Toàn cảnh Diễn đàn. |
Diễn đàn toàn cầu về Người tị nạn (GRF) do Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn và Thụy Sỹ phối hợp đăng cai cùng với 5 nước đồng chủ trì gồm Costa Rica, Ethiopia, Đức, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tham dự Diễn đàn có hơn 400 đoàn với 3.000 đại biểu gồm đại diện chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp và đại diện người tị nạn, trong đó có nhiều lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ các nước.
Diễn đàn tập trung thảo luận sáu lĩnh vực chính, bao gồm: chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm; giáo dục; việc làm và kế sinh nhai; năng lượng và cơ sở hạ tầng, các giải pháp; năng lực bảo vệ người tị nạn; chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra các cam kết, đóng góp cụ thể về hỗ trợ, bảo vệ người tị nạn.
Diễn đàn là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau tăng cường nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận GCR theo tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định Diễn đàn là cơ hội để tiếp thêm sức mạnh và động lực đối với việc triển khai Thỏa thuận GCR, kêu gọi các bên liên quan đưa ra các cam kết mạnh mẽ và cụ thể, tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế nhằm ứng phó với vấn đề một cách thỏa đáng hơn trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm và các quan hệ hợp tác đa dạng,
Ông Filippo Grandi, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho rằng những thập niên vừa qua thế giới phải đối mặt với tình trạng di dời lánh nạn tiếp tục diễn ra và khó giải quyết nên Diễn đàn GRF chính là nơi để tất cả cùng “xây dựng quan hệ hợp tác để thúc đẩy và mở rộng các nỗ lực chung” đối với vấn đề này “khi thế giới bước sang một thập niên mới”.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng đã tham dự Diễn đàn. |
Đoàn Việt Nam do Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng làm Trưởng đoàn đã tham dự và cùng với đại diện 135 nước và tổ chức có bài phát biểu tại Diễn đàn.
Đại sứ Dương Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao vai trò chủ chốt của UNHCR trong việc xây dựng và triển khai Thỏa thuận GCR; đánh giá GRFsẽ là cơ chế hữu hiệu giúp Liên hợp quốc, các nước thành viên và các bên liên quan theo dõi và kiểm điểm hiệu quả việc triển khai Thỏa thuận; khẳng định Việt Nam cam kết sẽ tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của Diễn đàn GFR, đặc biệt trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Để giải quyết vấn đề, các quốc gia cần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thực hiện tốt các giải pháp xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế bền vững, ngăn ngừa xung đột, tăng cường đối thoại; cộng đồng quốc tế cần thúc đẩy triển khai trên thực tế các cơ chế chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm,và triển khai Thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện và tùy thuộc vào tiềm lực, điều kiện của mỗi quốc gia; đồng thời việc cấp quy chế tị nạn cần đảm bảo tính minh bạch; phân biệt rõ người tị nạn và người di cư trái phép vì mục đích kinh tế nhất là trong bối cảnh các thách thức an ninh phi truyền thống gia tăng như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu…
Theo thống kê của UNHCR có 71 triệu người lánh nạn trên toàn thế giới với 25 triệu người tị nạn. Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận toàn cầu về Người tị nạn vào tháng 12/2018 cùng với 180 nước. |