đua gay cấn với người mới và “ngoại đạo” là danh hài Zelensky, 5 năm sau đó.
Kể từ khi rời nhiệm sở, ông Poroshenko vẫn phải đối mặt với hàng loạt cuộc điều tra và truy tố. Tổng thống Zelensky trong tuần trước đã cáo buộc người tiền nhiệm đã làm "nhiều điều tồi tệ và nghiêm trọng" khi đương nhiệm và hiện đang phải đối mặt với "nghiệp chướng".
Kế hoạch mới của ông Zelensky?
Theo yêu cầu của Tổng thống Zelensky, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đã soạn thảo một danh sách gồm 13 nhà tài phiệt chưa được nêu tên và Dự luật chống tài phiệt có thể sẽ được công bố trong vài tuần tới.
Ông Zelensky tuyên bố, “Không sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để gây ảnh hưởng, không tạo ảnh hưởng đến chính trị, không tác động đến các quan chức chính phủ”. Nhưng nếu những điều trên xảy ra, người liên quan sẽ nhận được một tấm vé gọi là “đầu sỏ”, được ghi tên vào “sổ đen” và khi đó, một phần lớn tài sản của họ sẽ bị định đoạt.
Điều trên có ý nghĩa gì đối với cựu Tổng thống Poroshenko? Sở hữu khối tài sản ròng 1 tỷ USD, một đảng chính trị và các kênh truyền hình, ông ta chắc chắn có tên trong bất kỳ "sổ đen" nào. Luật mới cũng có thể ngăn cản ông ra tái tranh cử với đương kim Tổng thống Zelensky, trong cuộc bầu cử vào năm 2024.
Hiện tại, có khá nhiều luồng quan điểm về cách làm của đương kim Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ủng hộ, phản đối hay nghi ngờ đều có, nhưng họ đều chung quan điểm rằng, “bất kỳ biện pháp nào chống lại hoạt động kinh doanh của các nhà tài phiệt cũng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Ukraine”, như cựu Bộ trưởng Tài chính Danylyuk chỉ ra.
Không ít người đã đưa ra cách làm của Tổng thống Nga Vladimir Putin - người đã yêu cầu ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình rằng, “các tỷ phú của đất nước, hoặc ủng hộ ông ấy, hoặc từ bỏ sự giàu có của họ”.