Tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (trái) và người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry gặp nhau tại Cairo, ngày 15/1. (Nguồn: AP) |
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ở thủ đô Cairo, ông Shoukry cho biết, hai bên đã thảo luận về quan hệ hợp tác giữa Ai Cập và Trung Quốc cũng như các vấn đề khu vực, bao gồm cả cuộc xung đột Israel-Palestine.
Theo ông Shoukry, Ai Cập mong muốn thu hút ngày càng nhiều khách du lịch Trung Quốc đến nước này. Ai Cập đã và đang nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi của ngành công nghiệp không khói trước các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Hai ngoại trưởng nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác sâu rộng giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực, đồng thời nêu bật ý chí chính trị chung nhằm tăng cường hợp tác song phương.
Trước đó cùng ngày, ông Tần Cương đã hội kiến Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và gặp Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit.
Tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Ai Cập, hai bên thảo luận về quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh sẽ tiếp tục đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng của Ai Cập.
Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án do chính phủ Ai Cập quản lý như Khu Kinh tế Kênh đào Suez và Thủ đô hành chính mới được xây dựng trên khu vực sa mạc phía Đông thủ đô Cairo.
Trong vài năm qua, quan hệ hợp tác Ai Cập-Trung Quốc chứng kiến bước phát triển đáng kể trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, thương mại và vận tải.
Hai nước đã và đang triển khai hợp tác trong các lĩnh vực điện, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, đường sắt, đường cao tốc, cảng, khai khoáng, vật liệu xây dựng, hóa chất, thiết bị chiếu sáng, dệt may và đồ gia dụng.
Trong giai đoạn 2014-2022, Tổng thống El-Sisi đến thăm Trung Quốc 7 lần nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, cũng như thu hút đầu tư từ Trung Quốc vào thị trường Ai Cập.
Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ai Cập sẽ nhận được khoản vay 1 tỷ USD của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc trong tài khóa 2022-2023 để giải quyết tình trạng khó khăn tài chính hiện nay.
Nền kinh tế Ai Cập đang phải chịu sức ép lớn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, với lạm phát gia tăng và tình trạng thiếu hụt ngoại tệ cần thiết để nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu. Tuần trước, chính phủ Ai Cập đã công bố một gói biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm bảo toàn nguồn dự trữ ngoại hối.
Chuyến thăm Ai Cập là chặng đừng chân cuối cùng trong chuyến công du kéo dài một tuần của ông Tần Cương tới 5 quốc gia châu Phi, nơi Trung Quốc đã đầu tư khoảng 160 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trong hai thập kỷ qua.