Tấn công kinh hoàng
Ngày 23/5, hãng tin BBC dẫn nguồn tin từ các lực lượng thực thi pháp luật Anh cho biết vào khoảng 22h35 ngày 22/5 (giờ địa phương) đã xảy ra một vụ nổ vào cuối buổi biểu diễn của ca sĩ nhạc pop người Mỹ Ariana Grande tại sân vận động Manchester Arena, thành phố Manchester. Hiện trường vụ nổ là khu vực tiền sảnh của sân vận động, gần ga Manchester Victoria - trạm trung chuyển lớn nằm ở rìa phía Bắc trung tâm thành phố. Sau khi xảy ra vụ việc, nhà ga này đã bị đóng cửa và toàn bộ các chuyến tàu bị hủy.
Hiện trường vụ đánh bom khủng bố ở sân vận động Manchester Arena. (Nguồn: AFP) |
Cùng ngày, cảnh sát Anh khẳng định vụ nổ xảy ra ở thành phố Manchester là một vụ tấn công liều chết. Tại cuộc họp báo, Cảnh sát trưởng Manchester Ian Hopkins cho biết đến thời điểm này, họ tin rằng vụ tấn công trên là do 1 nam giới tiến hành và lực lượng chức năng đang ưu tiên xác minh xem đối tượng trên hành động đơn lẻ hay có nhiều người khác cùng tham gia. Cảnh sát cho biết thêm kẻ tấn công đã kích hoạt một thiết bị nổ tự chế trong lúc khán giả đang rời buổi biểu diễn, đồng thời xác nhận đối tượng tấn công đã chết tại hiện trường.
Cảnh sát trưởng thành phố Manchester xác nhận số nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ đã lên tới 22 người, trong đó có cả trẻ em và 59 người bị thương.Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận thực hiện vụ tấn công khủng bố này.
Sau vụ tấn công, Thủ tướng Anh Theresa May đã triệu tập một cuộc họp của ủy ban an ninh hàng đầu nước này, đồng thời cho biết đảng Bảo thủ sẽ hoãn chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử Hạ viện dự kiến diễn ra vào ngày 8/6 tới. Thủ tướng Anh May cũng lên án vụ tấn công khủng bố kinh hoàng và gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân xấu số.
Thủ tướng Anh Theresa May lên án vụ tấn công khủng bố kinh hoàng. (Nguồn: EPA) |
Thủ lĩnh Công đảng Anh Jeremy Corbyn gọi đây là “sự việc kinh hoàng tại Manchester”, đồng thời chia sẻ cảm thông với gia đình các nạn nhân. Trên mạng xã hội Twitter, tân Thị trưởng Manchester Andy Burnham bày tỏ chia buồn với các gia đình mất người thân trong vụ nổ. Thị trưởng London Sadiq Khan cũng chia buồn cùng gia đình các nạn nhân và nhấn mạnh London sát cánh cùng Manchester.
Cộng đồng quốc tế kịch liệt lên án
Phản ứng sau khi xảy ra vụ tấn công tại Anh, Văn phòng Tổng thống Pháp ra tuyên bố bày tỏ chia buồn với nước Anh và gọi sự việc trên là “vụ khủng bố hèn hạ nhất”. Tuyên bố cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có kế hoạch điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May cũng như tiếp tục cập nhật về diễn tiến cuộc điều tra vụ tấn công ở Manchester. Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe kêu gọi người dân cảnh giác sau tội ác đáng lên án tại Manchester.
Trong một thông báo, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ sát cánh cùng người dân Anh và các nước trên thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull lên án mạnh mẽ hành động khủng bố này, cho rằng hệ thống an ninh ở châu Âu đang thực sự có vấn đề khi liên tiếp để xảy ra các vụ tấn công khủng bố trong thời gian vừa qua.
Trên mạng Internet, một số chính trị gia và những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc trên thế giới cũng phản ứng mạnh mẽ trước vụ việc. Một số nghệ sĩ như rapper người Mỹ Nicki Minaj, ca sĩ Taylor Swift và Katy Perry cũng gửi lời chia buồn tới các gia đình nạn nhân trong thảm kịch.
Một nạn nhân bị thương trong vụ tấn công. (Nguồn: Reuters) |
Thách thức lớn về an ninh
Trong quá khứ, nước Anh từng nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công khủng bố bao gồm các chiến dịch của nhóm Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX và gần đây là các âm mưu từ IS. Trong vòng 4 năm qua, các cơ quan an ninh Anh đã đập tan 13 âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào nước này.
Vụ nổ tại sân vận động Manchester Arena xảy ra đúng 2 tháng sau vụ tấn công khủng bố do IS thực hiện bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại Cung điện Westminster ở thủ đô London, khiến 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương. Vụ tấn công khủng bố tại Manchester khiến 22 người thiệt mạng là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Anh kể từ khi 4 phiến quân Hồi giáo cực đoan đánh bom liều chết nhằm vào hệ thống giao thông của London hồi tháng 7/2005 làm 52 người thiệt mạng.
Trước các vụ tấn công khủng bố bên ngoài tòa nhà Quốc hội tại Cung điện Westminster ở thủ đô London và sân vận động Manchester Arena, giới chức an ninh Anh đã nhiều lần cảnh báo, lực lượng IS, những phần tử thánh chiến từ Iraq và Syria đang coi Anh là mục tiêu mới. Như thế có nghĩa là xứ sở sương mù cũng đang phải đối mặt với nguy cơ giống Liên minh châu Âu (EU) khi theo báo cáo công bố cuối năm 2016 của EU, khoảng 5.000 phần tử thánh chiến Hồi giáo người châu Âu đã đến Syria và Iraq, trong đó khoảng 1/3 đã quay trở lại Lục địa già và một số phần tử đã nhận lệnh tiến hành các vụ tấn công khủng bố.
Cảnh sát lập vành đai bảo vệ ở Quảng trường Quốc hội tại London ngày 22/3. (Nguồn: Reuters) |
Tổ chức IS có thể tiến hành khủng bố trong tương lai gần dưới các hình thức đánh bom tự sát, xả súng hàng loạt, sử dụng vũ khí hóa học... nhằm tối đa hóa thương vong trên khắp châu lục này. Tất cả các nước EU đều là mục tiêu của khủng bố bởi đa số chính phủ các nước này đều ủng hộ liên minh quốc tế chống IS ở Syria do Mỹ dẫn đầu.
Hơn nữa, những thất bại nặng nề liên tiếp gần đây tại chiến trường Syria và Iraq sẽ khiến IS chuyển hướng sang tăng cường hoạt động tại châu Âu nhằm trả thù và phô trương sức mạnh.
Chống khủng bố không phải là một thách thức mới đối với châu Âu. Tuy nhiên, cuộc chiến này đã bước sang giai đoạn khó khăn hơn với các hành động tấn công ngày càng nguy hiểm, tàn bạo và dưới nhiều hình thức mới.
Theo các nhà phân tích, việc tốt nhất là tổ chức tốt mạng lưới an ninh châu Âu và tăng cường hợp tác giữa các nước. Nếu châu Âu không hành động mang tính phối hợp thì vấn đề chống khủng bố vẫn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.