📞

Tân Tổng Thư ký LHQ: Nỗ lực vì nền hòa bình thế giới

10:45 | 06/01/2017
Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có nhiều biến động, ông Antonio Guterres được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho Liên hợp quốc (LHQ).

LHQ - tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh, chính thức có nhà lãnh đạo mới từ ngày 1/1/2017. Tân Tổng Thư ký Antonio Guterres được đánh giá là người có đủ khả năng dẫn dắt LHQ vượt qua  thách thức trong giai đoạn tới.

Nhiều kinh nghiệm chính trường

Ông Guterres, năm nay 68 tuổi, từng đảm nhiệm chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ 1995 tới 2002. Sau đó, trong giai đoạn 2005-2015, ông giữ vai trò là Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), trước khi tham gia ứng cử vào vị trí Tổng Thư ký LHQ đầu năm 2016.

Tân Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (phải) và Tổng Thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon tại trụ sở LHQ ở New York, ngày 12/12/2016. (Nguồn: AP)

Trong giai đoạn nắm quyền ở Bồ Đào Nha cũng như khi lãnh đạo UNHCR, ông Guterres đều thể hiện được năng lực của mình. Dưới sự điều hành chính phủ của ông, Bồ Đào Nha đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, xã hội quan trọng, kinh tế phát triển và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp. Ông cũng là người ủng hộ tiến trình hội nhập ở châu Âu, khi Bồ Đào Nha là một trong những nước đầu tiên sử dụng đồng tiền chung Euro từ năm 1999. Năm 2000, ông đã có nhiều hoạt động ấn tượng khi Bồ Đào Nha đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU).

Trong nhiệm kỳ tại UNHCR, ông Guterres đã dẫn dắt cơ quan này xử lý nhiều khủng hoảng tị nạn do các cuộc xung đột sắc tộc lớn xảy ra ở Syria, Afghanistan, Iraq, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi hay Yemen… Bên cạnh đó, ông cũng tích cực kêu gọi nhiều quốc gia châu Âu chung tay hỗ trợ người di cư vượt qua cơn khủng hoảng.

Có thể nói, với thời gian 7 năm làm Thủ tướng Bồ Đào Nha và 10 năm đứng đầu UNHCR, ông Guterres đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoạt động cả trong nước lẫn quốc tế - điều rất quan trọng cho vị trí Tổng Thư ký LHQ.

Sức sống và phong cách mới

Cho đến nay, LHQ vẫn là tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu, có mục tiêu giữ gìn hòa bình, an ninh quốc tế cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của nhân loại. Vì vậy, Tổng Thư ký có vai trò rất lớn trong việc điều phối, dẫn dắt LHQ và các nước thành viên thực hiện các mục tiêu trên.

Có thể thấy, là một nhà hoạt động chính trị quốc tế lâu năm, ông Guterres hiểu rất rõ ý nghĩa của nền hòa bình thế giới. Điều này thể hiện ngay qua bài phát biểu trong ngày làm việc đầu tiên (1/1), ông Guterres đã kêu gọi LHQ “đặt hòa bình lên hàng đầu”, toàn thế giới “ưu tiên cho hòa bình” trong năm 2017. “Hãy biến 2017 thành một năm mà tất cả mọi người dân, chính phủ cũng như các lãnh đạo đều nỗ lực hết mình để cùng vượt qua khác biệt”, ông Guterres nói.

Đáng chú ý, ông Guterres đặt ra câu hỏi “làm thế nào để giúp đỡ hàng triệu người mắc kẹt trong các cuộc xung đột và phải hứng chịu hậu quả của những cuộc chiến không hồi kết”. Ông nhấn mạnh dân thường đang trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công đẫm máu, đồng thời khẳng định không bên nào chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Hàng nghìn tỷ USD đã được chi ra cho những cuộc chiến tàn phá nền kinh tế và xã hội, khơi dậy sự ngờ vực và nỗi sợ hãi có thể kéo dài nhiều thế hệ. Theo tân Tổng Thư ký, chấm dứt tình trạng này, đảm bảo nền hòa bình thế giới chính là nhiệm vụ hàng đầu của LHQ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, trong bài phát biểu ngày 1/1 của mình, ông Guterres đã đề ra một số phương hướng cơ bản. Trước hết, ông tuyên bố sẽ làm việc với tất cả các chính phủ và cho họ thấy tinh thần sẵn sàng hợp tác “trước những thách thức to lớn mà chúng ta cần cùng nhau đối mặt”. Trong bối cảnh thế giới gặp nhiều thách thức trên mọi lĩnh vực, rõ ràng, chỉ có sự đoàn kết của 193 quốc gia thành viên mới mang lại giải pháp hiệu quả.

Ông Guterres cũng đề cao giá trị của hành động, thể hiện là con người của hành động, “nói đi đôi với làm”. Ông nhấn mạnh “phải tập trung nhiều vào hành động chứ không phải tiến trình, dồn sức cho con người chứ không phải thể chế quan liêu”. Trên cơ sở đó, ông sẽ tập trung nâng cao hiệu quả làm việc của LHQ, cải tổ LHQ thành một tổ chức làm việc “nhanh chóng, hiệu quả và năng suất”, sử dụng hợp lý hơn 85.000 nhân viên LHQ làm việc tại các quốc gia trên thế giới.

Ông Guterres tự nhận mình là “người xây cầu” và là “nhà thỏa hiệp”. Đây là những kỹ năng hết sức cần thiết để ông Guterres hiện thực hóa tầm nhìn của mình về một nền hòa bình thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh song hành nhiệm kỳ với ông sẽ là tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, một người có xu hướng phản đối các thể chế quốc tế, chủ trương “nước Mỹ là trên hết”, ông Guterres sẽ phải thuyết phục nước Mỹ tiếp tục ủng hộ và đóng góp hiệu quả vào các nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế.

Tình hình thế giới đòi hỏi vai trò điều phối ngày càng lớn của LHQ. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho ông Guterres trong những năm tới không hề nhỏ. Cộng đồng quốc tế cũng hy vọng tân Tổng Thư ký Antonio Guterres sẽ đem lại sức sống, phong cách mới cho LHQ, cùng nỗ lực vì nền hòa bình của nhân loại.