Tân Tây Du ký được khen ngợi là đã xây dựng được hình tượng các nhân vật mới mẻ. |
Năm 2011, Tân Tây Du Ký lần đầu phát sóng trên một số kênh địa phương Trung Quốc đã thu về không ít tranh cãi. Trong lần lên sóng đài truyền hình Bắc Kinh vào 1/2012 vừa qua, bộ phim này lại tiếp tục phải gánh chịu sức "công phá" mạnh mẽ của những ngòi bút sắc sảo của các nhà lý luận phê bình. Bên cạnh đó, cư dân mạng còn gay gắt bình phẩm bộ phim lạm dụng kỹ xảo thái quá, đặc biệt là phần tạo hình của các diễn viên. Lý do đầu tiên dẫn đến sự mâu thuẫn trong tiếp nhận tác phẩm là cách làm mới của nhà sản xuất không tương thích với quan niệm của nhiều người.
Tuy nhiên, trên thực tế, Tân Tây Du Ký lại nhận được thiện chí từ không ít người xem. Bộ phim được khen ngợi đã xây dựng được hình tượng các nhân vật mới mẻ nhưng chân thật và trung thành với tinh thần của tác phẩm. Nếu tạo hình trong Tây Du Ký năm 1986 được làm theo tạo hình trong kinh kịch thì với phiên bản này, đạo diễn đã tạo hình các nhân vật theo hướng hiện thực hóa, do đó khuôn mặt các nhân vật nhìn chân thực hơn. Nhằm đem lại cảm giác chân thực và gần gũi nhất, những lời thoại trong phiên bản mới cũng hướng đến sự ngắn gọn kết hợp với cách nói truyện hài hước phù hợp với khán giả thời nay.
Tân Tây Du Ký có sự tham gia diễn xuất của nhiều ngôi sao truyền hình nổi tiếng như Nhiếp Viễn, Ngô Việt, Tạng Kim Sinh, Từ Cẩm Giang. Ngoài ra Vi Tử (Ngọc hoàng đại đế), Thang Trịnh Tôn (Đường Thái Sư), Tần Cảng Sơn (Bồ tát)… đều là những nhân vật mà khán giả có thể dễ dàng "điểm mặt gọi tên" mỗi khi xuất hiện. Theo dõi phim, người xem dễ dàng nhận ra "bóng dáng" của các nhân vật trong phim hành động Hollywood. Cách làm mới này ban đầu đã gặp phải không ít bất bình nhưng sau khi những thước phim hoàn chỉnh được công bố, làn sóng phản đối đã dịu đi khá nhiều. Sự cải thiện vượt bậc này xuất phát từ cách diễn xuất linh hoạt đầy thu hút của dàn diễn viên tài ba.
Nếu phiên bản 1986 chủ yếu sử dụng bối cảnh hướng Tây từ Trường An, qua Tân Cương, qua Trung Á thì phiên bản mới chú ý đến địa điểm đều là những nơi phong cảnh hữu tình của Trung Quốc như Tân Cương, Cam Túc, Nội Mông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Hồ Nam, Sơn Tây, Hà Bắc, Thiểm Tây... Vì vậy, dù gặp phải dư luận trái chiều nhưng xét một cách khách quan thì bộ phim góp phần "lấp khoảng trống" không nhỏ cho mảng phim truyền hình trong giai đoạn còn thiếu hụt sự sáng tạo và đổi mới.
AN BÌNH